KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH NGUYỄN HỮU THỌ (10-7-1910 - 10-7-2010)
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - nhà trí thức yêu nước vĩ đại
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có lần xúc động nói về Bác Hồ: “Với tôi, điều may mắn cũng là điều hạnh phúc lớn nhất là được đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người dẫn dắt từ khi lớp thanh niên trí thức chúng tôi còn bàng hoàng trước ngã ba đường trong đêm dài nô lệ!”.Luật sư Nguyễn Hữu Thọ quê ở Bến Lức, tỉnh Long An, mới 11 tuổi đã một mình xuống tàu thủy, rời cảng Sài Gòn sang Pháp học và trở về nước lúc 23 tuổi với bằng cử nhân Luật hạng ưu. Sau 6 năm tập sự, ông trở thành luật sư thực thụ. Ông đứng trước 2 lựa chọn: Hoặc một cuộc sống riêng đầy tiền tài, danh lợi; hoặc một cuộc sống có ích cho dân cho nước. Năm 1940, ông kết hôn với người phụ nữ xinh đẹp Dương Thị Chung và mấy năm sau có 1 con gái và 1 con trai. Nhưng ngay từ lúc ở nước Pháp hoa lệ, ông đã xót xa trước cảnh quê hương mình còn quá nghèo, đồng bào mình còn quá khổ và ông tự nhủ “ráng học giỏi để đem hiểu biết của mình làm một điều gì đó có ích cho nước, có lợi cho dân”. Và ông đã chọn con đường đầy gian nguy, vì lợi ích của Tổ quốc, đấu tranh cho người nghèo, người bị áp bức.
Ông mở văn phòng luật sư riêng. Qua tiếp xúc với thân chủ, qua tòa án, ông càng thêm cảm phục lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng, càng thêm xót thương đồng bào và nhận rõ bản chất tàn bạo của chính quyền Sài Gòn.
Những biến động lịch sử dồn dập trong những năm 1940-1945 và đặc biệt là sự kiện Cách mạng Tháng Tám thành công, ông nhận ra rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông từng nghe nói từ những năm hai mươi, là vị cứu tinh của dân tộc, của đất nước. Ông tin tưởng, có Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất định Việt Nam sẽ giành được độc lập, thống nhất. Và, với niềm tin mãnh liệt ấy, ông đã từng bước dấn thân vào con đường cách mạng, tham gia nhiều phong trào đấu tranh ở đô thị đòi tự do, dân chủ.
Mặc dù có nguyện vọng chiến đấu ở bưng biền, nhưng khi được tổ chức phân công hoạt động công khai đầy nguy hiểm tại Sài Gòn, ông đã chấp hành vô điều kiện. Năm 1947, ông không ngần ngại vận động hàng trăm trí thức ký Tuyên ngôn, đấu tranh đòi thực dân Pháp phải thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh để lập lại hòa bình trên cơ sở độc lập, tự do của Việt Nam. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngày 16-10-1949, ông được tổ chức kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại sào huyệt của địch.
Phong trào đấu tranh của các giới đồng bào vì độc lập, tự do ngày càng quyết liệt, địch ra sức đàn áp. Ông là linh hồn của các phong trào đó. Ông tham gia tổ chức đám tang Trần Văn Ơn, một sự kiện đã đi vào lịch sử với tên gọi “Ngày học sinh sinh viên toàn quốc”, tổ chức cuộc Tổng biểu dương lực lượng “Ngày toàn quốc chống Mỹ 19-3-1950” đuổi 2 tàu chiến Mỹ ra khỏi cảng Sài Gòn. Văn phòng của Luật sư tại 152 Charles De Gaulle (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) được xem là “Tổng hành dinh” của phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp nhân dân thành phố và Nam Bộ mà ông là Trưởng phái đoàn đại diện các giới. Do những hoạt động yêu nước, ông bị thực dân Pháp bắt nhiều lần tại Sài Gòn, lưu đày gần 3 năm tại bản Giẳng, Mường Tè, tỉnh Lai Châu, ở vùng biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc xa xôi, ở Sơn Tây và cuối năm 1954 bị Mỹ - Diệm bắt giam quản thúc ở Hải Phòng và sau đó lưu đày suốt 7 năm ở Tuy Hòa, vùng miền núi Củng Sơn, tỉnh Phú Yên. Nhưng tất cả những thủ đoạn hăm dọa, dụ dỗ, khủng bố của kẻ thù không làm lung lay được ý chí của nhà trí thức yêu nước Nguyễn Hữu Thọ.
Trong hơn 10 năm bị lưu đày, nhiều lần mạng sống của ông bị đe dọa, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế eo hẹp, có lúc vợ ông phải ở tạm nhà người em trai, rồi ở trại dưỡng lão Thị Nghè trong lúc bà vẫn bị bệnh tâm thần mà không có tiền để điều trị. Sau đó, mượn được tiền, gia đình thuê một căn nhà nhỏ vỏn vẹn 30m2 trong hẻm đường Chi Lăng (Phú Nhuận). Khi con trai trưởng Nguyễn Hữu Châu thoát ly ra chiến khu, chị Trân và em Thủy (con của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) vất vả chăm sóc mẹ dưới sự theo dõi thường xuyên của Mỹ và chế độ Sài Gòn, có lúc người chị bị địch khủng bố, bắt bớ. Cuối năm 1961, lực lượng vũ trang Khu 5 và Phú Yên đã giải thoát, đưa Luật sư về đến căn cứ địa cách mạng Tây Ninh an toàn.
Từ một nhà trí thức có địa vị trong xã hội dưới chế độ thực dân, đế quốc, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành một lãnh tụ của phong trào cách mạng quần chúng. Đó chính là điều làm bè bạn, đồng chí, đồng bào kính trọng, làm kẻ thù kiêng nể, coi quá trình hoạt động của ông như một “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ”. Ông là sự kết hợp tuyệt vời giữa phẩm chất hiên ngang, hào hiệp và giản dị của người con vùng đất Nam Bộ với đức tính cẩn trọng, khiêm nhường của một trí thức chân chính. Tháng 2-1962, tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Luật sư được bầu làm Chủ tịch. Từ đó ông trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của đồng bào và chiến sĩ miền Nam, cuộc đấu tranh vũ trang – chính trị chống đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền Sài Gòn. Năm 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Quân giải phóng đã đồng loạt tấn công nhiều tỉnh, thành, quận lỵ, chi khu và cả Sài Gòn - đầu não chỉ huy chiến tranh của Mỹ - ngụy, buộc chúng phải ngồi vào bàn thương lượng hòa bình với sự có mặt của đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
![]() |
Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ thăm Quân giải phóng miền Nam tại miền Đông Nam Bộ. Ảnh: T.L |
Ngày 24-12-1996, ông đã thanh thản ra đi. Thủ tướng Võ Văn Kiệt thay mặt Đảng và Nhà nước nói lời vĩnh biệt: “Anh hãy yên nghỉ bởi những gì có thể làm thì anh đã làm hết sức mình, những gì dang dở các thế hệ tiếp theo tiếp tục hoàn thành”. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết về ông: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại. Nhân dân Việt Nam ta đời đời sẽ nhớ mãi người con Việt Nam anh hùng ấy”.
(Theo QĐND)
Ý kiến bạn đọc