Multimedia Đọc Báo in

Cái tát... học đường

15:27, 21/02/2014
Những ngày gần đây dư luận xôn xao vụ thầy giáo đánh trò, trò đánh lại ngay trên bục giảng vừa xảy ra ở tỉnh Bình Định. Tại nhiều diễn đàn trên Internet nhiều ý kiến cho rằng sự việc này chẳng khác nào là "cú tát vào hình ảnh người thầy trong lòng giới trẻ”, một “cái tát”… không đáng có.

Trên trang chia sẻ Youtube xuất hiện đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh xô xát giữa thầy giáo và học trò ngay trong lớp học, gây nhiều bức xúc cho cư dân mạng. Vụ việc được xác định xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Khi xem clip trên, một thầy giáo đang giảng dạy tại một trường THPT trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, thầy giáo tát học sinh liên tục như vậy thì “tức nước vỡ bờ”, học sinh đánh trả lại là điều dễ hiểu. Tuổi trẻ thường rất khó kiềm chế cảm xúc, đặc biệt khi mình bị sỉ nhục và xâm phạm trước mặt đông người. Ở đây, học sinh sai một vì hành vi bạo lực, thì người thầy sai gấp trăm, gấp vạn lần. Vậy nên cái sai của thầy mới là đáng trách nhất. Vì thầy sai mới dẫn đến cái sai của trò. Tuy nhiên chắc chắn đây không phải là trường hợp cá biệt, bởi nhiều người thầy hiện nay bị “nhiễm” tư tưởng xem thường học trò…

Thực tế cho thấy nếu thầy, cô hết lòng vì học trò của mình, yêu thương các em thì dù có là học sinh “cá biệt” chăng nữa thì đó vẫn là điều kiện cần đầu tiên để người thầy được học trò quý trọng. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, tâm lý giới trẻ đã khác trước rất nhiều. Việc tiếp cận với đa dạng các phương tiện thông tin truyền thông khiến tâm sinh lý giới trẻ phức tạp hơn. Vì thế nếu người thầy không có cách hành xử phù hợp và sư phạm thì những chuyện "tày đình" như việc học sinh đánh lại thầy không ai dám chắc sẽ không tái diễn.

Qua sự việc này, người giáo viên cũng cần nghiêm khắc xem lại cách hành xử của mình để những sự cố đáng tiếc như trên không còn xảy ra. Thiết nghĩ các nhà trường cùng với việc trang bị kiến thức cho học sinh cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục bồi dưỡng nhân cách đạo đức người học trò. Việc nhắc nhở giúp học sinh tiến bộ không mắc sai lầm là điều cần thiết song đối với người giáo viên cần phải giữ đúng chuẩn mực của người thầy.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.