Tìm hiểu về Luật Trồng trọt (Kỳ 7)
Câu 30. Theo Luật Trồng trọt thì ứng dụng công nghệ cao nào được ưu tiên và khuyến khích áp dụng trong canh tác?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Trồng trọt thì công nghệ cao được ưu tiên và khuyến khích ứng dụng trong canh tác bao gồm:
- Công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; chẩn đoán, giám định sinh vật gây hại cây trồng; phát triển sản phẩm trong sinh học và vật liệu mới;
- Công nghệ tưới nước tiết kiệm, canh tác không sử dụng đất;
- Công nghệ sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà lưới;
- Công nghệ thông tin ứng dụng trong dự tính, dự báo về sinh vật gây hại; cấp mã số và quản lý vùng trồng;
- Kỹ thuật nông nghiệp chính xác ứng dụng trong khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng; điều khiển tự động chế độ bón phân, nước tưới; công nghệ bán tự động và tự động trong dây chuyền sản xuất; phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng.
Câu 31. Tổ chức, cá nhân canh tác hữu cơ phải đáp ứng những yêu cầu gì theo Luật Trồng trọt?
Điều 69 Luật Trồng trọt quy định về yêu cầu đối với canh tác hữu cơ như sau:
- Tổ chức, cá nhân canh tác hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ. Trường hợp xuất khẩu sản phẩm cây trồng hữu cơ thì áp dụng theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
- Giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư khác sử dụng trong canh tác hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc được sản xuất từ nguyên liệu và phương pháp phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
- Không sử dụng hóa chất tổng hợp, chất kích thích sinh trưởng cây trồng, thực vật biến đổi gen trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến.
- Việc ghi nhãn sản phẩm cây trồng hữu cơ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Câu 32. Nhà nước có trách nhiệm gì trong canh tác để thích ứng với biến đổi khí hậu?
Khoản 2 và khoản 3 Điều 70 Luật Trồng trọt quy định:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
+ Xác định giải pháp phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác;
+ Lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính khi xây dựng và thực hiện chiến lược, chương trình, đề án, dự án phát triển trồng trọt.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, hướng dẫn tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt tại địa bàn.
Câu 33. Để bảo vệ môi trường trong canh tác tổ chức, cá nhân canh tác phải bảo đảm những yêu cầu như thế nào?
Điều 72 Luật Trồng trọt quy định về việc bảo vệ môi trường trong canh tác như sau:
- Tổ chức, cá nhân canh tác phải bảo đảm yêu cầu sau đây:
+ Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khi sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
+ Thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng theo quy định tại Điều 76 của Luật Trồng trọt.
- Tổ chức, cá nhân kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã khi phát hiện dấu hiệu bất thường về ô nhiễm môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động canh tác.
Câu 34. Theo quy định của Luật Trồng trọt tổ chức, cá nhân canh tác có những quyền gì?
Theo quy định tại Điều 73 Luật Trồng trọt thì tổ chức, cá nhân canh tác có quyền:
- Tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết sản xuất với tổ chức, cá nhân khác.
- Được hưởng chính sách của Nhà nước quy định tại Điều 4 của Luật Trồng trọt và chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Được hỗ trợ để khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Chính phủ.
- Được cung cấp, chia sẻ thông tin về chính sách, pháp luật, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thị trường sản phẩm cây trồng; đào tạo, tập huấn về hoạt động trồng trọt.
- Được đăng ký cấp mã số vùng trồng.
- Được thông báo, cảnh báo về tình hình khí hậu, môi trường, dịch bệnh và thiên tai.
- Tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của Chính phủ.
(Còn nữa)
Hoàng Phạm Hùng Cường (Sở Tư pháp)
[links()]
Ý kiến bạn đọc