Multimedia Đọc Báo in

CÓ MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

19:21, 05/02/2011

Gan dạ, mưu trí ém mình, giả danh dưới nhiều hình thức để nắm bắt thông tin, tiếp tế lương thực, phục vụ kháng chiến…, ký ức hào hùng về một thời sống, chiến đấu, hoạt động trong lòng địch của những chiến sĩ cách mạng năm xưa như những thước phim tài liệu quý giá của lịch sử…

Nữ cộng sản nức tiếng vùng H9
Bom đạn của kẻ thù dội xuống mảnh đất quê hương Núi Thành, Quảng Nam cùng nỗi đau mất mát khi chứng kiến cảnh người thân bị địch bắt và chôn cùng một chỗ, đã thổi bùng lên ngọn lửa căm hờn trong bà, lúc đó mới là cô gái ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Ngọn lửa căm hờn ấy càng thôi thúc bà tìm đến và một lòng đi theo cách mạng. Nguyễn Thị Phẩm đã trở thành cái tên khiến kẻ địch phải khiếp sợ, đã dùng đủ các chiêu bài uy hiếp, dụ dỗ nhưng không thể khuất phục, lay chuyển được tinh thần và ý chí cách mạng kiên trung của bà.

Gặp bà trong ngôi nhà nhỏ, đơn sơ ở thôn 7, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, 77 tuổi nhưng giọng nói vẫn sang sảng, cử chỉ dứt khoát, nét mặt cương nghị của bà, chúng tôi phần nào hiểu tại sao cái thời hào hùng ấy bà là một nữ cộng sản khiến kẻ thù phải kính nể, run sợ. Ngày đặt chân lên vùng căn cứ cách mạng này bà còn nhớ như in là ngày 25-11-1959. Khi ấy Khuê Ngọc Điền mới chỉ có hai buôn và có tên là Tít-sa-ranh. Nhìn bốn bề rừng núi hoang vu, bà hạnh phúc lắm bởi linh cảm của một người đang hừng hực ngọn lửa đấu tranh mách bảo đây là điều kiện rất tốt để gây dựng cơ sở và thực hiện ước mơ được tham gia hoạt động cách mạng. Rồi bắt đầu từ công việc gánh dầu, muối, cá khô đi đổi lấy gạo để nuôi sống gia đình, bà trở thành người giao liên, tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ khi nào không hay. Chỉ cần ai bảo bán hoặc đổi cho họ nhiều hàng hơn so với bình thường, bà hiểu mục đích và tín hiệu ngầm là để cung cấp cho cơ sở mật của ta. Gây dựng được lòng tin của cán bộ cách mạng, bà nghiễm nhiên trở thành người bán và đổi được nhiều hàng nhất. Tuy nhiên cũng vì vậy bà lọt vào tầm ngắm của địch. Không ít lần gồng gánh băng rừng vượt suối vài chục cây số, bị địch nghi ngờ, hạch sách, uy hiếp, kiểm tra rồi lấy hết hàng, ấy vậy nhưng hôm sau bà vẫn đi tiếp. Đơn giản đó không chỉ là công việc nuôi sống gia đình mà quan trọng, thiêng liêng, cao cả hơn mà bà tự giác ngộ đó là nhiệm vụ cách mạng giao phó: tiếp tế lương thực nuôi giấu cơ sở của ta. Biết, nghi ngờ nhưng chưa tìm được bằng chứng, địch bài binh bố trận đưa bà vào bẫy. Đêm đến, chúng tìm đến nhà bà đóng kịch, giả làm cộng sản gọi cửa. Đề cao tinh thần cảnh giác, bà đem mõ và dùi gõ inh ỏi rồi hô hoán “Cộng sản, cộng sản” để la làng, che mắt địch. Địch bó tay, thú nhận: “Bảo an đây, bảo an đây!”. Hạch sách, uy hiếp, lừa phỉnh không xong, địch kêu gọi, mua chuộc rằng đi theo phục vụ bảo an sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng, ăn ngon mặc đẹp. Nhưng tất cả các chiêu bài của chúng không thể dụ dỗ, khuất phục được tấm lòng sắt son của nữ cộng sản này.

