Sáu bước để chọn ngành nghề phù hợp
Để lựa chọn được ngành nghề phù hợp nhất trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, theo các chuyên gia về tư vấn tuyển sinh, thí sinh có thể tham khảo phương pháp lựa chọn theo 6 bước dưới đây.
Các thành viên Ban tư vấn tuyển sinh giải đáp những băn khuăn cho học sinh tỉnh Dak Lak (Ảnh: tư liệu) |
Bước 1: Đọc kỹ 11 nhóm sở thích
Các nghề liên quan đến nghệ thuật: Đây là những nghề cần sự đam mê và sự khéo léo. Có thể là những nghề liên quan đến việc vẽ, trạm trổ, thủ công hoặc trong các lĩnh vực âm nhạc, kịch,...
Các nghề liên quan đến công việc văn phòng và hành chính quản trị: Bạn có thể quan tâm tới công việc viết lách, thư từ, việc tổ chức, kiểm tra và ghi chép chính xác các thông tin. Cao hơn, bạn có thể thiết lập, tổ chức và kiểm tra các hoạt động của một cơ quan, một chương trình nào đó của công ty. Công việc văn phòng không nhất thiết phải ngồi một chỗ cả ngày. Lúc này hay lúc khác bạn có thể rời khỏi văn phòng ra ngoài để giải quyết công việc. Có thể là các công việc thường xuyên tiếp xúc với khách hàng hay với các nhân viên khác.
Các nghề liên quan đến việc phân tích số liệu: Bạn có thể ưa thích làm việc với những con số, công thức hay số liệu thống kê hay thực hiện các công việc tính toán, ước tính và định giá. Bạn cũng có thể sử dụng các dữ liệu, kết quả điều tra, máy vi tính để thu thập, đánh giá và tổng hợp thông tin. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực này có đầu óc phân tích, có khả năng sử dụng số liệu để dự báo và dự đoán các xu hướng phát triển kinh tế, xã hội, dân số cũng như các xu hướng phát triển khác.
Các nghề liên quan đến dịch vụ cộng đồng và trợ giúp: Bạn cũng có thể là một kiểu người ưa thích các công việc giúp đỡ, hướng dẫn người khác. Công việc bạn làm cũng có thể liên quan tới lợi ích cộng đồng, giáo dục, bảo vệ sức khoẻ, các dịch vụ bảo vệ hay thông tin.
Các nghề liên quan đến tiếp xúc cá nhân: Bạn có khả năng dễ dàng giao tiếp với người khác. Công việc của bạn là thảo luận, tiếp xúc với các ý kiến và hành vi của người khác. Bạn cần có những lập luận và kỹ năng nghe tốt, tạo ấn tượng tốt.
Các nghề liên quan đến nghiên cứu: Bạn thích làm việc với những ngôn từ và ý tưởng. Bạn thích diễn đạt ý kiến và ý tưởng của mình trong công việc viết lách và thảo luận. Bạn hay đưa ra các lập luận, các cách giải quyết vấn đề khác nhau.... Những lĩnh vực này liên quan nhiều đến công việc nghiên cứu.
Các nghề liên quan đến y tế: Bạn thích làm những công việc chữa trị, cứu trợ, vật lý trị liệu và các hoạt động y học khác. Bạn có thể phải làm việc trực tiếp với các bệnh nhân. Một vài người cảm thấy không thích thú lắm với việc này do họ sợ máu hay phẫu thuật.
Các nghề liên quan đến công việc ngoài trời: Bạn thích làm việc ở bên ngoài trong một môi trường mở và vận động, thường xuyên như là: kho hàng, nhà ga, ngành xây dựng, nông nghiệp, hầm mỏ và vận tải. Nhiều trường hợp tuy gọi là:“Công việc văn phòng” nhưng vẫn liên quan đến công việc ngoài trời, ví dụ: nhân viên y tế cộng đồng, họa sỹ, kế toán nông nghiệp, các nhà sinh vật học...
Các nghề liên quan đến kỹ thuật và cơ khí: Bạn thích làm việc với các công cụ, thiết bị, máy móc và cả trong việc thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng và sử dụng chúng. Bạn cũng có thể làm việc thường xuyên với dụng cụ kỹ thuật, thiết kế hay lập kế hoạch và sử dụng máy tính nhằm hỗ trợ cho việc thiết kế, sản xuất hay quản lý. Bạn có tính tỉ mỉ, thích biết bản chất sự việc như thế nào và tại sao những thứ đó lại diễn ra như vậy.
Các nghề liên quan đến công việc thủ công: Bạn là người thích kiểu công việc cần phải sử dụng tay và sử dụng các công cụ, dụng cụ để làm việc. Bạn có thể là người ưa thích nhiệm vụ thực hành mà cần có độ chính xác cao.
Các nghề liên quan đến khoa học: Bạn ưa thích việc quan sát và đánh giá. Điều này thường liên quan đến công việc nghiên cứu khoa học và thí nghiệm. Bạn cần phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ trong những thí nghiệm phức tạp và các quan sát đánh giá khác nhau.
Học sinh các Trường THPT trên địa bàn tỉnh Dak Lak nhận tài liệu liên quan đến kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 do Báo Tuổi trẻ tặng |
Bước 2: Hãy đọc kỹ các nhóm sở thích và trả lời các câu hỏi: Bạn có thích hay không thích loại công việc này? Bạn thích loại công việc này ở mức độ nào?
Bước 3: Hãy xem phần Các hình thức việc làm tương ứng với các nhóm sở thích, bạn hãy đọc tất cả các nghề được giới thiệu trong nhóm nghề mà bạn đã chọn “Thích” và “Rất thích”.
Bước 4: Hãy viết ra những nghề mà bạn thích và bản thân bạn mong muốn được làm việc bằng những nghề đó. Nếu như có nghề nào mà bạn chưa chắc chắn thì hãy xem phần giới thiệu một số nghề ở phần Tham khảo, nếu như nghề mà bạn chọn không có trong phần này, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về nghề đó trước khi quyết định đưa vào danh sách những nghề ưa thích của bạn.
Bước 5: Hãy quyết định nghề nào mà bạn mong muốn từ danh sách những nghề mà bạn đã liệt kê trong bước 4. Bạn hãy tìm hiểu sâu về nghề đó bằng cách xem phần Giới thiệu một số nghề trong phần tham khảo của cuốn sách này. Nếu như nghề đó không có trong phần Tham khảo thì bạn có thể đến các trung tâm giới thiệu việc làm gần nơi bạn sống để tìm hiểu, bạn cũng có thể tìm hiểu thông qua người thân, thầy cô, bạn bè hoặc những người đang làm việc mà bạn biết,…
Bước 6: Nếu như bạn không tìm thấy nghề nào mà bạn yêu thích sau bước 4 và 5 thì có thể có những nguyên nhân sau:
Bạn có một số khó khăn trong việc quyết định. Bạn cần phải hiểu rằng những ý tưởng về nghề nghiệp chỉ là tạm thời và đôi khi bạn sẽ thay đổi nghề nghiệp trong tương lai.
Có khi bạn chưa chọn đúng nhóm nghề mà bạn thực sự ưa thích. Bạn hãy bắt đầu lại từ bước 1 và cần phải thận trọng hơn trong việc quyết định.
NH (Nguồn Giáo dục và Thời đại)
Ý kiến bạn đọc