Có một ngày Tháng Bảy để tri ân
Tôi đến Tân Biên, tỉnh Tây Ninh trong một ngày cháy nắng, vùng đất của ác liệt chiến tranh, của những hy sinh thầm lặng. Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên, nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ qua hai cuộc kháng chiến là điểm đầu tiên tôi đặt chân đến đã khắc vào tâm trí tôi như một tượng đài tạc ghi về những mất mát hy sinh của biết bao thế hệ anh hùng trong cuộc kháng chiến vì độc lập tự do dân tộc để đời đời con cháu tri ân.
Nhà thơ Ngọc Mai và những cựu chiến binh E.24 đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên trong chuyến đi thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: Trang tin Cựu chiến binh E.24 |
Những nén nhang với tấm lòng thành kính dâng lên các anh linh mà mắt cay cay, nghẹn ngào. Hàng ngàn ngôi mộ có tên, chưa có tên nằm yên bình, thanh tĩnh. Liệt sĩ Hoàng Văn Thuyền sinh năm 1942, quê quán Hà Nội, hy sinh ngày 15-4-1967; Nguyễn Trọng Tiến sinh năm 1954, quê quán Hà Nam Ninh, hy sinh ngày 29-1 -1972; Vi Tiến Thắng, sinh năm 1950, quê quán Cao Bằng, hy sinh ngày 24-4 -1969; Ngô Đình Liêm, sinh năm 1950, quê quán Bình Trị Thiên, hy sinh 2 - 11 -1971; Lê Văn Trấn, sinh năm 1946, quê quán Hà Tĩnh, hy sinh 11 -11 -1967… những dòng tên ấy dài mãi, nhòa đi trong nước mắt của người thân. Những đôi mắt đã hằn sâu vết chân chim, những giọt nước mắt lăn dài, những bàn tay chai sần, sạm nắng mưa lần theo nét khắc từng dòng tên trên tấm bia Tổ quốc ghi công. Người đến để tưởng nhớ, người thì với hy vọng sẽ tìm thấy tên của người thân. Các liệt sĩ là những người con anh hùng của mọi miền quê đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nay nằm lại trên mảnh đất này trở thành hiện thân của ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình.
Nhà văn bia - Đền Bến Dược. Ảnh: Vietnamtourism |
Tôi nhớ đến bài văn bia cảm động, một bản hùng ca ghi nhớ, tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ của nhà thơ Viễn Phương được khắc tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi mà tôi đã ghé thăm cũng trong chuyến đi Tây Ninh ấy. “Vùng đất sáng ở miền Nam Tổ quốc, nửa tiếp Trường Sơn, nửa nối đồng bằng. Chống xâm lăng từ Trương Định, Trương Quyền, máu dũng sĩ chảy tràn sông suối.
Thuở đất nước đắm chìm trong tăm tối, Nguyễn Tất Thành tím ruột xót non sông, tìm hướng tương lai, khói phủ Bến Nhà Rồng.
Tiếng máy chém đầu văng trong ánh thép, nhân dân quằn quại dưới xiềng gông, đạn bom rơi xác ngã chất chồng, người chết không yên, tan mồ nát mả. Giặc quyết đẩy dân ta lùi về thời đồ đá. Tiếng Bác Hồ: "Dù đốt cháy dãy Trường Sơn..." Muôn triệu trái tim sôi sục căm hờn. Đôi tay yếu mẹ đẩy lùi máy chém, tấm thân gầy mẹ cản xích xe tăng. Nước mắt chảy vào tim mẹ tiễn con ra trận. "Không có gì quý hơn độc lập tự do" lớp lớp lên đường.
Tuổi trẻ ! Tuổi anh hùng như đại bàng vỗ cánh "Đâu có giặc là ta cứ đi!" Thành phố Sài Gòn, vì sao lấp lánh: Thề chết đứng chẳng sống quỳ. Những đoàn quân đẹp tựa thiên thần, đạp đỉnh Trường Sơn, vượt sông Cửu Long tiến về Thành phố.
Đêm lảnh lót tiếng ca quan họ, nghe ngọt ngào điệu hát cải lương, hò mái đẩy ngân nga dìu dặt, giọng bài chòi tha thiết nhớ thương. Mừng họp mặt bốn phương dũng sĩ, quê hương ta ra ngõ gặp anh hùng.
Lính chủ lực về quê mình làm du kích. Cả nước vì Sài Gòn vì cả nước quyết hy sinh.
