Multimedia Đọc Báo in

Những cuộc chiến đấu thầm lặng trong lòng địch

15:25, 22/05/2010

Cuối năm 1972, Cụm Điệp báo A10 được thành lập, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Sài Gòn – Gia Định và Ban An ninh T4. Giám đốc CA tỉnh Dak Lak, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Huỳnh Huề (tức Ba Hoàng) là một trong những “linh hồn”của A10 ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Ông đã xây dựng, chỉ đạo, trực tiếp cùng A10 lập nên những chiến công góp phần vào chiến thắng 30-4-1975.
Năm 1965, khi mới 15 tuổi, Huỳnh Huề đã tham gia hoạt động cách mạng ở Đảng ủy Hoàng Văn Thụ trực thuộc Thành ủy Đà Nẵng. Trong thời gian này, ông đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được tổ chức phân công như vận chuyển các tài liệu bí mật của Đảng bộ Hoàng Văn Thụ đến cấp trên, bảo vệ các cuộc họp, đưa đón an toàn nhiều đoàn cán bộ từ vùng giải phóng vào hoạt động trong nội thành Đà Nẵng. Từ sau Tết Mậu Thân 1968, địch ráo riết khủng bố, bắt bớ các cơ sở cách mạng trong nội thành Đà Nẵng, đồng chí Huỳnh Hòe, cha của Huỳnh Huề cũng bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Trước tình hình khó khăn đó, tháng 8-1969, Huỳnh Huề được phân công vào Sài Gòn hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên. Và tại đây, ông đã nhanh chóng tổ chức được nhiều cuộc biểu tình với quy mô lớn trong học sinh, sinh viên Sài Gòn.
Năm 1972, Ban An ninh T4 quyết định thành lập Cụm Điệp báo A10 ngay trong nội đô Sài Gòn, đồng chí Huỳnh Huề được giao làm Cụm phó. Ông nhớ lại: “Cụm Điệp báo A10 lúc đó có hai nhiệm vụ chính: thu thập tin tức tình báo từ những cơ quan chóp bu của ngụy quyền Sài Gòn và phân hóa, lôi kéo, cài người của ta vào phe đối lập mà đứng đầu là Dương Văn Minh nhằm từng bước đưa phe này lên thay thế Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tạo điều kiện cho việc thống nhất đất nước. Trong tình thế lúc bấy giờ, đó là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nguy hiểm”. Ông Huỳnh Huề đã xây dựng mạng lưới giao liên nội đô, hai hộp thư bí mật, hàng chục cơ sở nội tuyến và ngoại vi để nắm tình hình ngụy quân, ngụy quyền cũng như hoạt động của các đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo ở Sài Gòn.

Thiếu tướng Huỳnh Huề trong lần trao nhà tình nghĩa cho đồng chí Y Thuyên Ksơr tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông.
Thiếu tướng Huỳnh Huề trong lần trao nhà tình nghĩa cho đồng chí Y Thuyên Ksơr tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông.

