Từ Xá thuế chiếu của Lý Thái Tông, nghĩ về nền nông nghiệp Việt Nam
Việc đánh dẹp phương xa làm tổn hại đến công việc nhà nông. Thế mà có ngờ đâu, mùa đông năm nay lại được mùa lớn. Nếu trăm họ đều no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn? Vậy, xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay để an ủi nỗi khó nhọc lội suối trèo đèo.
Lý Thái Tông (1.000 – 1.054) tên thật là Lý Phật Mã, húy là Đức Chính, con trưởng của Lý Thái Tổ. Ông là người thông minh, làm vua 27 năm có nhiều võ công, thích nghiên cứu sách vở, thơ văn, âm nhạc, am hiểu đạo Phật. Chú trọng đời sống nhân dân, phát triển kinh tế. Ông còn ban bố bộ luật Hình thư làm nền tảng pháp luật. Đây là bộ luật đầu tiên của nước ta nhưng đến nay không còn.
Bài “Xá thuế chiếu” được ban bố năm 1044, sau khi dẹp được sự quấy nhiễu của Chiêm Thành ở biên giới phía Nam trở về Thăng Long. Nguyên văn bằng chữ Hán, trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. “Giáo trình Hán Nôm” do Phan Văn Các chủ biên đã sao lại. Năm đó, Lý Thái Tông ban thưởng các quan, đổi niên hiệu là Thiên Cảm Thánh Vũ và ban chiếu này. Lúc bấy giờ công nghiệp, dịch vụ còn nhỏ bé, hầu như không đóng góp gì cho ngân sách quốc gia nên chủ yếu thu thuế từ nông nghiệp nên miễn thuế là miễn cho nông nghiệp, cũng là giảm chi tiêu một nửa của triều đình. Câu đầu tiên của tờ chiếu xác định rõ: Việc đánh dẹp phương xa làm tổn hại đến công việc nhà nông. Bài chiếu cũng khẳng định năm ấy được mùa lớn thế mà vẫn miễn một nửa tiền thuế để an ủi nỗi khó nhọc lội suối trèo đèo (vì bản thân hoặc người thân của nông dân đi đánh giặc đều có công với nước). Đó là sự thông cảm, chia sẻ của bậc minh quân. Đặc biệt là câu: Nếu trăm họ đều no đủ thì trẫm còn lo gì thiếu thốn? Câu hỏi khẳng định lòng yêu dân, tin dân, coi dân như nước mà triều đình là thuyền, nước nổi thì thuyền nổi. Xá thuế chiếu nhà Lý đã khoan sức dân, dựa vào dân mà đưa văn minh Đại Việt đến tầm cao mới, trên cơ sở của nền văn minh lúa nước, văn minh nông nghiệp.
Nhà Lý mở đầu việc đắp đê phòng lụt và ban lệnh cấm mổ thịt trâu bò còn khỏe mạnh. Phạt nặng tội ăn trộm trâu bò để bảo vệ sức kéo cho đồng ruộng, mở rộng diện tích canh tác. Nhà Lý tiếp tục việc cày ruộng tịch điền vào mùa xuân của thời Tiền Lê.
Từ “Xá thuế chiếu” của Lý Thái Tông gần nghìn năm trước lại liên hệ đến một ý trong bản “Di chúc” thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sau khi công cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn, miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân. Đó là tình thương bao la của lãnh tụ, nghĩ đến việc hồi phục sức dân của một đất nước đa số là nông dân.
Cuối giai đoạn kháng chiến chống Pháp, để động viên sức mạnh của nông dân, Nhà nước đã tiến hành cải cách ruộng đất để người cày có ruộng. Những lá thư từ vùng hậu phương Thanh – Nghệ đến với chiến sĩ là nguồn động viên, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Công cuộc đổi mới nền kinh tế nông nghiệp được Đảng ta coi trọng. Hơn hai mươi năm qua từ khoán 100 rồi khoán 10 trong nông nghiệp để nông dân tự làm chủ trên mảnh đất của mình. Năm 2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lại có Nghị quyết đặc biệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là đưa tư tưởng và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về nông nghiệp trở thành hiện thực.
Nhớ lại câu ca xưa, mơ ước về đời thái bình, thịnh trị:
Lúa chín đầy đồng, gạo chất đầy kho.
Thì mấy năm gần đây, mỗi năm xuất khẩu hơn bốn triệu tấn gạo mà vẫn đủ lương thực dự trữ quốc gia cũng là kỳ tích. “Phi nông bất ổn” lời cổ nhân vẫn còn nguyên giá trị. Quốc hội cũng sáng suốt cho dừng nhiều sân gôn hoặc các liên doanh phạm vào đất nông nghiệp.
Từ “Xá thuế chiếu” của Lý Thái Tông đến “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi đến các Nghị quyết của Đảng đều được ban hành từ Thăng Long – Hà Nội, từ trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước, nơi tập trung trí tuệ toàn dân, cũng là xuất phát từ dân, vì dân. Những hạt phù sa bồi đắp nên non sông tươi đẹp, làm nên bản sắc của nền văn minh lúa nước trước khi bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dân giàu thì nước mạnh, nông dân vẫn chiếm đa số nên nông nghiệp vẫn đứng hàng đầu.
Ý kiến bạn đọc