Bà Nguyễn Thị Phẩm (bìa trái)
Bà Nguyễn Thị Phẩm (bìa trái)

Cuối 1964, đầu 1965 cả vùng bị địch rải bom bi, đốt nhà, người dân phải di cư vào hang đá để ẩn nấp. Trước tình cảnh đói khát, thiếu thốn, bà là một trong những chiến sĩ kiên trung được chi bộ phân công dùng dây thép gai phá  bom bi để đào khoai cứu đói cho bà con. Tháng 2-1965 Khuê Ngọc Điền giải phóng, tháng 5-1965, H9 giải phóng hoàn toàn nhưng đời sống người dân còn rất cực khổ. Ngày 20-10-1965, cuộc biểu tình có quy mô đòi quyền dân sinh, thông thương đi lại, diễn ra ở một vùng nông thôn rộng lớn đã được giải phóng từ Khuê Ngọc Điền, Phước Trạch đến Vụ Bổn. Bồng bế theo đứa con gái khi đó mới được 3 tuổi, bà tham gia nhóm những chiến sĩ tiên phong dẫn đầu đoàn biểu tình mặc cho nòng súng kẻ thù đàn áp không thương tiếc.

Một nữ cộng sản nổi danh của thời chiến, thời bình bà là một cán bộ đảng viên gương mẫu được nhiều thế hệ đảng viên nể trọng. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bà bảo cứ làm hết mình với nhiệm vụ được giao là đã học tập và làm theo Bác rồi. Ngày Bác mất, bà năn nỉ xin bằng được một cuốn Di chúc của Bác và thuộc nằm lòng nội dung cuốn di chúc ấy. Những lời Bác dạy đã cho bà một phương châm sống “Còn sức còn cống hiến”. Có phải vậy mà dù đã ở tuổi 77, bà vẫn tích cực tham gia công tác Đảng, mặt trận, công tác người cao tuổi tại địa phương.

Ký ức mãi xanh cùng năm tháng
Đại tá Phan Công Thí, nguyên Chủ nhiệm Chính trị - Tỉnh đội Dak Lak, từng kinh qua bao đạn bom, khói lửa của một thời chiến tranh đầy hy sinh, gian khổ, hào hùng; tuy đã hơn 35 năm trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng ấy vẫn vẹn nguyên, cháy bỏng trong trái tim ông…

Ông Phan Công Thí cùng vợ
Ông Phan Công Thí cùng vợ

Sinh năm 1931, quê ở Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam, ngay từ năm 15 tuổi ông đã thoát ly đi theo cách mạng làm liên lạc Chi Tình báo Quảng Nam – Đà Nẵng. Năm 1953 ông vào bộ đội ở Tiểu đoàn 71 pháo binh (Liên khu V). Năm 1961 được điều về Tiểu đoàn đặc công 407 (Quân khu V) chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, tại đây ông tham gia nhiều trận đánh với cương vị Mũi trưởng đặc công kiêm Tổ trưởng chiến đấu của Tiểu đoàn đặc công 407. Tháng 12 – 1965, Đại đội 2 Tiểu đoàn 407 (lúc này ông là Chính trị viên Đại đội 2) được Bộ Tư lệnh Quân khu V và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định điều biệt phái đặc trách thị xã Buôn Ma Thuột với các nhiệm vụ chính: Đánh nhỏ, đánh vừa, đánh sâu vào hậu cứ của địch tại thị xã Buôn Ma Thuột; gây rối loạn hoang mang giao động cho địch, tạo điều kiện phát động quần chúng nội thị và vùng ven đứng lên, nổi dậy làm cách mạng; chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị hành lang cho những trận đánh lớn của tiểu đoàn và của mặt trận. Tháng 11 – 1967, Đại đội 2 được Bộ Tư lệnh Quân khu V và Bộ Tư lệnh Đặc công bổ sung quân số, thành lập Tiểu đoàn đặc công 401 tại Dak Lak. Sau khi thành lập, Tiểu đoàn đặc công 401 liên tục đánh nhiều trận, tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột và đánh tập kích vào các chi khu, quận lỵ như: Lạc Thiện, Buôn Hồ, Phú Túc, Phú Thiện, thị xã Cheo Reo… Tiểu đoàn còn tham gia nhiều trận đánh vào ấp chiến lược, đánh địch càn quét, giành dân, giữ dân với địch… trong đó nhiều trận ông tham gia với vai trò chỉ huy trực tiếp.

Ông kể: “Khi ấy tại chiến trường Dak Lak cơ sở của mình rất ít, địch quản lý chặt địa bàn, mỗi lần làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường phải bí mật, thực hiện “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” bởi khâu chuẩn bị chiến trường rất dễ hy sinh, chỉ một sơ suất nhỏ là có thể “một đi không trở về”. Mặt khác vùng của ta hẹp, dân ở hậu cứ thì nghèo, địch thường xuyên càn quét, khủng bố bằng máy bay, thả bom, rải chất độc hóa học; sự chi viện đối với Dak Lak cũng rất ít (chủ yếu là vũ khí, đạn dược)…  do vậy đời sống của bộ đội rất khó khăn. Tuy gian khổ là vậy, nhưng anh em chiến sĩ không bao giờ nản lòng mà tinh thần lại càng như được nhân lên bởi có những lúc cùng chia nhau từng củ khoai, điếu thuốc. Khi vào trận, chúng tôi cũng rất tiết kiệm đạn và bắn hạn chế từng phát. Một trận tập kích vào Sân bay Buôn Ma Thuột, ngoài trang bị vũ khí cá nhân, đơn vị chỉ mang 3 quả đạn cối, do vậy yêu cầu đề ra là phải bắn trúng, hiệu quả. Chính vì vậy mà đơn vị Đại đội 306 hỏa lực của Tiểu đoàn thường xuyên được khen thưởng vì bắn giỏi, bắn trúng… Quá khứ hào hùng nhưng cũng lắm đau thương bởi chiến tranh nào mà không có mất mát. Đơn vị tôi nhiều người đã hy sinh, mãi mãi nằm lại mảnh đất này ở lứa tuổi đôi mươi và cũng có những người trở về với gia đình nhưng phải hứng chịu di chứng của thương tích, bệnh tật, chất độc da cam…”.
Trải qua gian khổ càng thêm bền gan, tôi luyện, trưởng thành, tuổi thanh xuân của ông đã dành trọn cho Đảng, cho cách mạng. Luôn nghiêm chỉnh chấp hành mọi sự phân công, đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Đảng cần, dân muốn, quân đội giao phó – đó là tâm niệm ông luôn thực hiện trọn vẹn, hoàn thành. Với những cống hiến của mình, ông đã vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba, 3 Huân chương Chiến công Giải phóng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang, 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…

Như một thời đã sống
Hơn 35 năm về trước, ông Trần Xuân Hoa (hiện ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pak) là đội trưởng Đội biệt động thành (K2), thời chống Mỹ.

Ông Trần Xuân Hoa (ngồi giữa)
Ông Trần Xuân Hoa (ngồi giữa)

Tham gia chiến trường những ngày khói lửa, chứng kiến nhiều mất mát, hy sinh của đồng đội càng thôi thúc ông quyết tâm diệt giặc, trả thù. Từ năm 1968, ông được tổ chức phân công làm đội trưởng Đội biệt động thành cánh Bắc, chuyên đánh trong lòng thị xã, tổ chức gài mìn, bí mật thủ tiêu ác ôn nhằm cảnh cáo những tội ác mà chúng đã gây ra với đồng bào, đồng thời gây hoang mang về sự có mặt của cộng sản ở những nơi mà chúng cho là an ninh nhất. Nhiều trận đánh đã đi qua, nhiều tên đầu sỏ của địch bị tiêu diệt, đội ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, nhưng điều theo ông mãi đến bây giờ là kỷ niệm về những tháng ngày anh em đồng đội sát cánh bên nhau, giữa cái chết cận kề trong gang tấc. Đời lính K2, một thời tranh đấu anh hùng và khốc liệt, có lẽ trận đánh ở Trụ đèn Ba ngọn, đầu năm 1970 làm ông nhớ mãi. Theo chỉ thị của cấp trên, đêm đầu xuân năm 1970, lực lượng cảnh sát, sĩ quan ngụy từ Đà Lạt, Bình Định sẽ tập trung về họp tại Trụ đèn Ba ngọn, đội của ông phải tấn công vào thủ tiêu một vài tên chủ chốt, đánh tiêu hao sinh lực, gây hoang mang và làm địch co cụm lại. Nhận nhiệm vụ, ông nhanh chóng triển khai đội hình, lên kế hoạch tác chiến. Sau khi móc nối được với tự vệ mật của ta bên trong, 3 chiến sĩ trong đội do ông cầm đầu bí mật đột nhập vào lô cốt, tiêu diệt được 2 tên địch. Ngay lúc đó, ông rút khẩu B40 ra, định dùng hỏa lực, đánh đòn quyết định để rút lui nhưng không may, gặp phải sự cố, súng bị lỏng đạn nên không thể nổ được. Thế là bị địch phát hiện, liên tiếp bắn trả, ông ra hiệu cho đồng đội nhanh chóng rút lui an toàn.

Mỗi lần có dịp gặp lại đồng đội năm xưa, người mất người còn, người mang trong mình những vết thương hễ trái gió trở trời lại lên cơn đau nhức…, họ lại nắn nắn đôi bàn tay, xoa xoa bờ vai gầy, dành cho nhau những lời động viên, vỗ về an ủi, cùng kể nhau nghe về một thời đấu tranh oanh liệt. Rồi họ vẫn không quên nhắc lại, phương châm của lính K2:  “Độc lập tác chiến, đánh nhanh rút nhanh, thủ tiêu quân địch, không ngại hy sinh”,  với giọng đầy tự hào, như một thời đã sống.

Đàm Thuần – Lan Anh – Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc