Multimedia Đọc Báo in

Lịch sử Cà phê Buôn Ma Thuột

10:25, 27/02/2011

Cà phê được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 9, khi nó được khám phá ra từ vùng cao nguyên Ethiopia. Từ đó, nó lan ra Ai Cập, Yemen, và đến thế kỷ thứ 15 thì đến Armenia, Persia, Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc châu Phi. Từ thế giới Hồi giáo, cà phê đến Ý, sau đó là phần còn lại của châu Âu, Indonesia và Mỹ. Ngày nay, cà phê là một trong những thức uống thông dụng toàn cầu.

Ở Việt Nam, vào khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ XIX, người Pháp đã du nhập cây cà phê vào trồng thử ở nước ta, bắt đầu từ Quảng Bình, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Trị… và sau đó mới phát triển dần vào các tỉnh phía Nam.

Ngay từ lúc thăm dò để chuẩn bị xâm chiếm Tây Nguyên, các nhà thám hiểm và truyền giáo Pháp đã sớm nhận ra vùng đất này không chỉ có vị trí địa lý chiến lược ở miền nam Đông Dương, mà còn có những tài nguyên hết sức quý giá là đất và rừng. Đặc biệt nơi đây có loại đất được nhận định là tốt nhất thế giới, rất thích hợp cho việc mở các đồn điền trồng cây công nghiệp. Ngày 2-11-1901, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định về “quyền bảo hộ và khai thác Tây Nguyên”, mở đường cho tư bản Pháp vào lập đồn điền. Tuy nhiên, do những điều kiện cụ thể (thiếu phương tiện và nhân công) nên ở Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ chưa hình thành những đồn điền lớn, chủ yếu là lập một số nông trại quy mô vài chục mẫu để trồng thử nghiệm cây công nghiệp; trong đó trẩu và cà phê chè (coffee arabica) là những loại cây được đưa vào trồng thử nghiệm đầu tiên tại Buôn Ma Thuột.

Đến những năm 1912-1914, cây cà phê chè mới thực sự ghi dấu ấn tại Buôn Ma Thuột. Trong khoảng thời gian này hai công ty nông nghiệp lớn ở Dak Lak là Công ty cao nguyên Đông Dương (Compagnie des hauts plateaux indochinois - CHPI) và Công ty nông nghiệp An Nam (Compagnie agricole d’asie - CADA) bao chiếm tới 30.000 ha đất, trải dài trên một vùng đất bazan rộng lớn dọc hai bên Quốc lộ 21 từ Buôn Ma Thuột đến km34 đường đi Nha Trang, trong đó diện tích cà phê trồng tập trung là 260 ha. Lượng cà phê thu được lúc này tuy còn rất ít nhưng được đưa về Pháp chế biến, tiêu thụ và đem lại hiệu ứng không ngờ. Cây cà phê Buôn Ma Thuột trồng trên vùng đất tốt, khí hậu thích hợp, ở độ cao từ 400-500 mét đã cho sản phẩm tuyệt vời ngoài sự mong đợi của các công ty Pháp. Các nhà rang xay tại Pháp lúc bấy giờ đánh giá chất lượng và hương vị tự nhiên của cà phê Buôn Ma Thuột thơm đặc trưng và thể chất đậm đà hơn hẳn cà phê Bờ Biển Ngà vốn đã nổi tiếng khắp châu Âu. Vì thế, nhiều nhà tư bản và chủ ngân hàng của Pháp quyết định đầu tư mở đồn điền ở Buôn Ma Thuột.

Ngày 12-2-1925, để tiếp tục hợp thức hóa việc khai thác đất đai ở Tây Nguyên, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định về chế độ khai thác kinh tế ở Tây Nguyên, trọng tâm của nghị định này là định ra các nhượng địa (thực chất cướp không đất của người bản xứ) để cho tư bản Pháp vào đầu tư. Ngay sau đó đã có thêm 26 đồn điền được thành lập ở khu vực Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích lên đến 200.000 ha. Đến năm 1931, tổng diện tích cà phê ở Dak Lak (tập trung chủ yếu ở khu vực Buôn Ma Thuột) đã lên đến 2.130 ha (riêng đồn điền CADA là 1.000 ha) đứng thứ tư trong cả nước; trong đó 51% diện tích là cà phê chè, 33% cà phê vối, còn lại là cà phê mít.

Với các điều kiện tự nhiên phù hợp, được trồng và chăm sóc tốt nên chất lượng cà phê ngày càng tăng lên, kích thước hạt lớn, chất lượng nước đậm đà rất được ưa chuộng ở Pháp và một số nước châu Âu. Ngoài hương vị thơm ngon đặc trưng tự nhiên, thời kỳ này cà phê Buôn Ma Thuột còn nổi danh với một loại cà phê mang tính huyền thoại là “cà phê chồn”. Tuy nhiên, thời kỳ này do bệnh gỉ sắt phát triển mạnh trên cây cà phê chè, làm giảm đáng kể năng suất, nên các chủ đồn điền Pháp lần lượt chuyển sang trồng loại cà phê vối (cà phê chè chỉ còn khoảng 1% diện tích), năng suất cao, chất lượng thơm ngon hơn. Chính vì vậy, cà phê vối Robusta, được chọn lọc qua nhiều thập kỷ, đã trở thành cây cà phê chủ lực ở vùng đất Buôn Ma Thuột bởi khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao của nó.

Đến năm 1959 đã có 49 đồn điền trồng cà phê ở khu vực Buôn Ma Thuột (bao gồm cả Buôn Hồ, Phước An) với tổng diện tích trên 5.200 ha; trong đó riêng đồn điền CHPI là 576 ha. Ngoài các đồn điền của Pháp, đã dần xuất hiện một số đồn điền trồng cà phê do người dân tộc bản xứ và người Kinh khai phá, làm chủ. Đến năm 1975, tổng diện tích cà phê ở Dak Lak đã tăng lên 8.600 ha, cho sản lượng hằng năm trên 11.000 tấn, hầu hết là cà phê vối Robusta. Tuy xuất khẩu chưa nhiều, nhưng thông qua con đường du lịch, hạt cà phê Buôn Ma Thuột đã đến được nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều người thực sự ngưỡng mộ chất lượng và hương vị thơm ngon của nó.

Sau ngày miền Nam giải phóng, tỉnh Dak Lak đã sớm quan tâm phát triển ngành sản xuất cà phê. Ngày 12-11-1975, Ủy Ban Nhân dân cách mạng tỉnh đã ra quyết định trưng thu tài sản, đất đai của các đồn điền; đồng thời vận động 75 hộ cá thể hiến lại 1.196 ha cà phê; trên cơ sở đó thành lập các nông trường cà phê như: Thắng Lợi, Ea Hồ, 10-3, Đức Lập do Công ty quốc doanh nông nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý; đồng thời một loạt các nông trường cà phê quốc doanh thuộc Trung ương quản lý cũng ra đời trên địa bàn cùng với sự hợp tác của một số quốc gia trong khối Đông Âu (cũ) như Đức, Tiệp Khắc, Liên Xô (cũ).

Từ sau năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã chủ trương đầu tư trồng mới, thâm canh rộng rãi trong nhân dân, từ đó bắt đầu hình thành các vùng tập trung chuyên canh cà phê lớn ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pak, Cư M'gar, Ea H'leo, Krông Ana, Krông Buk, Krông Năng và Ea Kar.


Ý kiến bạn đọc