Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Sở hữu trí tuệ (Kỳ cuối)

10:24, 08/02/2020

Hỏi: Tôi đang làm thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm của công ty mình. Tôi nghe nói bằng bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp chỉ có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định có đúng không?

(Nguyễn Văn Q., TP. Buôn Ma Thuột)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ thì: Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Tại khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ quy định “Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 5 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm”.

Hỏi: Tôi có một bài thơ được đăng trên báo, tôi cũng đã đăng ký tác phẩm này với Cục Sở hữu trí tuệ. Vừa qua, tôi thấy một số người sử dụng trực tiếp lời thơ của tôi để viết bài bình luận trên cùng tờ báo. Tôi muốn biết khi người ta làm vậy thì có phải xin phép và trả tiền cho tôi hay không?

(Trần Mỹ D., huyện M’Đrắk)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không cần phải xin phép, trả tiền cho tác giả, cụ thể:

Trường hợp người sử dụng trích dẫn đầy đủ lời thơ đi kèm với nguồn gốc xuất xứ, thông tin của tác giả thì được coi là hành vi “Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình” và người thực hiện hành vi này không phải xin phép hoặc trả tiền cho tác giả. Nếu người sử dụng lời thơ mà không tuân thủ đúng những nguyên tắc nêu trên thì họ đã vi phạm quyền tác giả, trường hợp này bà có quyền yêu cầu người đó trả tiền hoặc đính chính công khai.

Hỏi: Tôi dự kiến tự tạo ra một máy hái cà phê để áp dụng vào sản xuất và bán sản phẩm trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tôi được biết trên thị trường hiện nay đã có máy hái cà phê đeo lưng Đ&Q (đã được cấp bằng độc quyền sáng chế và đang trong thời hạn bảo hộ tại Việt Nam) giống sản phẩm mà tôi dự kiến sản xuất. Vậy, tôi có được phép sản xuất không?

(Nguyễn Tiến L., huyện Ea H’leo)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ thì hành vi sau đây bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí “Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu”.

Như vậy, việc ông sản xuất máy hái cà phê giống sản phẩm máy hái cà phê Đ&Q (đã được cấp bằng độc quyền sáng chế và đang trong thời hạn bảo hộ tại Việt Nam) là không được phép vì đây là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ về sáng chế.

Duy Bình

 


Ý kiến bạn đọc