Multimedia Đọc Báo in

Lịch sử Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ

08:59, 18/02/2011

Thời kỳ từ năm 1946 đến năm 1960
Quốc hội khóa I (1946-1960) bầu ngày 6-1-1946, đến ngày 2-3-1946 Quốc hội đã họp kỳ thứ nhất và thông qua 72 đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam cách mạng đồng minh Hội. Với 12 kỳ họp đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng nhà nước Dân chủ cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc hội khóa I đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, Quốc hội cũng đã thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến dần từng bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam tiến lên, đánh bại chiến tranh đơn phương của Mỹ và tay sai. Đánh giá về công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm trọn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”.

Thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1980
Trong thời kỳ này, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp 1959 thông qua ngày 31-12-1959 và đã trải qua 5 khóa hoạt động: Quốc hội khóa II (1960-1964); khóa III (1964-1971); khóa IV (1971-1975) và khóa V (1975-1976) diễn ra trong điều kiện đất nước bị chia cắt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), kể từ khóa VI (1976-1981), Quốc hội trở thành Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất.

Quốc hội khóa II (1960-1964) được bầu ngày 8-5-1960 có 362 đại biểu trúng cử cùng với 91 đại biểu Quốc hội miền Nam được lưu nhiệm theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa II là 4 năm và Quốc hội đã có 8 kỳ họp. Quốc hội khóa II đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, 14 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa II, ngoài hai Ủy ban mà Quốc hội đã thành lập theo quy định của Hiến pháp 1959, Quốc hội đã thành lập thêm Ủy ban Thống nhất (1963). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Quốc hội khóa II này là Quốc hội xây dựng CNXH và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Quốc hội khóa III (1964-1971) có 455 đại biểu, trong đó có 366 đại biểu được bầu ngày 26-4-1964 và 89 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm. Quốc hội đã bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, 15 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết và Ban Thư ký gồm 4 vị. Quốc hội thành lập 5 Ủy ban: Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Thống nhất và Ủy ban Văn hóa - xã hội. Quốc hội nước ta quan hệ với Quốc hội các nước XHCN anh em, bè bạn trên thế giới nhằm tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, tạo thành sức mạnh tổng hợp để tiến hành cuộc kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược.

(Ảnh: S.T)
(Ảnh: S.T)

Quốc hội khóa IV (1971-1975) có 420 đại biểu được bầu ngày 11-4-1971 với nhiệm kỳ 4 năm và đã có 5 kỳ họp. Cơ cấu tổ chức của Quốc hội có Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, 17 Ủy viên chính thức, 3 Ủy  viên dự khuyết và Ban Thư ký gồm 6 thành viên. Quốc hội thành lập 6 Ủy ban: Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Kế hoạch và ngân sách, Ủy ban Thống nhất, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Văn hóa-xã hội và Ủy ban Đối ngoại. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta nhằm đánh đổ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất Tổ quốc.

Quốc hội khóa V (1975-1976) có 424 đại biểu, được bầu ngày 6-4-1975, hoạt động chưa tới 2 năm (1975-1976) và có 2 kỳ họp diễn ra trong tình hình miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng (30-4-1975). Cơ cấu tổ chức của Quốc hội có Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch, 11 Ủy viên chính thức và 3 Ủy viên dự khuyết. Quốc hội có 6 ủy ban: Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Kế hoạch và ngân sách, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Văn hóa-xã hội, Ủy ban Thống nhất và Ủy ban Đối ngoại. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã long trọng tuyên bố: “Hơn một trăm năm nay, đây là lần đầu tiên trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta không còn bóng một tên xâm lược, dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây nhân dân ta đời đời sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính thời đại của dân tộc Việt Nam ta”…

Quốc hội khóa VI (1976-1981) được bầu ngày 25-4-1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, bầu 492 đại biểu của nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đi lên CNXH. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 7 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, 13 Ủy viên chính thức, 2 Ủy viên dự khuyết. Quốc hội thành lập 6 Ủy ban: Ủy ban Kế hoạch và ngân sách; Ủy ban Dự án pháp luật; Ủy ban Dân tộc; Ủy ban Văn hóa và giáo dục, Ủy ban Y tế và xã hội; Ủy ban Đối ngoại. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã quyết định đổi tên nước là CHXHCN Việt Nam; quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và quốc ca là bài Tiến quân ca. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng của nhân dân ta từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quốc hội đã quy định khóa Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI và chính thức đặt tên cho thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam.

(Còn nữa)

 

Vĩnh Linh

 


Ý kiến bạn đọc