Multimedia Đọc Báo in

Một gia đình người Êđê nghèo có 11 người con hiếu học

08:36, 05/07/2011

Gia đình Ama Dâu là một trong 92 hộ nghèo của buôn K’Bu, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) nhưng lại được bà con trong buôn thán phục bởi ý chí vượt khó vươn lên và tinh thần hiếu học, ham thích “cái chữ”.

Có thể nói kinh tế khó khăn, riêng việc chỉ lo cho các con có cái ăn, cái mặc cũng đã là một điều vất vả, nhưng gia đình Ama Dâu luôn tâm niệm muốn con cháu nên người thì phải chăm chỉ học tập, học thành tài để thoát nghèo, thoát khổ, từ đó đem kiến thức học được phục vụ được nhiều người hơn... Với sự quyết tâm không nản, không bỏ học giữa chừng, 11 người con của Ama Dâu đều được đến trường, ăn học đến nơi đến chốn. Không những thế gia đình ông còn có 7 người con đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và đã có công ăn việc làm ổn định (chị H’Dâu công chức, chị H’Loan và H’Ranh là bác sĩ, H’Rial là giáo viên, anh Y Yu Rich là công an…), 3 người con vừa tốt nghiệp THPT đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học, cao  đẳng sắp tới và cô con gái út đang học lớp 9 tại Trường Dân tộc nội trú Buôn Ma Thuột.

Chị H’Ranh người con thứ 5 trong gia đình ông Ama Dâu hiện đang là bác sĩ Trạm Y tế xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột).
Chị H’Ranh người con thứ 5 trong gia đình ông Ama Dâu hiện đang là bác sĩ Trạm Y tế xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột).
Chị H’Dâu, một trong những cô con gái của gia đình, hiện là công chức huyện Tuy Đức (tỉnh Dak Nông) cho biết: Thu nhập trong gia đình chị chủ yếu trông chờ vào 6 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp  nên cũng chẳng thu được là bao… Cha mẹ chị đã trải qua một thời gian dài thiếu thốn về mọi mặt: dành dụm, tiết kiệm từng đồng tiền, chén gạo; nhất là lúc bắt đầu vào năm học mới phải tính toán vay ngân hàng, mượn trước, trả sau lo đủ thứ cho các con đi học... Trước đây cha chị cũng đã học đến lớp trung cấp chuyên nghiệp và có một thời gian dài làm Buôn phó phụ trách an ninh tại K’Bu. Chính nhờ có sự học hành, cộng với trải nghiệm từ thực tế, Ama Dâu luôn động viên, cổ vũ các con cố gắng học hành để sau này trở thành người tài, giúp gia đình và buôn làng thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của cái đói, cái nghèo. “Có thể nói động lực để chị em chúng tôi vẫn kiên trì với việc học hành, một phần là bởi cái nghèo, cái đói trong gia đình, trong buôn cứ bám mãi không chịu rời, do vậy phải đi học để thoát nghèo. Nhưng quan trọng hơn cả đó là được sự “truyền lửa” từ cha mẹ chúng tôi”, chị tâm sự.

Bá Thăng

Ý kiến bạn đọc