Multimedia Đọc Báo in

Thành Tân Sở – “kinh đô kháng chiến” một thời

15:04, 25/08/2010

Di tích căn cứ Tân Sở (thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) là nơi từng được vua Hàm Nghi chọn là “kinh đô kháng chiến”.

Từ tuyến đường 9 Lao Bảo-Đông Hà, theo biển chỉ dẫn rẽ vào vùng Cùa chừng 9 km sẽ gặp một bình nguyên đất đỏ bazan được che chở bởi những đồi núi bao la trùng điệp. Đó là căn cứ Tân Sở. Từ trung tâm Tân Sở nhìn ra, phía nam có đỉnh động Ho, sông Trù làm tiền án; phía bắc có đỉnh Bút Sơn làm lưng tựa; phía tây là đỉnh Động Ngô, Ba Hồ làm phên chắn bảo vệ vững chắc; phía đông nhìn ra đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng quang đãng, tiện lợi cho việc canh phòng. Có thể nói địa thế này là vị trí thuận lợi cho việc trấn giữ hoặc rút lui để xây dựng một kinh đô dã chiến. Vì thế, qua nhiều thời kỳ, nơi đây đã trở thành một lỵ sở cai trị của chính quyền phong kiến, ngay từ trước năm 1867, dưới triều vua Tự Đức, đây là đồn trấn ải biên giới và sau đó đổi thành Sơn Phòng Quảng Trị.

Khu di tích lịch sử Tân Sở (Ảnh: T.L)
Khu di tích lịch sử Tân Sở (Ảnh: T.L)


Sau khi vua Hàm Nghi lên ngôi, trước sự uy hiếp của thực dân Pháp, phái chủ chiến của triều đình nhà Nguyễn ráo riết chuẩn bị đối phó với kẻ thù: mua sẵn hàng nghìn thước xích sắt về giăng cửa bể; vận tải súng ống ra Tân Sở; bí mật liên kết với các sĩ phu văn thân tiếp tục kháng chiến ở các tỉnh; nâng cấp Sơn Phòng Quảng Trị thành một căn cứ có quy mô như các lỵ sở Cổ Thành, bề ngoài trông như một cơ sở kinh tế để đánh lạc hướng sự chú ý của Pháp. Căn cứ Tân Sở được khởi công xây dựng từ 1883 đến năm 1885 thì cơ bản hoàn thành. Hàng nghìn ngày công của binh lính và dân phu khắp các địa phương được huy động để đào đắp suốt ngày đêm. Trên dòng sông Hiếu, thuyền ngược xuôi không ngớt để chuyên chở gạch, ngói, tre gai từ đồng bằng lên xây dựng. Nhân dân sở tại đóng góp công sức trong việc đào hào đắp lũy, dân đinh đóng góp mỗi người 4 gốc tre ngà hoặc tre già bền chắc, có nhiều gai để làm lũy chướng ngại. Thành Tân Sở là một khu đất hình chữ nhật dài 548m, rộng 418m, với tổng diện tích 22,9 ha; bờ thành đắp đất và kè đá, các lũy che chắn bằng các bờ tre trồng ken dày. Những công trình bên trong được xây dựng bằng tranh, tre, nứa lá làm hành cung… Thành có 4 cửa tiền, hậu, tả, hữu và được đắp bằng đất nện chặt. Bên ngoài được đóng những thành hàng rào cọc nhọn và có lớp hào bao quanh (hào sâu 2m và rộng 10m) là chướng ngại vật để bảo vệ nội thành bên trong. Ngoài ra, số tre mà dân binh đóng góp được trồng thành 4 hàng bảo vệ cho thành thêm vững chắc nếu có sự uy hiếp, tấn công từ bên ngoài. Bốn góc thành được đào 4 giếng nước (sâu 20 m) để phục vụ ăn ở sinh hoạt cho vua quan và binh lính. Thành nội được xây dựng bằng gạch, đá, vôi, vữa có kích thước 165m x 100m, tổng diện tích là 1,65 ha. Nội thành có 4 cửa. Ngoài ra, còn có cửa ngọ môn dành cho vua quan ra vào hành cung, bên trong được bố trí các ngôi nhà kiên cố dành riêng cho vua, quan ở, làm việc như tiền đường, bang tá, lãnh binh, chánh sứ, phó sứ… Trong khuôn viên 22,9 ha này còn có các nhà ở là trại lính, phủ Cam Lộ, nhà kho, bãi tập của voi, ngựa… cũng được bố trí rất hợp lý.

Chính tại căn cứ Tân Sở, ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi đã ban Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân phò vua, đánh giặc. Căn cứ Tân Sở thực sự trở thành trung tâm kháng chiến của phong trào Cần Vương. Mặc dù thất bại nhưng phong trào Cần Vương đã lan tỏa mạnh mẽ, làm dấy lên một cao trào chống Pháp sôi nổi từ Nam ra Bắc những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Từng trải qua những ngày tháng hào hùng như vậy nhưng hiện nay Tân Sở đã bị phá hủy hoàn toàn bởi bom đạn chiến tranh và sự tàn phá của thời gian, không còn để lại một dấu tích gì ngoài mấy khóm tre đan xen với rừng cao su mọc thẳng lối. Tuy vậy Tân Sở mãi mãi là địa chỉ đỏ trong hệ thống các di tích lịch sử cách mạng ở Quảng Trị. Di tích căn cứ Tân Sở đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng quốc gia vào năm 1995.

 

Nguyễn Văn Thanh

 


Ý kiến bạn đọc