Multimedia Đọc Báo in

10 năm trên đôi chân cha đi tìm con chữ

17:24, 30/08/2010

Khát khao con chữ, 10 năm qua Nguyễn Thị Bích Diễm (sinh năm 1988, ở thôn 3, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) mang ước mơ đèn sách đến trường trên đôi chân của ba mình. Nhưng trớ trêu thay, ước mơ tưởng chừng giản dị của em không dễ thành hiện thực bởi “đôi chân” ấy đã mãi mãi ra đi…

Diễm ú ớ không nói được nhưng đôi mắt trong veo của em sớm nhuốm màu buồn. Không chỉ đôi chân co quắp mà cái cổ cũng cong vẹo, dáng người oặt ẹo nhưng nhìn ánh mắt đầy nghị lực ấy, ai cũng tin rằng em không đầu hàng số phận. Lúc sinh ra em cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Căn bệnh sốt lúc 2 tháng tuổi đã làm thân hình em teo tóp lại, lưng còng xuống rồi em bị bại liệt nửa người, không thể đứng vững bằng đôi chân của mình, kéo theo đó là những cơn đau đến tận xương tủy. Có những hôm trở trời, tay chân em cứng đơ và co quắp lại, mắt trợn trông lên trần nhà rồi nhắm nghiền, hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Bố mẹ ôm con cầu cứu hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng bệnh tình chẳng chịu thuyên giảm. Lớn lên, thấy chúng bạn quần xanh áo trắng đến trường, trong em háo hức lạ thường. Em quyết ngồi dậy, bò trườn lê la khắp nhà tập đi. Nhìn con vật vã trườn tay bám vào tường, lê la từng bước, anh Hải và chị Chuyên (bố mẹ Diễm) như đứt từng khúc ruột. Lo lắng cho sức khỏe của con, bố mẹ khuyên em từ bỏ ước mơ ấy nhưng trước niềm khao khát của con trẻ, anh chị không đành lòng. Thế là, giấc mơ đèn sách nơi cô học trò tật nguyền gửi cả vào đôi lưng trần của người cha làm “yên ngồi” cho mình được tới trường.

Với đôi tay co quắp, vất vả lắm Diễm mới viết nên được từng nét chữ.
Với đôi tay co quắp, vất vả lắm Diễm mới viết nên được từng nét chữ.
Đã 10 năm nay, bố luôn đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường đến lớp. Trời mưa hay nắng, ngày ngày trên chiếc xe máy cũ kỹ, bố vẫn đều đặn đưa đón Diễm đi học. Sáng chở em đến lớp, bế vào tận chỗ ngồi, trưa tất tả từ trên rẫy chạy về chưa kịp thay tấm áo đã vội vã đến trường đón con. 12 tuổi, thân hình oặt ẹo, đôi tay co quắp của em mới nắn nót, khó nhọc cầm bút viết nên những nét chữ đầu tiên trong đời. Tuy vất vả, khó khăn là vậy nhưng Diễm chưa bỏ một buổi học nào, dù có đau ốm. Em phải khó nhọc lắm, ngồi trườn người cúi xuống mới có thể viết lên được nét chữ. Mẹ em kể, gian khó vậy mà chưa bao giờ Diễm có ý định bỏ học. Tan học về nhà là cháu lao vào học để theo kịp bạn bè, vì cháu không thể đi học thêm. Cháu luôn bảo sẽ cố gắng học để sau này tự nuôi sống bản thân, không muốn bố mẹ phải khổ vì mình.

Không tự mình đứng lên được, cũng không thể cất lên nổi một tiếng gọi mẹ cha nhưng Diễm lại là một học sinh giỏi. Hành trình tìm chữ của em đến nay đã tròn 10 năm. Hiện tại, em bước vào lớp 11 Trường THPT Chu Văn An. Điều đáng trân trọng là dù bệnh tật, thiệt thòi nhưng nhiều năm liền, em đạt danh hiệu học sinh giỏi và có tên trong đội tuyển học sinh giỏi Văn của thành phố.

Dường như, hiểu rằng "hạnh phúc chỉ đến nếu mình chăm chỉ học tập" nên Diễm càng siêng năng, cần mẫn. Mặc dù bệnh tật thi nhau hành hạ tấm thân gầy, em vẫn cố gắng đến lớp, quyết học thật giỏi. Tưởng chừng nghị lực của cô học trò tật nguyền sẽ được đền đáp nhưng trớ trêu thay, trước cái háo hức như bao bạn bè cùng trang lứa bước vào năm học mới thì bố Diễm bị đột quỵ, đột ngột ra đi chưa kịp để lại một lời trăn trối. Em không nói được, chỉ có hai hàng nước mắt lưng tròng, nóng hổi lăn dài trên gò má. Chít vầng khăn tang trắng trên đầu, Diễm cứ nhìn lên bàn thờ bố, rấm rứt khóc. Em viết lên trang giấy những dòng chữ nhỏ lệ: “Khi còn có bố, em mong được ở nội trú để bố bớt khổ. Bố mất rồi, có được ở nội trú thì em vẫn không an tâm để mẹ ở nhà một mình…”

"Chỉ những người không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn mới hiểu thế nào là hạnh phúc" - câu nói ấy có vẻ đúng với hoàn cảnh của Diễm. Dù không còn đi nhờ trên đôi chân của cha, nhưng trong em, niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp chưa bao giờ tắt…

Khi hoàn cảnh thương tâm của em Diễm được đăng tải trên các báo vào năm 2009, một bạn đọc tên Nguyễn Thành Nam ở quận Ô Môn, TP. Cần Thơ đã viết thư hỏi thăm, động viên em. Hơn 1 năm qua, bé Diễm và anh Nam vẫn giữ liên lạc đều đặn. Không nói được nên Diễm và anh Nam thường xuyên nhắn tin qua điện thoại để tâm sự, chia sẻ với nhau. Anh Nam kể, trước khi bố Diễm mất khoảng 10 ngày, Diễm có nhắn tin cho anh: “Năm học tới đây, cháu đang xin ở nội trú mà chưa được, chứ để bố lặn lội chở đi hoài thương bố quá…”.  Không ngờ, khi đứa con hiếu thảo chưa kịp cám cảnh nghĩ thương cho người bố thân yêu thì bố em đã đột ngột ra đi...

  Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.