Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục gia đình tạo nền tảng đạo đức con người

10:50, 09/07/2011

Trong những năm gần đây, các hiện tượng tiêu cực liên quan tới giới trẻ được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt: tội phạm hình sự trong giới thanh thiếu niên, bạo lực học đường, trẻ em lang thang,... Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng, đó là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, sự suy thoái trong giáo dục. Rõ ràng, giáo dục con người là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó có ngành giáo dục, nhưng gốc rễ vẫn là giáo dục gia đình. Khi so sánh nền văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa khác, giá trị của văn hóa gia đình Việt Nam là một trong những giá trị xã hội tiêu biểu thường được nhắc tới. Tuy vậy, dưới tác động của quá trình hiện đại hóa, sự đổ vỡ trong cơ cấu gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự khủng hoảng giáo dục.

Trong xã hội hiện đại, cá nhân tham gia vào rất nhiều quan hệ xã hội, từ đó phải thực hiện nhiều vai trò xã hội. Nhiều bậc cha mẹ không đủ quỹ thời gian chăm sóc con, thậm chí con cái cũng không có nhiều thời gian trò chuyện với bố mẹ khiến cho sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Sức mạnh của gia đình là chữ hiếu. Chữ hiếu là một chất gắn kết ràng buộc mọi người trong quan hệ gia đình. Tăng cường mức độ đoàn kết xã hội của các thành viên chính là giải pháp quan trọng kiểm soát được các hiện tượng như: nghiện game, sử dụng ma túy,... thậm chí cả hiện tượng ngoại tình, ly hôn,...

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Cùng với sự chuyển biến xã hội, tỷ lệ gia đình hạt nhân (gia đình hai thế hệ) ngày càng tăng, quy mô số con trong gia đình giảm (1 hoặc 2 con). Ở nhiều gia đình đô thị, không chỉ người lớn không đủ quỹ thời gian chăm sóc con mà ngay cả trẻ em cũng thiếu  quỹ thời gian được thư giãn, nghỉ ngơi. Hiện nay, trẻ em thực hiện lịch học kín ngay cả trong dịp hè, hết học văn hóa, lại tới các môn năng khiếu, kỹ năng sống,...Thực chất, trẻ em hiện nay đang sống trong không gian mở nhưng mối tương tác giữa trẻ em và xã hội lại được xem là thiếu. Nếu như trẻ chỉ tiếp xúc với ti vi, truyện tranh thì xu hướng tương tác chủ yếu là tiếp nhận, khả năng thích nghi của trẻ sẽ kém. Xây dựng nhân cách cần khởi đầu từ cách cư xử của cá nhân với mọi người và môi trường xung quanh.

Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục trẻ con bây giờ khó hơn trước đây. Quả thật, nhiều cha mẹ cũng thấy khó khăn trong giáo dục tính trung thực cho trẻ khi xã hội tồn tại quá nhiều biểu hiện của giả dối: hàng giả, hàng nhái, chạy điểm, chạy trường,...Nếu chúng ta đặt cho trẻ câu hỏi “Theo em, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống?”, có thể các em sẽ trả lời “Tiền là quan trọng nhất”. Và nhiều cha mẹ cũng nhận thấy thật khó để giáo dục trẻ rằng tiền không phải là thứ quan trọng nhất của cuộc sống. Điều quan trọng là cha mẹ có thể trở thành tấm gương cho trẻ trong quá trình định hướng các giá trị xã hội liên quan tới nhân, lễ, nghĩa, trí, tín hay không?

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhu cầu và  sở thích cá nhân ngày càng được quan tâm. Nhưng trong gia đình, tinh thần trách nhiệm dựa trên tình yêu thương của các thành viên là điều quan trọng nhất, tạo nên nền tảng vững chắc trong giáo dục nhân cách. Chúng ta thấy rõ là rất khó yêu cầu con học bài trong khi cha mẹ nghe nhạc, xem phim. Thật không công bằng cho trẻ khi trong gia đình, nếu trẻ mắc lỗi như trốn nhà đi chơi điện tử, mải chơi, ham vui quá giờ, lười làm việc nhà,..thì bị người lớn trừng phạt nặng trong khi người lớn cũng mê bida, say rượu, ham vui quá đà lại không bị ai trừng phạt... Ai cũng biết không phải cứ lấy vợ lấy chồng và sinh con là làm cha mẹ tốt. Làm cha mẹ tự nhiên thì dễ, còn về mặt xã hội, nó đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy để con cái thành người như: hiểu biết về tâm lý lúc mang thai, chăm sóc con vừa chào đời, hiểu biết tâm lý con theo từng lứa tuổi, khi con gặp khủng hoảng, hiểu biết tuổi dậy thì, tâm lý thanh thiếu niên...

Những khiếm khuyết tự thân của mỗi gia đình, cộng thêm với những hạn chế của giáo dục đã tạo ra những vấn nạn về đạo đức xã hội. Dù hơi cực đoan nhưng ý kiến cho rằng xã hội hiện nay đang phải đương đầu với sự khủng hoảng về nhân cách không phải là không có lý. Trong tình hình đó, thiết nghĩ giáo dục gia đình cần được xem là yếu tố tạo nền tảng đạo đức con người.

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc