Hỏi cung tỉnh trưởng
Nhân kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, Báo Dak Lak xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả Nguyễn Trần Thiết về một trong hai cuộc hỏi cung này.
Khác với thường lệ, bữa cơm chiều ngày 10-3-1975 của các sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh chiến dịch không buộc phải đủ sáu người mới ngồi vào mâm. Bất cứ ai đến, cấp dưỡng cũng sẵn sàng chia riêng một suất bởi người này vội xuống bám đơn vị, đồng chí khác bận trực điện thoại, nắm tình hình địch, ta… Là phóng viên báo Quân đội Nhân dân duy nhất ở mặt trận, tôi đón nhận giây phút mở màn chiến dịch với tâm trạng sảng khoái, hồ hởi chen lẫn với lo âu, buồn bực. Chao ôi, nếu có phép thần thì tôi muốn đến ngay các đơn vị bộ binh, đặc công, xe tăng, pháo binh, công binh… đang chiến đấu.
Chiều ngày 12-3-1975, Trưởng phòng Tuyên huấn Chính Yên thông báo:
-Đã bắt được đại tá tỉnh trưởng Dak Lak Nguyễn Trọng Luật và Tư lệnh Buôn Ma Thuột, đại tá Vũ Thế Quang. Anh có muốn hỏi cung họ không?
Thật là “chuột sa chĩnh gạo”. Tôi đến gặp trại trưởng trại tù binh, Thiếu tá Võ Thành Khiết – anh ruột Võ Thị Thắng, cô gái có nụ cười tươi rói khi nghe kẻ thù tuyên án và đã trở nên nổi tiếng qua bức ảnh đăng trên các tờ báo.
Anh Khiết băn khoăn, đặt câu hỏi:
-Anh lấy danh nghĩa gì gặp chúng? Có nên tự nhận là nhà báo không?
-Tùy anh!
-Tôi không giới thiệu nhưng sẽ chào anh để bọn chúng hiểu anh là thủ trưởng của tôi. Rất tiếc là ở đây không có bàn, ghế mà chỉ có vỏ thùng lương khô và mấy chiếc hòm gỗ. Ta nên bố trí chỗ ngồi thế nào để phân biệt người chiến thắng, kẻ chiến bại.
Tôi gợi ý:
-Có nên mắc võng cho tôi ngồi không?
Anh Khiết lộ ý vui:
-Như vậy rất tốt nhưng anh khó ghi chép?
-Không hề gì!
Sau khi bố trí xong, cảnh vệ áp giải hai viên đại tá tới. Nguyễn Trọng Luật trạc trên 50 tuổi lộ vẻ thiểu não:
-Sáng nay bà vợ tôi đi Sài Gòn. Tôi bị thất lạc mất đứa con lớn, mong các ông tìm hộ.
Vũ Thế Quang bày tỏ nỗi lòng:
-Hôm qua Tư lệnh Quân đoàn 2 Phạm Văn Phú đến Buôn Ma Thuột chỉ định tôi làm Tư lệnh chiến trường. Theo ông Phú thì đến cuối tháng này các ông mới tấn công.
Nghe tiếng súng nổ, Nguyễn Trọng Luật bỏ chạy. Do thiếu kinh nghiệm chiến đấu, Luật trốn trong rừng cà phê. Ngay phút đầu bị bắt, Luật đã khai đầy đủ cấp bậc, chức vụ với hy vọng khỏi bị tra tấn. Vũ Thế Quang ngoan cố hơn. Hắn ra lệnh cho binh sĩ chống cự đến cùng và cải trang thành dân thường để dễ bề lẩn trốn. Mãi 4 giờ sau, ta mới tóm được Quang. Hắn khai là dân đi rừng nhưng vì trông hắn béo tốt, phương phi, có tướng nhà binh nên anh em đã đưa hắn về trại. Các tù binh đều nhận ra viên tư lệnh 39 tuổi, nên Quang buộc phải cúi đầu nhận tội.
Nghe tôi nói giọng Bắc, Vũ Thế Quang chủ động:
-Thưa, ông ở Hà Nội?
Thấy tôi khẽ gật đầu, Quang nở nụ cười làm thân:
-Tôi người gốc Hà Nội, ở phố Sinh Từ. Nếu ông trở lại Hà Nội, tôi muốn…
Tôi ngắt lời Quang:
-Ở đây, người hỏi là tôi. Anh Luật, chúng tôi đã tìm thấy con anh. Nó chạy sang bệnh viện, không bị thương.
-Thành thật xin cảm ơn ông!
-Anh Quang, anh rời Chỉ huy sở bao giờ?
-Nghe tiếng bộc phá, tôi bình thản lắm. Hệ thống phòng thủ Buôn Ma Thuột rất hoàn chỉnh. Tôi phán đoán là các ông định quấy rối thôi. Dù có tài thánh các ông cũng không vượt qua nổi Ngã tư Khách sạn Anh Đào.
Ba ngày sau, tôi có dịp kiểm tra lời nói của Quang. Có hơn chục khẩu trung liên, đại liên, trọng liên đặt ngầm trong các lô cốt. Các xạ thủ chẳng cần mở mắt ngắm, cứ bóp cò để đạn đan thành lưới lửa cao hơn mặt đường 10-20 cm. Các đơn vị tiến công của ta bị thương, hy sinh rất nhiều nhưng chưa có cách nào vượt qua nổi lưới lửa.
Vũ Thế Quang thổ lộ:
-Nghe tiếng xích xe tăng của các ông nghiền trên đường phố, tôi biết phòng thủ là vô ích. Anh Luật chạy từ nhà sang chỗ tôi. Anh nói là về trụ sở nhưng tôi tin chắc là anh chuồn. Tôi hoàn toàn thất vọng, trút bỏ quân phục, mặc thường phục, bỏ Chỉ huy sở, bỏ tất cả miễn là mình không bị bắt, không chết.
-Anh chạy theo đường nào?
-Thưa ông, tôi ở Buôn Ma Thuột đã chục năm nên tôi thuộc mọi đường ngang ngõ tắt. Tôi chọn đường rừng, do đó tôi nhận ra vết xích xe tăng rất mới. Các ông đưa xe tăng vượt qua sông Sêrêpôk bằng cách nào?
Tôi không trả lời viên đại tá (vì không biết). Sau này, tôi mới biết là đúng giờ G (giờ nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột) công binh mới được phép dùng khối thuốc nổ thật lớn mở bến vượt và bắc phà cho xe tăng ta vượt sông. Xe tăng đi theo đường rừng, húc đổ những cây đã cưa trước 2/3 gốc để nhanh chóng xông trận.
Tôi hỏi Quang:
-Sao anh thuộc đường, lại mặc thường phục mà vẫn bị bắt?
-Vì người dân đã chỉ cho các ông. Dân ở dưới quyền quản lý của chúng tôi lại đi theo Việt Cộng! Xin lỗi vì tôi quen nói như thế.
Nguyễn Trọng Luật cũng khai rất thành khẩn. Đúng 22 giờ ngày 12-3, tôi cho phép hai viên đại tá về trại. Trại trưởng có nhã ý cho 2 tù binh này phong lương khô, cả hai cúi mình chào và cảm ơn.
Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi không ngờ lại được “trúng số độc đắc” lần thứ hai. Tuy bị thương nhẹ trong lần địch ném bom Buôn Ma Thuột, tôi vẫn bám theo Quân đoàn 3. đúng 12 giờ 12 phút ngày 30-4-1975, tôi đến dinh Độc Lập và được phép vào hỏi cung các thành viên trong nội các Dương Văn Minh. Có lẽ tôi là người hạnh phúc nhất trong số hàng trăm nhà báo có mặt ở chiến trường năm 1975.
Ý kiến bạn đọc