Dâng trào niềm vui ngày gặp mặt
Những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm thắm thiết, họ gặp nhau, cùng ôn lại một thời chắc tay súng, chia cho nhau từng củ khoai nướng, từng củ sắn lùi; rồi rưng rưng nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Nước mắt lăn dài trên những gò má đã hằn sâu nếp nhăn của tuổi tác, niềm xúc động như trào dâng trong trái tim của những cựu chiến binh Trung đoàn 120 Tây Nguyên trong ngày gặp mặt truyền thống được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột trong tháng 3 vừa qua.
Đã ở tuổi 82 nhưng ông Nguyễn Hữu Khóa, thôn Tân Thành, xã Ea Yông (huyện Krông Pak) vẫn nhớ như in những năm tháng cùng đồng đội trải qua 2 cuộc kháng chiến. Hai chữ “ngày ấy” với ông sao thiêng liêng và tự hào mỗi khi nhớ lại. Cầm Kỷ niệm chương vừa được Hội Cựu chiến binh tỉnh trao tặng nhân ngày gặp mặt, giọng ông run run vì xúc động: “Những ngày đầu khi được điều về chiến trường Tây Nguyên làm nhiệm vụ trinh sát quân báo là những ngày tháng không thể nào quên trong tôi. Khi biết tôi là “Bộ đội Cụ Hồ”, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Họ gùi sắn, ngô đến cho, ngay cả thứ vô cùng quý giá lúc bấy giờ là muối, họ cũng sẵn sàng san sẻ cho bộ đội. Tây Nguyên là chiến một trong những trường khó khăn, phức tạp nhất, nhưng chính sự gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ nhiệt tình, hết lòng vì cách mạng của đồng bào các dân tộc nơi đây đã góp phần làm nên chiến thắng. Những ai may mắn còn sống để chứng kiến đất nước đổi thay hôm nay cũng đã từng mấy chục năm trải qua những tháng ngày gian khổ trong kháng chiến nên càng lấy làm tự hào và biết ơn sự đùm bọc, che chở của đồng bào nơi đây.”
Ông Nguyễn Hữu Khóa (người ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm trong ngày gặp mặt |
Với những “người lính 120”, tình người cao nguyên không chỉ nồng nàn, bền chặt trong khói lửa chiến tranh mà còn trong tâm hồn mỗi con người đang sống, lao động vì mảnh đất thiêng liêng này. Sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, bên cạnh những cán bộ, chiến sĩ tiếp tục tham gia công tác xã hội với nhiều cương vị khác nhau từ địa phương đến Trung ương, biết bao người lính của Trung đoàn 120 đã rời tay súng để vững tay cuốc, tay cày, cùng với sức trẻ khắp cả nước về đây kiến thiết, xây dựng lại vùng đất bao năm bị đạn bom dày xéo trở thành vùng kinh tế chiến lược của đất nước. Cụ Nguyễn Đình Hòa ở thôn 3 xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đã 93 tuổi nhưng giọng vẫn còn khẳng khái: “Chúng ta còn sức, còn trí tuệ là còn cống hiến; thấy đúng là làm, thấy tiêu cực là đấu tranh; việc gì dân yêu cầu là xung phong. Có như vậy những người còn sống như chúng ta mới xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh.”
Dũng cảm, kiên cường trong kháng chiến; tiên phong, gương mẫu trong thời bình, đó là phẩm chất của người lính Cụ Hồ và cũng là truyền thống của một Trung đoàn đã đánh 1.600 trận, diệt gần 1.200 tên địch, bắt sống và ra hàng hơn 900 tên, thu gần 2.000 phương tiện chiến tranh của địch, được Nhà nước tặng 14 Huân chương các loại và nhiều cờ thi đua; vang danh với Anh hùng Núp không chỉ vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà còn vĩ đại trong cuộc sống đời thường, trở thành huyền thoại, biểu tượng về lòng yêu nước của đồng bào Tây Nguyên. Như những gì mà Đại tá Mô Lô Nguynh, Chỉ huy trưởng Trung đoàn 120 Tây Nguyên chia sẻ: “Chúng ta đã gắn bó với nhau trên vùng đất Tây Nguyên này, mảnh đất chứa đựng sức mạnh tiềm tàng của lòng yêu nước mà mỗi tên núi, tên sông, tên buôn, tên làng là một nhân chứng lịch sử, bản anh hùng ca về lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc. Đã 35 năm, giờ đây người còn, người mất nhưng những ngày tháng chung một chiến hào, chia cho nhau từng vắt cơm, manh áo luôn vẹn nguyên trong ký ức. Những người may mắn như chúng ta còn được sống để nhìn thấy sự đổi thay, phát triển của đất nước hôm nay phải tiếp tục phát huy truyền thống của những người con Tây Nguyên bất khuất kiên cường trong thời kỳ mới; giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” để làm gương cho thế hệ con cháu tiếp bước noi theo.”
Ý kiến bạn đọc