Tư tưởng quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong tư tưởng cách mạng Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, vấn đề quyền con người đã chiếm vị trí quan trọng đặc biệt. Trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng Việt Nam về quyền con người, Bác Hồ là người đã tiếp cận một cách khoa học nhất, đầy đủ nhất và nhân văn nhất. Nó bắt đầu bằng Bản yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 và phát triển đến đỉnh cao xán lạn là Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945.
Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles vào đầu năm 1919, sau cuộc Thế chiến lần thứ nhất, do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, gồm 8 điểm mà điểm thứ hai là yêu cầu “cải cách nền công lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu”, bảo đảm “tự do báo chí và tự do ngôn luận; tự do lập hội và hội họp; tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ”. Nội dung đấu tranh đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là đòi hỏi thực dân Pháp cải cách nền công lý nhằm bảo đảm các quyền con người.
Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam, Bác Hồ đã gắn liền vấn đề “độc lập dân tộc” với vấn đề “các quyền tự do dân chủ của nhân dân”. Người vừa khẳng định về “quyền dân tộc” và “quyền tự do dân chủ”, vừa kết hợp tài tình hai mặt tất yếu không thể tách rời đó: quyền sống, tự do của dân tộc và quyền sống, tự do của con người.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc Lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là kết quả tuyệt vời của trí tuệ, điểm hội tụ tư tưởng thời đại, tư tưởng nhân văn cách mạng tư sản cận đại Âu – Mỹ, tư tưởng nhân văn truyền thống phương Đông và tư tưởng nhân văn Mác – Lênin hiện đại.
Mở đầu Bản Tuyên ngôn Độc lập là hai câu được trích dẫn từ “Tuyên ngôn Độc lập” của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776) và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp (1791) đều nói đến quyền con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trong hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng này những giá trị vững bền, đó là “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một sự thật hiển nhiên, đó là “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do”. Người đã mở rộng quyền của con người thành quyền của dân tộc. Quyền lợi của mỗi cá nhân được coi là cơ sở cho quyền lợi của dân tộc. Tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Đó là sự thống nhất giữa quyền sống của mỗi con người và quyền độc lập của dân tộc.
Một trong những tư tưởng nổi tiếng, mang tầm vóc thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập là đã nêu lên một luận điểm hoàn toàn mới về quyền con người: Quyền con người không chỉ là quyền của cá nhân mà còn là quyền tự quyết của mỗi dân tộc, thể hiện rõ tính thống nhất biện chứng không thể tách rời giữa quyền con người, quyền công dân và quyền dân tộc thiêng liêng.
Luận điểm nhân quyền nói trên là kết quả kiểm nghiệm và nghiên cứu lý luận, lịch sử trong hơn 30 năm của Người, kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước (1911).
Trước toàn thế giới, Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945 là hòn đá tảng pháp lý đầu tiên khẳng định cả trên nguyên tắc, cả trên thực tế, quyền sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới về chất, dưới ánh sáng của thế giới quan khoa học, phản ánh đúng thực trạng đặc thù của dân tộc Việt Nam. Người đã nhận thức hết sức đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa tự do cá nhân và tự do của cộng đồng, giữa giải phóng cá nhân và giải phóng toàn xã hội. Người khẳng định rằng, muốn giải phóng toàn bộ những lực lượng xã hội, muốn xã hội phát triển, thì trước hết phải giải phóng toàn diện cá nhân – con người, tạo ra những tiền đề cho sự phát huy cao độ những khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Và chỉ khi đó, quyền con người mới được hiện thực hóa.
Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh một cách hùng hồn rằng: Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ bảo vệ quyền con người chân chính. Và cũng chính vì vậy mà bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 có thể được coi như là bản Tuyên ngôn về quyền con người của các dân tộc thuộc địa.
Sau bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào ngày 10-2-1948, Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua “Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền”. Nhưng rất tiếc là, văn kiện này của Liên hiệp quốc đã không tránh khỏi khiếm khuyết cơ bản, đó là, khái niệm nhân quyền chỉ là quyền của cá nhân, không tính đến các điều kiện chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa… của mỗi dân tộc, trong đó có quyền dân tộc tự quyết.
Năm 1966, Liên hiệp quốc lại thông qua 2 Công ước quốc tế được coi là “Bộ luật nhân quyền quốc tế”. Đó là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (1966). Năm 1993, Liên hiệp quốc lại ra Tuyên bố Viên và Chương trình hành động. Những văn kiện này đã xác định: Quyền dân tộc tự quyết là một quyền con người. Điều 1 của hai Công ước trên đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền dân tộc tự quyết…”. Tuyên bố Viên và Chương trình hành động đã nhấn mạnh: “Việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền”. Như vậy, rõ ràng, tư tưởng về quyền dân tộc tự quyết trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi trước nhận thức chung của Liên hiệp quốc hơn 20 năm. Đó là đóng góp lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc phát triển sáng tạo tư tưởng quyền con người của nhân loại trong thế kỷ 20.
Tư tưởng quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ở trong Tuyên ngôn Độc lập mà còn được thể hiện phong phú trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài của Người, cả trên lĩnh vực lý luận và thực tiễn, là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta.
Ý kiến bạn đọc