Trận cuối cùng
Bấy giờ đơn vị chúng tôi đóng quân ở cánh rừng chân núi Cư Yang Sin thuộc vùng căn cứ Thăng Lễ H9 (Krông Bông). Mọi năm cứ giáp Tết là tổ chức ăn Tết trước, vì thế đơn vị năm ấy cũng gói bánh chưng, thịt heo, tổ chức ăn tết tươi hơn, có cả nhân dân tới chung vui. Ít ngày sau lại nhận được chỉ thị cấp trên tiếp tục cho anh em ăn tết đúng ngày Tết Nguyên đán cổ truyền. Thế là năm đó chúng tôi có hai lần ăn Tết.
Hồi Mậu Thân 1968, trước giờ xuất kích bộ đội được quán triệt nhiệm vụ, hạ quyết tâm đánh thắng, mặc quần áo lành nhất, nghe phổ biến chiến đấu của Bộ Chỉ huy quân giải phóng và tinh thần khí cán bộ – chiến sĩ lạc quan tin tưởng, phấn khởi. Xuân 1975 này đi chiến đấu (mãi sau mới biết là chiến dịch), đến cấp ủy, chỉ huy đơn vị cũng chỉ biết nhận nhiệm vụ từng ngày, từng bước theo kế hoạch. Đúng ngày quy định, lực lượng tập kết tại khu rừng Buôn Một – Khuê Ngọc Điền gồm các đơn vị D401 đặc công, D301 bộ binh, C314 hỏa lực, các bộ phận tham mưu, chính trị, hậu cần, đội phẫu tiền phương thuộc cơ quan quân sự tỉnh. Đoàn dân công hỏa tuyến huy động nhân dân vùng căn cứ, đảng viên cán bộ và du kích làm nòng cốt. Tất cả trong đội hình bí mật hành quân về hướng nam.
Mùa khô, băng rừng trèo đèo, lội suối vượt sông, mang vác nặng nề gian khổ, cơm vắt muối hầm, liên tục một tuần lễ thì lực lượng tới vị trí tập kết cuối cùng. Sáng hôm sau hợp đồng tác chiến trên sa bàn, từng đơn vị hạ quyết tâm, anh nuôi nấu cơm vắt, thực hiện các công tác bảo đảm cho bộ đội sẵn sàng đúng giờ xuất kích đúng giờ.
Đến 2 giờ chiều hôm đó, theo lệnh mới là bỏ mục tiêu đánh quận lỵ Đức Xuyên, toàn lực lượng hành quân khẩn cấp làm nhiệm vụ theo phương án hai.
Trên đường đi, chúng tôi đã nghe bom đạn nổ ầm ầm hướng thị xã Buôn Ma Thuột, máy bay trực thăng, phản lực, L19… gầm ré điên loạn ào ào không ngớt. Ban đêm đèn dù, pháo sáng rừng rực vùng trời thị xã. Qua radiô nghe Đài Tiếng nói Việt Nam từ Hà Nội thông báo chiến thắng dồn dập. Điện trên báo cho biết quân ta đánh địch ở núi lửa Đức Lập, làm chủ Thuần Mẫn, cắt đường 14, chốt đồi Chư Ty, tấn công Buôn Ma Thuột… Chúng tôi háo hức phấn khởi hăng hái bước quân hành.
Ngót một tuần lễ hành quân thần tốc, lực lượng tới mục tiêu sáp vào chiến đấu phối hợp cùng mặt trận. Đêm 17-3-1975, toàn lực lượng đánh vào quận Lạc Thiện (Lak). Đến giờ G, D401 sử dụng một mũi xung lực dùng thủ pháo, AK, B41 diệt tan bọn địch chốt tiền tiêu trên cao điểm phía đông sát quận, D301 đột phá đánh địch ở ấp Liên Sơn, C314 sử dụng hỏa lực cối 82 ly đi cùng tiểu đoàn bộ binh, DKZ75 nã vào quận lỵ, khống chế hỏa lực địch chi viện đắc lực trận đánh. Súng 12,7 ly chốt bắn máy bay bảo vệ trận địa, cần thiết hạ nòng quét bộ binh địch khi có lệnh. Các đơn vị tác chiến hiệp đồng tác chiến tốt, hừng hực thế tấn công. Đại bác 105 ly của địch trong quận lỵ thi thoảng gầm lên, nổ oành oành ở cánh rừng phía sau đội hình quân ta.
Sáng 18-3, bộ đội ta khép vòng vây quanh quận lỵ. Lúc 8 giờ, bọn địch từ phía đồi đá qua Lắc Yang Tao thọc về quận hòng giải tỏa vòng vây liền bị hỏa lực quân ta quật cho tơi bời, xác ngổn ngang trên đoạn đường đã tới ấp Liên Sơn. Bọn sống sót thục mạng chạy toán loạn. Quân ta thừa thắng xốc tới. Địch trong quận lác đác nhảy xuống xuồng bơi ra đảo vượt qua hồ về cánh rừng phía tây. Có một số xuồng dính đạn pháo chìm nghỉm.
Đến 3 giờ chiều, địch kéo cờ trắng đầu hàng. Bộ đội ta ào ào xông vào, cờ giải phóng tung bay phấp phới tại trung tâm quận lỵ. Ngụy quân ngụy quyền lố nhố nạp súng, tuân lệnh quân giải phóng. Bộ đội ta lên xe GMC chiến lợi phẩm, trương cờ giải phóng, buộc lính ngụy lái đến các buôn lân cận, nghĩa quân – dân vệ buộc giẻ trắng lên đầu súng lũ lượt đem nộp cho quân giải phóng.
