Để phong trào viết sáng kiến, kinh nghiệm có hiệu quả thiết thực
Sáng kiến, kinh nghiệm (SKKN) là tiêu chí bắt buộc để giáo viên được công nhận là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là những sáng kiến đó chỉ có người viết và hội đồng khoa học chấm SKKN được đọc, sau đó… rơi vào quên lãng.
Các trường thường phát động phong trào đăng ký viết SKKN vào đầu năm học. Việc đăng ký trở thành tiêu chí thi đua năm học của mọi giáo viên, ai không đăng ký là đồng nghĩa với không hoàn thành nhiệm vụ năm học. Giáo viên nào đăng ký danh hiệu chiến sĩ thi đua phải kèm theo SKKN được Hội đồng khoa học cấp cơ sở công nhận. Bởi vậy, mọi người phải cố gắng tìm tòi... nhồi... nặn... ra cho được một đề tài SKKN!
Thầy Đ.Ng, một giáo viên dạy Toán giỏi có thâm niên công tác ở huyện Krông Bông cho hay: “Nhiều năm nay, tôi rất tâm huyết và bỏ nhiều công sức để sưu tầm tài liệu, thực nghiệm viết đề tài SKKN nhằm đưa ý tưởng, kinh nghiệm của mình góp phần vào đổi mới phương pháp dạy học. Nhưng tôi cứ băn khoăn không hiểu vì sao những SKKN của tôi và của những người khác bặt vô âm tín, không hề có hồi đáp nào về việc ứng dụng từ các cơ quan nghiệm thu”.
(Tranh minh họa) |
Theo thầy Đ.Ng, công đoàn nhà trường rất nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp, tổng kết, hội thảo giáo dục về sự lãng phí SKKN hằng năm nhưng hầu như không được phản hồi. Cô M.Tr, một giáo viên dạy ở vùng 3, bức xúc: “SKKN là sự ghi nhận sức phấn đấu của giáo viên, nhưng bây giờ nhiều người viết để lấy thành tích thi đua. Bỏ nhiều thời gian và công sức để khảo sát, nghiên cứu, viết một SKKN trong khi vẫn phải bảo đảm công việc trên lớp, nhưng khi được xét duyệt, giáo viên không hề nhận được phản hồi khen chê, cũng không thấy sáng kiến đoạt giải đó được phổ biến, ứng dụng vào thực tế dạy học. Điều đó đã làm giảm nhiệt tình viết SKKN và nảy sinh tâm lý viết chiếu lệ cho xong”. Còn thầy giáo V.Đ.G., giáo viên một trường THCS thì cho rằng: “Giáo viên bỏ công nghiên cứu, nếu chia sẻ rộng, các giáo viên khác sẽ học tập được kinh nghiệm mà vẫn tiết kiệm được thời gian. Nhiều năm nay cả trăm nghìn SKKN đã ra đời nhưng không được phổ biến là một sự lãng phí công sức của giáo viên. Giáo viên chính là những người đầu tư thai nghén đứa con tinh thần của mình nên thấy tiếc vô cùng”. Một cô giáo dạy lịch sử cũng cho rằng: “Theo quy định về thi đua của Bộ GD-ĐT, giáo viên phải có SKKN được công nhận mới đạt danh hiệu thi đua. Quy định này sẽ đẩy giáo viên chạy theo thành tích. Theo tôi, cần để giáo viên tự nguyện viết và khi được xét duyệt phải đưa ra ứng dụng, phổ biến, không nên phát động, đặt chỉ tiêu theo kiểu phong trào”.
Đi sâu tìm hiểu mới thấy giáo viên có nhiều chiêu thức độc đáo để viết SKKN kiểu đối phó. Song, có lẽ “chiêu” xào xáo trên mạng Internet là phổ biến nhất, hàng nghìn SKKN, chẳng biết có được cấp nào xét, công nhận hay không cứ tha hồ tải về chọn lựa, hơn nhau ở trình độ “xào xáo, nêm nếm” mà thôi. Dự thi ở cấp trường thì cứ yên tâm, có viết, viết dài đủ và vượt số trang tối thiểu theo quy định, trình bày đúng hình thức và đẹp là chắc chắn được xếp loại A, ít thấy được thẩm định. Vì thế nên đã xảy ra những trường hợp thật bi hài, một giáo viên viết một đề tài SKKN được đóng thành quyển, bìa có in màu rất “ bắt mắt” nhưng khi đọc kỹ thì thấy các thông tin của một trường tận mãi… tỉnh Lạng Sơn! Vậy mà cũng chẳng sao, miễn là có nộp cho nhà trường để không bị trừ điểm thi đua là được rồi, còn đoạt giải hay không cũng chẳng cần thiết! Lại có chuyện ở một trường THCS nọ, hai thầy giáo cùng mày mò tìm đề tài SKKN và rồi cùng nhau tải trên mạng về để chỉnh sửa. Sau một thời gian “râu ông nọ chắp cằm bà kia”, cuối cùng một thầy đoạt giải cao còn SKKN của thầy kia không được nhắc tới, nghe thầy than thở... mà thấy buồn cười. Người viết là vậy, còn người chấm thì sao? Xin thưa, chỉ cần copy vào đĩa rồi giao cho một số hiệu trưởng hoặc giáo viên chấm và báo cáo kết quả là... xong.
Dạy học là một quá trình sáng tạo liên tục, vì vậy cần khuyến khích những SKKN và phổ biến rộng rãi để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Còn việc viết SKKN chỉ nhằm đạt danh hiệu thi đua như thực tế đang diễn ra ở một số nơi hiện nay là sự biến tướng đáng sợ, cần thiết phải có sự nhìn nhận nghiêm túc và điều chỉnh kịp thời.
Bình Cát
Ý kiến bạn đọc