Cũng chính ông Huỳnh Huề đã tổ chức cài người của ta vào tận Phủ Thủ tướng, Bộ Tổng Tham mưu ngụy và hầm điện thoại Bưu điện Sài Gòn. Sau khi xác định Công ty Harris Cooperation thực chất là cơ quan tình báo kỹ thuật của Mỹ (tức Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp thuộc Phòng 7, Nha kỹ thuật, Bộ Tổng tham mưu ngụy), ông tìm cách cài người vào công ty này. Ông đã tìm và bồi dưỡng ba sinh viên mới tốt nghiệp Học viện quốc gia kỹ thuật Phú Thọ là Lương Mạnh Dũng, Bùi Sáu, Lê Ngọc Sáu, hướng các anh thi tuyển công khai vào Công ty Harris Cooperation. Cả 3 người đều đỗ và được Harris Cooperation huấn luyện về kỹ thuật điện tử, mật mã, do thám định vị suốt 8 tháng rồi đưa vào làm việc tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Đoạn cam go nhất được ông Ba Hoàng kể lại như sau: “Trước khi đưa người vào làm việc, Công ty Harris Cooperation sẽ kiểm tra bằng máy đo sự thật, hỏi hơn một trăm câu hỏi. Cả 3 anh đều run lắm, tôi phải quyết định cho các anh ngừng công tác 3 tháng để ổn định tinh thần. Cuối cùng, máy đo sự thật hiện hai chữ “tin cậy” và các anh được đưa vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Tôi chỉ đạo các anh vẽ sơ đồ tổ chức, chức năng và phát hiện các tin tức tổng hợp về quân sự truyền qua hệ thống điện tử này. Nhờ vậy, ta thu được nhiều tin tức tình báo quan trọng về diễn biến chiến trường miền Nam”. Để nắm được các tin tức bí mật từ Bộ Tổng tham mưu ngụy, ông Ba Hoàng đã xây dựng được cơ sở của ta, tức là thiếu úy Huỳnh Ngọc Thắng (H10) ở Trung tâm quản lý hồ sơ cá nhân cấp tướng, tá. Nhờ H10 có thể tìm hiểu, thẩm tra bất cứ hồ sơ của tướng, tá ngụy nào theo yêu cầu của cách mạng lúc bấy giờ nên ta đã nắm được tình trạng suy sụp tư tưởng trong các tướng, tá ngụy sau khi Quốc hội Mỹ phân hóa, Mỹ không thể tiếp tục viện trợ quân sự cho Sài Gòn. Ông Ba Hoàng cũng đã hướng kỹ sư Ngô Văn Dũng thi đỗ vào Văn phòng Phủ Thủ tướng ngụy đặc trách kinh tế để thu thập các tin tức về tình hình kinh tế, tài chính của chính quyền Ngụy. Ngoài ra, ông còn cài cắm anh Phan Văn Lộc (tức Ba Sinh) vào làm nhân viên hầm điện thoại ở Bưu điện Sài Gòn. Trong ngày 30-4-1975, ông đã lệnh cho Ba Sinh rút dây điện thoại, làm tê liệt toàn bộ hệ thống liên lạc, khiến cho quân địch hoang mang cực độ.

 

Không chỉ hoạt động tình báo, Cụm Điệp báo A10 và Ba Hoàng còn thực hiện nhiệm vụ phân hóa địch trên mặt trận chính trị. Ông đã quan hệ và xây dựng thành công một nhóm thân cận với Dương Văn Minh, đối lập với chế độ Thiệu gồm: Phan Xuân Huy (con rể Dương Văn Minh), Cung Văn, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Bá Thành… Đặc biệt, sau này, Dương Văn Minh đã thừa nhận rằng Huỳnh Bá Thành là người có tác động nhiều nhất đến quyết định tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của mình. Nhà báo Huỳnh Bá Thành (Tổng Thư ký tòa soạn báo Điện Tín) do ông Ba Hoàng trực tiếp kiểm tra, xác minh để lãnh đạo An ninh T4 quyết định cho tham gia Cụm Điệp báo A10.
Không phải lực lượng trực tiếp chiến đấu song ông Ba Hoàng luôn là đối tượng săn lùng ráo riết của địch. Mặc dù thường xuyên kiểm tra vỏ bọc, thay đổi chỗ ở và quy luật đi lại để giữ bí mật nhưng ông vẫn bị địch bắt hụt nhiều lần. Có lần dù ông đã chui vào ở ngay trong nhà một tên sỹ quan ngụy mà vẫn bị lục soát, khám xét và chỉ may mắn trốn thoát khi leo qua nhà một sỹ quan khác ngay bên cạnh. Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông thoát chết mấy lần khi ra vào căn cứ qua Trảng Bàng – Gò Dầu Hạ - Phước Chỉ. Lần chết hụt khiến ông nhớ nhất là một buổi chiều trước thời điểm ngừng bắn trên một cánh đồng ở vùng bàn đạp: “Lúc đó, tôi cùng các đồng chí Mười Thắng, Năm Thiện trên đường ra cứ thì bị lính ngụy bao vây đặc cả cánh đồng. Mỗi người chạy một hướng. Tôi lạc đường, lội sình 8 cây số mới tới được một ổ mối trong bưng biền, chỉ kịp cất giấu tài liệu rồi ngất lịm vì kiệt sức, cho đến khi được lực lượng du kích của ta đến cứu”.

 

Nhã Bình

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.