Thế hệ trẻ Dak Lak trong ngày vui kỷ niệm 35 năm giải phóng tỉnh nhà (Ảnh: Nam Sơn) |
Ngày 19-3, quân ta truy quét địch khắp vùng. Tiếng súng vẫn còn nổ lác đác, chưa im hẳn.
Tại chỉ huy sở, đơn vị chúng tôi chốt bên con suối nhỏ ở cánh rừng phía đông cách quận độ 1 km. Hôm đó phát hiện có địch thọc vô, anh em chiến sĩ lập tức xách súng đuổi theo. Chừng 15 phút sau, lính ta lôi về một chiếc ba lô ngụy, báo cáo là tên đó bị trúng đạn ở bìa rừng. Trong ba lô có một quả đu đủ xanh, một sổ tử vi, một lá thư hắn viết gửi cho vợ có đoạn viết: “Em hãy gửi gấp cho anh 20.000 đồng để xin thượng cấp ở lại hậu cứ, khỏi phải hành quân”. Tên lính này (tôi quên tên) cấp bậc binh nhất, y tá, quê ở Tam Quan – Bình Định. Tôi phán đoán bọn này hoảng loạn, chưa dám đi xa, chắc còn quanh quẩn ẩn nấp đâu đây. Tôi cho anh em đi hai mũi theo hình chữ V, dõi theo dấu chúng chạy lướt cỏ tranh khô truy lùng. Bên lùm le trụi lá, dưới lòng con suối cạn cách chúng tôi khoảng 10 mét, bỗng một tên ngụy vụt đứng lên như trời trồng, bù xù chiếc áo khoác ngoài, 2 tay giơ cao, run như cầy sấy, mặt tái mét, miệng lập cập hấp tấp: “Xin hàng đồng chí! Xin hàng đồng chí...”. Tôi tiến hành ngay việc điều tra khai thác, tên tù binh ngoan ngoãn vanh vách đáp lời.
- Súng đâu?
- Dạ thưa thượng cấp, hoảng quá tôi vứt đi rồi (vì hắn thấy tôi đeo khẩu K54).
- Ở đâu chạy về đây?
- Dạ, ở sân bay Hòa Bình.
- Có bao nhiêu đứa?
- Dạ, có 12 đứa.
- Có biết tên chúng nó không?
- Dạ, không. Chúng nó ở các đơn vị chạy theo tôi.
- Chúng nó có biết tên bay không?
- Dạ, có.
- Vì sao?
- Dạ, tôi là đại úy ạ!
Rút trong túi áo lấy ra thẻ căn cước quân nhân, khép nép hai tay, hắn đưa cho tôi. Hắn to con phốp pháp, chân đi giầy đen, mặc quân phục, mang theo một túi mìn Clây-mo trong đựng một hộp kem, bàn chải đánh răng, một lon sữa đã khui uống dở, chiếc địa bàn, một bản đồ Dak Lak – Lâm Đồng. Thẻ căn cước quân nhân của hắn ghi: “Họ tên Đào Tiến Viện, sinh năm 1940, đại úy, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, trung đoàn 53, nguyên quán Yên Dũng – Bắc Giang”. Tôi hất hàm hỏi: “Định chạy đi đâu?”, Viện đáp: “Về Đà Lạt, gia đình, vợ con ở bên ấy ạ”. Tôi khuếch trương chiến thắng: “Quân cách mạng đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, bọn bay không còn hy vọng chi nữa”.
Chúng tôi cho ăn cơm uống nước, hắn ngồi nhai nghiến ngấu, nốc nước ừng ực ngon lành. Sau đó, quân ta dẫn Viện đi gọi những tên còn lại. Hắn gào oang oang đến khản cổ: “Ơi anh em! Tôi là đại úy Đào Tiến Viện đây, được quân giải phóng cho ăn uống, đối xử tử tế, anh em hãy ra với quân giải phóng”. Qua một hồi đi vòng quanh, gọi riết vẫn bặt vô âm tín. Tôi gọi điện báo về Sở Chỉ huy mặt trận, rồi bàn giao cho cán bộ binh vận tiền phương dẫn tên đại úy về nơi tập trung tù hàng binh. Trưa ngày 20-3, chúng tôi tóm được một trên trung sĩ quê Quảng Bình, một tên binh nhất, dân tộc Stiêng quê Sóc Trăng, 2 tên này là trong toán đi với Viện.
Huyện Lạc Thiện giải phóng, đi đâu cũng thấy vũ khí địch vứt bừa bãi, tàn quân nhan nhản phờ phạc. Có tên còn kéo theo vợ ốm con dại lếch thếch, tiều tụy thảm hại. Bọn họ được bộ đội ta chỉ đường tới gặp Ủy ban quân quản cấp giấy cho về đoàn tụ với gia đình.
Sáng ngày 22-3, bộ đội và thanh niên Liên Sơn tổ chức đấu bóng chuyền. Cũng tại đây, buổi chiều diễn ra cuộc mít tinh lớn của quân và dân ta, có cả những người trước đây cầm súng làm việc cho chế độ Mỹ-ngụy cũng tham gia. Không khí náo nức tưng bừng tràn ngập giữa rừng cờ và biển người phơi phới mừng quê hương giải phóng.
Ý kiến bạn đọc