Huyện Cư Kuin: Phòng chống cận thị học đường bằng phương pháp y học cổ truyền
Để hạn chế tình trạng cận thị học đường, bắt đầu từ năm học 2011- 2012, huyện Cư Kuin triển khai chương trình ứng dụng phòng chống cận thị cho học sinh tại trường học theo phương pháp y học cổ truyền là xoa bóp, bấm huyệt. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai chương trình ứng dụng này.
Các em học sinh của Trường THCS 19/8 (huyện Cư Kuin) vừa được tham dự một tiết học ngoại khóa ấn tượng. Đó là giờ học tập trung với các lương y về phương pháp y học cổ truyền xoa bóp, bấm huyệt để phòng chống cận thị học đường. Hơn 530 học sinh đang theo học tại trường, trong đó có gần 20 em bị cận thị đã được tiếp cận với phương pháp này.
Bằng 7 thao tác khéo léo, như: day huyệt toản trúc, tứ bạch, ấn huyệt tình minh, day huyệt phong trì, thái dương, nhãn cầu và xoa vòng quanh mắt, các lương y của Hội Đông y huyện Cư Kuin đã cuốn hút học sinh vào bài giảng. Chỉ trong một tiết học chưa đầy 60 phút, các em học sinh của Trường THCS 19/8 đã thực hiện thuần thục các bước xoa bóp, bấm huyệt. Thoải mái tinh thần, dễ chịu đôi mắt, là những cảm nhận chung của các em sau khi áp dụng biện pháp y học cổ truyền này. Em Phạm Thị Hương Giang, học sinh lớp 6A bị cận thị 1,75 độ nên thường xuyên phải đeo kính. Được hướng dẫn cách xoa bóp, bấm huyệt phòng chống cận thị, Giang rất thích bởi từ nay em đã biết cách để chăm sóc đôi mắt của mình.
Cậu học trò Lê Đức Quyền, học sinh lớp 7B cho biết sẽ tạo cho mình một thói quen tốt, là buổi sáng thức dậy tự mình thực hiện 7 bước xoa bóp, ấn huyệt, với hy vọng thời gian tới tình trạng cận thị của mình sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Quyền cũng sẽ bỏ thói quen đọc sách trong bóng tối, xem tivi, ngồi liên tục nhiều giờ trên máy tính.
Theo ông Nguyễn Huy Tường, Hiệu trưởng Trường THCS 19/8, việc hướng dẫn phương pháp xoa bóp bấm huyệt chỉ là bước khởi đầu, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì và vận động học sinh, cũng như các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến con em mình, trong đó thường xuyên sử dụng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt để phòng tránh bệnh cận thị. Cùng với đó, nhà trường tiếp tục đầu tư trang thiết bị dạy học, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, phòng tránh các bệnh học đường. Lương y Nguyễn Thúy Hằng, Hội Đông y huyện Cư Kuin cho biết: Với phương pháp xoa bóp, bấm huyệt, Hội Đông y huyện Cư Kuin đã triển khai tại 3 trường học và tiến tới sẽ triển khai tại tất cả 36 trường học trên địa bàn gồm 22 trường Tiểu học và 14 trường THCS. Để hạn chế, giảm thiểu tỷ lệ học sinh bị cận thị ở trường học cần tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức cho phụ huynh, học sinh về nguyên nhân, tác hại và các biện pháp phòng chống cận thị học đường. Có một thực tế là nhiều học sinh không tự phát hiện được mình bị cận thị, mà chỉ cảm thấy dấu hiệu của việc nhìn xa thấy mờ. Tuy nhiên, nếu các em được kiểm tra thị lực, đo mắt thường xuyên thì việc phát hiện cũng không phải là quá khó. Khi đã phát hiện, cách tốt nhất là phải kịp thời can thiệp, điều chỉnh để tránh những ảnh hưởng lớn đến chức năng thị giác của các em. Hy vọng, giải pháp y học cổ truyền về xoa bóp, bấm huyệt sẽ góp phần cải thiện tình trạng cận thị học đường đang có xu hướng gia tăng hiện nay.
Theo bác sĩ Đoàn Anh Tài, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, phòng chống bệnh cận thị đã được Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông y Bệnh viện Quân đội 108 nghiên cứu thành công. Phương pháp này, ngoài khả năng phòng tránh bệnh cận thị, còn giúp hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt. Sau huyện Cư Kuin, tới đây phương pháp xoa bóp, bấm huyệt phòng chống cận thị trường học sẽ được triển khai tại các địa phương như: Thị xã Buôn Hồ, các huyện Krông Pak, Krông Ana và đến năm học 2012- 2013 sẽ nhân rộng ở hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh. Như vậy, hàng nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ có cơ hội tiếp cận với phương pháp y học cổ truyền trong phòng chống bệnh cận thị. Đây cũng là liệu pháp giúp giảm stress cho học sinh sau mỗi giờ học căng thẳng.
Ý kiến bạn đọc