Tín hiệu lạc quan từ thỏa thuận Syria - Liên đoàn Arab
Dư luận cho rằng, thỏa thuận mới chỉ như một “gàu nước mát” làm dịu đi sức nóng của cuộc xung đột hiện nay tại Syria. Người ta vẫn phải chờ đợi những bước đi tiếp theo của thỏa thuận này.
Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa chấp thuận bản lộ trình hòa bình do Liên đoàn Arab đề xuất. Đây được xem là bước đi mới rất đáng khích lệ của chính quyền Syria nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 7 tháng nay kể từ khi “làn gió thay đổi” của khu vực Trung Đông - Bắc Phi tràn qua Syria. Vậy dư luận có thể hy vọng gì từ thỏa thuận giữa Syria và Liên đoàn Arab?
Để chấm dứt tình trạng xung đột đẫm máu tại Syria, Liên đoàn Arab gồm 22 quốc gia thành viên đã soạn thảo một kế hoạch được mô tả là “bước đi vững chắc” tiến tới nền hòa bình cho Syria. Mặc dù không công bố kế hoạch cụ thể, song các nhà ngoại giao của Liên đoàn Arab khẳng định rằng, nếu chính quyền Syria hành động theo hướng này thì sẽ không bị rơi vào tình cảnh của một “Libya thứ 2”.
Có thể nói rằng, việc chấp thuận đề xuất của Liên đoàn Arab là thiện chí mới nhất mà chính quyền Syria muốn chứng tỏ với phe đối lập, cũng như với thế giới. Nhiều ý kiến tỏ ra ngạc nhiên bởi họ cho rằng Tổng thống Bashar al-Assad khó có chuyện “xuống thang” sau những hành động cứng rắn đàn áp biểu tình. Song dường như, Tổng thống Bashar al-Assad chẳng thể có sự lựa chọn khác, vì nếu không giải quyết khủng hoảng trong khuôn khổ Liên đoàn Arab, tình hình Syria rất dễ bị “quốc tế hóa” và khi đó vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nhiếu.
Lực lượng biểu tình chống chính phủ Syria bắt đầu xuống đường từ tháng 3-2011. (nguồn: Internet) |
Có lẽ Tổng thống Syria càng lúc càng nhận ra thế bị cô lập. Từng được coi là láng giềng thân thiết của Syria, giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ đang quay sang ủng hộ mạnh mẽ lực lượng chống đối chính phủ của Tổng thống Assad. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn dự kiến sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Syria và cho phép Hội đồng Dân tộc Syria - “đầu não” của lực lượng đối lập tuyên bố ra đời ngay tại Thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 8 vừa qua.
Có thể Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm là do những tác động từ phía Mỹ và phương Tây, song ngay cả Iran - đồng minh thân cận hàng đầu của Syria gần đây cũng bày tỏ thái độ không ủng hộ cách thức trấn áp lực lượng biểu tình của chính quyền Bashar al-Assad. Trong khi đó, Trung Quốc cũng yêu cầu chính phủ Syria tôn trọng các yêu cầu chính đáng của người dân.
Nga - quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất của Syria trên các diễn đàn quốc tế thì bảo lưu quan điểm không cho phép can thiệp quân sự vào nội bộ Syria, song kêu gọi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phải nhanh chóng tiến hành cải cách như đã hứa. Syria dường như đã bắt đầu cảm thấy sức ép từ chính những “tấm lá chắn” vững chắc nhất.
Như vậy là có nhiều yếu tố khiến chính quyền Syria không thể chậm trễ trong việc hợp tác với quốc tế nhằm gỡ rối cho chính trường nước này. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là thỏa thuận giữa Syria và Liên đoàn Arab có đem lại những gam màu sáng sủa hơn cho bức tranh chính trị u ám tại Syria? Phải thừa nhận rằng, thỏa thuận đã đi đúng hướng khi thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa chính quyền Bashar al-Assad và phe nổi dậy. Song bao giờ đàm phán được khởi động và nó có đem lại kết quả không thì vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Thỏa thuận giữa Syria và Liên đoàn Arab về về một lộ trình hòa bình mới chỉ được nhìn nhận như một “gàu nước mát” làm dịu đi sức nóng của cuộc xung đột hiện nay. Dư luận vẫn phải chờ đợi những bước đi thực sự của các bên sau bản thỏa thuận này.
Ý kiến bạn đọc