Multimedia Đọc Báo in

Xin hãy “soi” lại mình

15:17, 28/08/2011

Mấy mẹ con chúng tôi vừa chuẩn bị sách vở cho năm học mới vừa trò chuyện vui vẻ, bỗng nhiên cậu con trai giọng chùng xuống: Sang năm học mới mà cô H chủ nhiệm thì nhiều đứa trong lớp con “chết” chắc rồi mẹ ơi!”. “Sao con lại nói vậy?”. Con trai tôi liền kể đầu đuôi câu chuyện: Lớp 8 của con học buổi sáng, lớp 9 do cô H. chủ nhiệm học buổi chiều. Một hôm, đội Cờ đỏ của trường phát hiện ra trên nhiều bàn học của lớp có viết, vẽ bậy và vết kẹo cao su rất bẩn. Vậy là học sinh hai lớp sáng và chiều đổ lỗi cho nhau. Đến cuối tuần, khi lớp 8 đang sôi nổi trong giờ sinh hoạt thì cô H. đến và “lớn tiếng”, quy chụp cho học sinh lớp buổi sáng tội mất vệ sinh làm ảnh hưởng tới thành tích của lớp chiều do cô chủ nhiệm. Không đồng tình với lối hành xử ấy, nhất là không coi trọng sự có mặt của mình và sự quy chụp vô căn cứ của cô H., cô giáo chủ nhiệm lớp 8 đã phản ứng mời cô giáo H. ra khỏi lớp để học sinh tiếp tục giờ sinh hoạt. Cô H. không những không đi mà còn có những lời lẽ rất thô tục… Vậy là 50 học sinh của lớp 8 được chứng kiến một cuộc đấu khẩu giữa hai cô giáo chủ nhiệm. Mặc dù thấy cô giáo chủ nhiệm của mình cũng không kém cạnh, nhưng những học sinh ngồi bàn đầu trong lớp vẫn tỏ ý bênh vực. Do đó, trước khi đi cô H. còn quay ngoắt lại chỉ vào mặt những bạn vừa nói “hùa” và quát: “Tao nhớ mặt từng đứa chúng mày rồi…”. Chính vì câu nói ấy của cô H. mà suốt 3 tháng hè những học sinh lớp 8 của con tôi cứ thấp thỏm lo sợ…

Và tôi, cũng bắt đầu cảm thấy lo ngại… đó chính là sự phản cảm tác động xấu tới giáo dục qua những hành động, ngôn từ, cách xử sự của 2 cô giáo chủ nhiệm ở một trường đang phấn đấu đạt chuẩn tại TP. Buôn Ma Thuột, trong khi ngành Giáo dục đang rất coi trọng việc giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho trẻ. Hơn thế nữa, chúng ta đang ra sức thực hiện phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động thì những tình huống như trên quả là  gây “sốc”, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, nhận thức của các em.

Thiết nghĩ, để học sinh có nhân cách tốt, có văn hóa giao tiếp, trước hết giáo viên phải chuẩn mực về lối sống, đạo đức, ứng xử. Vì vậy, hy vọng các giáo viên sẽ có phút nhìn lại mình mà suy xét những hành vi, câu nói của bản thân để người thầy, người cô thực sự là tấm gương soi sáng cho các em trên bước đường vào học tập và vào đời sau này.

Nhật Huyền

 


Ý kiến bạn đọc