Multimedia Đọc Báo in

Lê Hữu Bách với ước mơ “Hiệp sĩ công nghệ thông tin”

17:01, 23/07/2011

Tôi gặp lại Lê Hữu Bách, học sinh lớp 9, Trường THCS thị trấn Phước An, huyện Krông Pak sau gần 2 năm kể từ ngày nhận học bổng “Niềm hy vọng quanh ta” do Báo Dak Lak phối hợp với Công ty Bia Huế (Huda) tài trợ. Trông Bách chẳng lớn hơn so với lần đầu gặp, vẫn chỉ cao 94 cm, nhưng khuôn mặt thì rắn rỏi và tràn đầy niềm tin. Bách đang vui vì vừa thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, với số điểm 40,25 (điểm chuẩn vào lớp 10 của nhà trường là 26 điểm). Nhưng vẫn chưa hài lòng lắm với kết quả bài làm của môn Toán, Bách ấm ức: “ Bài toán khó thì làm đúng, riêng bài dễ thì bị trừ 0,5 điểm do không cẩn thận, chủ quan nên chỉ đạt 9,5 điểm”.

Niềm vui rạng ngời trên khuôn mặt vốn khắc khổ vì vất vả của vợ chồng anh Lê Quang Vịnh và chị Đặng Thị Đoàn khi cậu con trai út kém may mắn về hình thể nhưng rất chăm ngoan, học giỏi, được thầy cô, bạn bè quý mến. Chị Đoàn nói: “Công việc nhà nông bận rộn quanh năm, hai vợ chồng không thể chăm bẵm con suốt ngày, phần lớn phải nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ. Ngày mùa, bố mẹ chỉ kịp chở con đến cổng trường là vội vàng chạy ra đồng. Thương Bách, các bạn đã xách cặp hộ tới lớp. Cũng có hôm bố mẹ không đón kịp, bạn bè, thầy cô giáo đã chở về nhà hộ”. Còn anh Vịnh hồ hởi khoe: “Năm nào cháu cũng được nhận học bổng của trường, khi thì 100 nghìn đồng, khi thì 150 nghìn đồng. Số tiền này, cháu đều mua sách vở, đồ dùng học tập. Với những đứa trẻ khác, bố mẹ có thể mua thiếu một cuốn sách, cục tẩy, cây thước, nhưng riêng Bách tôi đều mua dư, đơn giản vì nghĩ, nếu thiếu các bạn có thể đi mượn, nhưng con mình thì không. Bách không thể chơi đá bóng nhưng trong nhà vẫn phải có quả bóng, không thể câu cá nhưng dưới ao vẫn thả cá để các bạn đến nhà  chơi thường xuyên hơn. Và như mọi lần, khi nhận học bổng “Niềm hy vọng quanh ta” của Báo Dak Lak, hai bố con đã chở nhau đến nhà sách để Bách thoải mái lựa chọn những cuốn sách yêu thích. Số tiền còn thừa, hai bố con mua thêm một vài đồ chơi vừa trang trí, nhưng cũng để nhắc nhở Bách phải cố gắng học tập, không được quên sự hỗ trợ, giúp đỡ của mọi người”.

Lê Hữu Bách chia sẻ ước mơ với bố và thầy giáo.
Lê Hữu Bách chia sẻ ước mơ với bố và thầy giáo.
Ngoài sự chăm bẵm, yêu thương của bố mẹ, con đường đến trường của Bách bớt chông chênh hơn khi bên em luôn có bạn bè và thầy cô giáo hết lòng vì học trò. Những tên thầy Ánh, cô Huyền, cô Bích… đã ăn sâu vào tiềm thức của Bách với những tình cảm rất thân thương, trìu mến. “22 năm trong nghề giáo, đã dạy hàng ngàn học sinh, nhưng với Bách tôi có một tình cảm thật đặc biệt. Bách giàu nghị lực và lạc quan. Tôi luôn dõi theo mỗi bước đi của Bách. Mỗi khi coi thi, nếu phòng thi có Bách  tôi luôn hồi hộp vì sợ với đôi bàn tay mềm, ngắn em sẽ không làm bài kịp giờ. Nhưng thật may khi trống đánh hết giờ cũng là lúc Bách hoàn thành bài làm, với kết quả rất tốt”, thầy Lê Minh Ánh, giáo viên môn Toán, Trường THCS thị trấn Phước An nói. 

Còn quá sớm để định hình một nghề cho tương lai, nhưng qua thầy cô, xem ti vi, đọc báo Bách rất khâm phục những tấm gương vượt khó của người khuyết tật trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: Hiệp sĩ công nghệ thông tin Trịnh Công Thanh, thầy giáo Nguyễn Việt Anh… và ước mơ chinh phục lĩnh vực công nghệ thông tin. Vẫn rụt rè, nhút nhát và có chút mắc cỡ như lần đầu gặp, nhưng tin chắc rằng sự chăm lo của bố mẹ, sự chia sẻ của cộng đồng, cộng với nghị lực sống và khát khao cống hiến sẽ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để Bách biến ước mơ “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” thành hiện thực.

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc