Multimedia Đọc Báo in

Không đâu có được Vua Hùng

05:06, 23/04/2010

“Không đâu có thể tạo được hình tượng Quốc Tổ trong lòng dân tộc như ở Việt Nam”, khẳng định của Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam càng tôn thêm lòng tự hào dân tộc, bởi mỗi người con nước Việt từ khi được hoài thai đã mang trong mình dòng máu của con Hồng cháu Lạc.

Hành hương về Đất Tổ chính là trở về với cội nguồn dân tộc, trở về vùng đất thiêng với bao truyền thuyết gắn liền với những chiến công dựng nước giữ nước mà hàng ngàn năm sau con cháu vẫn hằng ghi nhớ. Đó là vùng Hạc Trì có làng Lâu Thượng tục gọi là Kẻ Sử, nơi Vua Hùng làm việc; làng Lâu Hạ là nơi cung thất của vợ con Vua; làng Dữu Lâu tục gọi Kẻ Trầu là nơi có vườn trầu của Vua; làng Tiên Cát tục gọi Kẻ Cát là nơi Vua Hùng thứ 18 dựng lầu kén rể cho Công chúa Mỵ Nương, tại đây Sơn Tinh đã thắng Thủy Tinh trong cuộc thi tài “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao”; làng Minh Nông tục gọi Kẻ Lú là nơi Vua Hùng dạy dân cày cấy, tại đây còn có đồi Mã Lao, nơi Vua Hùng nghỉ ngựa trong các cuộc du hành; làng Hương Trầm là nơi Lang Liêu, con trai út Vua Hùng thứ 6 cấy lúa làm ra bánh chưng bánh dày dâng tặng Vua cha cúng lễ tạ ơn Trời Đất…

Lễ hội Đền Hùng (Ảnh: T.L)
Lễ hội Đền Hùng (Ảnh: T.L)

Đền Hùng tọa lạc trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, một ngọn núi có hình đầu rồng, hướng về ngã ba Hạc Trì, oai hùng như một con rồng ngẩng cao đầu nhìn trời. Tục truyền Đền nguyên là ngôi miếu thờ 18 Vua Hùng, sau tới đời Vua Tự Đức (1874) đã được xây dựng quy mô hơn thành một quần thể Đền, Chùa thờ cúng 18 đời Vua Hùng cho đến hôm nay. Ngoài khu vực Đền, Chùa thờ Vua Hùng ở dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, phía đông nam còn có Đền Giếng Ngọc. Tương truyền ngày xưa, giếng là nơi 2 Công chúa con Vua Hùng 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi mặt chải tóc. Ngày nay, ai lên Đền Vua trên đỉnh núi, đều ghé qua Giếng Ngọc khoát vốc nước rửa mặt, rửa bụi đường, uống một hớp nước giếng cho lòng thanh sạch để lên núi ra mắt Tổ Tiên.
Tháng 3 về, bất kể ai từ khắp mọi miền đất nước, kể cả những người con xa xứ, xa Tổ quốc hễ mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều ngưỡng vọng về Đất Tổ bằng tấm lòng thành kính với tâm nguyện thắp nén hương thơm tưởng nhớ tổ tiên. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường, trở thành điểm tựa tinh thần, là sức mạnh tâm linh, điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Giỗ Tổ cũng là dịp để mỗi người con nước Việt tưởng nhớ đến tổ tiên, một truyền thống văn hóa đã có từ ngàn đời nay.

Cột đá thề ở Đền Thượng (Ảnh: T.L)
Cột đá thề ở Đền Thượng (Ảnh: T.L)

Mười tám đời Vua Hùng dựng nước, giữ nước với bao truyền thuyết sống mãi cùng dân tộc Việt. Từng người dân Việt đều mang trong mình dòng máu Hùng Vương, tinh thần Hùng Vương, để thành sức mạnh vượt qua bao thử thách gian lao, luôn giữ vững cơ đồ Tổ tiên gây dựng. Tự hào là những hậu duệ của các Vua Hùng, của con Hồng cháu Lạc, dòng dõi Rồng Tiên, chúng ta càng thấm thía hơn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Để cho Tổ quốc Việt Nam muôn đời trường tồn.

Lê Hương (Tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc