Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng tiếng hát dân ca

12:50, 06/04/2011

Đến hẹn lại lên, hàng trăm học sinh tiểu học (TH) yêu thích dân ca trong toàn tỉnh đã hội tụ về TP. Buôn Ma Thuột tham gia Hội thi hát dân ca cấp tỉnh năm học 2010-2011. Qua sự thể hiện hồn nhiên, nhí nhảnh đáng yêu của các ca sĩ nhí, những làn điệu dân ca đậm chất văn hóa của 3 miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã để lại nhiều ấn tượng.

Hội thi năm nay thu hút 16 đội thuộc 15 phòng GD-ĐT huyện, thị, thành phố và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, với 300 ca sĩ, diễn viên tham gia. Qua đó cho thấy, các trường TH đã từng bước đưa dân ca vào trường học để cùng góp phần bảo tồn, phát huy những bài hát mang đậm bản sắc và văn hóa truyền thống các vùng miền. Ngay cả những trường TH ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như Ea Súp, M’Drak, Lak, Krông Bông cũng đã nỗ lực để đưa dân ca đến với học sinh. “Ngoài những bài hát dân ca trong chương trình sách giáo khoa, chúng tôi còn thường xuyên sưu tầm các bài hát dân ca mới trên Internet, đặc biệt sưu tầm những bài đồng dao đang lưu truyền trong cộng đồng dân tộc thiểu số để dạy các em. Một thuận lợi lớn đối với các trường, những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm đã có sức hút mạnh mẽ đối với phụ huynh, nên sẵn sàng tạo điều kiện về thời gian, vật chất để các cháu tham gia Hội thi”, cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trường TH Lê Hồng Phong (huyện Krông Bông) nói.

Đơn vị Phòng GD-ĐT huyện Cư M'gar đang trình bày tiết mục Inh lả ơi, dân ca Thái.
Đơn vị Phòng GD-ĐT huyện Cư M'gar đang trình bày tiết mục Inh lả ơi, dân ca Thái.
Hội thi học sinh tiểu học hát dân ca cấp tỉnh năm học 2010-2011 được đánh dấu bởi sự thành công vượt bậc về mặt chất lượng. Tuy khoảng cách thời gian giữa Hội thi cấp huyện và cấp tỉnh khá ngắn, nhưng các phòng GD-ĐT đã có chuẩn bị chu đáo về chủ đề, dàn dựng, trang phục phù hợp với yêu cầu do Ban tổ chức đề ra. Nhiều đơn vị như Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Cư Kuin đã dày công trang bị cho HS những kỹ năng cơ bản trong âm nhạc như: hát đúng giai điệu, lời ca, thể hiện sắc thái tình cảm của bài dân ca qua nét mặt, điệu bộ, cử chỉ cùng với trang phục phù hợp với từng vùng miền. Theo đánh giá của Ban giám khảo, so với Hội thi trước, các đơn vị Ea Kar, Krông Ana, Krông Pak và TP. Buôn Ma Thuột đã có sự bứt phá về lựa chọn bài hát, sử dụng nhạc cụ dân tộc khi hát. Đặc biệt, phòng GD-ĐT huyện Ea Kar đã tự sáng tác bài hát dân ca theo điệu xẩm để dự thi và đã gây được sự chú ý đặc biệt đối với Ban giám khảo cũng như khán giả bởi độ khó và sự tinh tế vốn có của nó và đã nhận được sự cổ vũ  nồng nhiệt của khán giả. Ông Vũ Đức Năm, tác giả bài hát dân ca Chuyện bạn hư (đơn vị Ea Kar) chia sẻ: “Thấy 2 cháu ngoại mê dân ca như điếu đổ và tối nào cũng tập hát, trong tôi lóe lên ý tưởng sáng tác một bài hát dân ca để các cháu dự thi. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định chọn thể loại hát Xẩm, một loại hình nghệ thuật rất đặc trưng và nổi tiếng của vùng Bắc Bộ để thể hiện. So với những thể loại khác, làn điệu Xẩm rất khó hát, đặc biệt phần phối âm không có sẵn nên tôi đã phải nhờ người bạn đồng hương kéo đàn nhị, còn mình đệm trống đế cho các cháu hát”.
Bài dan ca tự sáng tác theo điệu Xẩm của đơn vị Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar gây sự chú ý đặc biệt.
Bài dân ca tự sáng tác theo điệu Xẩm của đơn vị Phòng GD-ĐT huyện Ea Kar gây sự chú ý đặc biệt.
48 bài dân ca tham gia Hội thi là những tiết mục xuất sắc được tuyển chọn qua các vòng thi cấp trường, huyện. Mỗi tiếng hát, lời ca là  tình cảm chan chứa của các em dành cho quê hương, đất nước, Bác Hồ kính yêu, gia đình, trường lớp… Em Nguyễn Thùy Dương, lớp 5E, Trường TH Lương Thế Vinh (huyện Buôn Đôn) bộc bạch: “Em tham gia cả 3 tiết mục đơn ca, song ca và tốp ca. Mỗi tiết mục mang đậm nét văn hóa đặc trưng của một vùng miền Bắc, Trung, Nam. Dù hát được dân ca 3 miền, nhưng vẫn thích hát dân ca Bắc Bộ hơn, vì ca từ trong sáng, lời ca đằm thắm, chan chứa tình cảm”.

Hội thi học sinh tiểu học hát dân ca cấp tỉnh năm học 2010-2011  có ý nghĩa giáo dục truyền thống, lòng yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa  dân tộc.  Đây cũng là dịp để giáo viên, học sinh trong toàn tỉnh giao lưu, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD-ĐT phát động, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ trong các trường TH. Tuy nhiên, nếu một số đơn vị có sự chuẩn bị chu đáo hơn khi lựa chọn bài hát, không quá lạm dụng nhạc điện tử, phần múa phụ họa, đặc biệt khai thác tốt những bài đồng dao thì sẽ phù hợp và hay hơn rất nhiều…

 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.