Moi ruột đất ẩn sâu vào lòng đất, trái tim thành chiến hào, ánh mắt hóa vì sao, bàn tay thành lưỡi kiếm.
Vũ khí thô sơ ngựa trời, mìn gạt, địa đạo dài theo thế trận lòng dân, du kích lập vành đai diệt Mỹ, bắn tỉa ngày đêm xuất quỷ nhập thần. Biệt động Thành đánh giữa Sài Gòn, tàu chiến sân bay, kho xăng bốc nổ - lòng dân lửa dậy, ngày xuống đường, đêm không ngủ, đạp rào gai, che họng súng, liều thân mình cho Tổ quốc tồn sinh. Lũ giặc nước kinh tâm, bom tấn, pháo bầy, thần sấm, con ma, B52 rải thảm.
Thần, người căm giận. Ầm, ầm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Như bão gầm, như thác lũ, dũng tướng, tinh binh, bạt núi, san đèo, tiến về Thành phố.
Rơp trời cờ đỏ
Trúc chẻ ngói tan
Quét sạch hung tàn
Quê hương giải phóng
Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn...chim bay về núi tối rồi.
Máu hồng toả hương chính khí
Nhân kiệt làm nên địa linh.
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng,
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước.
Người đang sống nhớ thương người đã khuất,
Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời.
Những anh liệt như ngàn sao tỏa sáng,
Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người.”
Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền Bến Dược. Ảnh: SGGP |
Nước mắt tôi nhạt nhòa theo từng con chữ, tôi đã khóc bởi niềm xúc động trào dâng, tôi đã khóc vì ngưỡng vọng trước tinh thần kiên cường, bất khuất của cha ông làm nên hào khí dân tộc. “Chiến thắng lớn đến từ hy sinh lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường”. Nhiều Mẹ Việt Nam mất cả chồng và con ngoài mặt trận; nhiều người vợ trẻ chưa kịp vui dẫu chỉ một ngày hạnh phúc; những đôi lứa yêu nhau đợi đến ngày hòa bình; những người con chỉ biết mặt cha qua di ảnh... làm sao kể hết những hy sinh! Đất nước hòa bình, nhưng vẫn còn những niềm vui chưa trọn. Hàng ngàn ngôi mộ vẫn chưa thể có tên. Có những người mẹ đã đi qua hai cuộc chiến, tiễn chồng, con ra trận khi tóc còn xanh, đến ngày mái đầu đã bạc, da đã mồi vẫn canh cánh trong lòng nỗi ưu tư đi tìm hài cốt. Ngoại tôi cũng là người mẹ như thế. 40 năm rồi, kể từ ngày ông hy sinh, ngày nào bà cũng hướng nhìn về miền Nam, chiến trường nơi ông đã chiến đấu và nằm lại. 40 năm rồi, hài cốt ông vẫn chưa thể nào tìm thấy, nỗi canh cánh ấy theo vào cả trong những giấc mơ của ngoại.
Thắp nến tri ân tại các Nghĩa trang Liệt sĩ nhân Ngày 27-7. Ảnh: Bacninhwork.com |
Chiến tranh đã qua đi, đất nước đã hòa bình, nhưng những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại không gì bù đắp được... Tháng Bảy về, tháng của nghĩa tình, trách nhiệm với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đã có nhiều ngôi nhà, công trình tình nghĩa được xây. Tháng Bảy về, những ngọn nến tri ân được thắp sáng các Nghĩa trang Liệt sĩ trong cả nước. Hàng triệu ngọn nến được thắp lên, chiếu sáng lung linh trên khắp các phần mộ hướng về cõi tâm linh, vọng tưởng, tri ân sưởi ấm cho hương hồn các liệt sĩ - những người đã ngã xuống vì độc lập tự do dân tộc, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; sưởi ấm những trái tim như ngoại.
Giữa khuôn viên nghĩa trang thênh thang nắng, như chạm được vào nỗi đau chiến tranh, tôi cảm nhận sâu sắc được những gì hôm nay mà thế hệ chúng tôi có được là từ những hy sinh xương máu của cha ông. Để những gì mà ngoại tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu luôn là hành trang theo tôi suốt cuộc đời: “Tụi bây dù có đi đâu, có làm gì thì phải luôn ghi nhớ có một ngày tháng Bảy để tri ân!”
Ý kiến bạn đọc