Đồng chí Lê Duẩn với việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở miền Trung
Là đảng viên cộng sản lớp đầu tiên, đồng chí Lê Duẩn trưởng thành từ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, hoạt động cùng thời với các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh...
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Duẩn đầy chông gai và thử thách. Tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi, hoạt động ở khắp các miền đất nước và hai lần phải ở tù.
Sau khi ra tù lần thứ nhất, đồng chí Lê Duẩn lao vào hoạt động cách mạng cùng các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu và một số đồng chí khác, vận động khôi phục các tổ chức Đảng ở Trung Kỳ.
Từ năm 1937 đến 1939, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, chỉ đạo mọi mặt hoạt động của đảng bộ và Mặt trận Dân chủ, sau đó được cử vào Ban Thường vụ Trung ương, góp phần chỉ đạo cách mạng cả nước. Được thả từ Côn Đảo về quê, đồng chí Lê Duẩn bị địch quản thúc gay gắt, nên chỉ hoạt động được trong phạm vi tỉnh Quảng Trị.
Khoảng tháng 3-1937, đồng chí vào Huế và triệu tập một cuộc hội nghị Đảng tại Huế, có đại diện một số tỉnh tham dự, họp trên một con đò ở sông Hương. Hội nghị đã kiểm điểm phong trào quần chúng, các mặt công tác khác, đề ra các biện pháp phát triển phong trào quần chúng và xây dựng cơ sở Đảng, đồng thời quyết định thành lập Xứ ủy lâm thời của Trung Kỳ. Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Duẩn được cử làm Bí thư Xứ ủy.
Vào giữa năm 1937, Thường vụ Xứ ủy triệu tập một cuộc hội nghị (họp tại gác trên nhà sách Hương Giang ở Huế) có sự tham dự của các đồng chí làm công tác công khai như: Hải Triều, Hải Thanh, Bùi Công Trừng, Lâm Mộng Quang. Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Duẩn đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới, trong nước, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đề xướng thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương lấy sự liên minh vững chắc của các lực lượng và tổ chức dân chủ của quần chúng cơ bản làm gốc, đồng thời liên kết rộng rãi các tầng lớp trên.
Đồng chí Lê Duẩn với các dũng sĩ miền Nam năm 1972. (Ảnh: T.L) |
Sau hội nghị, đồng chí Lê Duẩn đã gặp đồng chí Nguyễn Văn Cừ trên bồn hoa trước Trường Quốc học. Từ cuộc gặp gỡ quan trọng này, việc lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương đã được Trung ương chấp nhận và cho phép xây dựng Mặt trận trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Mặt trận Dân chủ với chính sách đúng đắn đã dấy lên làn sóng đấu tranh mới, phong trào cách mạng của quần chúng ngày càng mở rộng. Nét nổi bật là biết kết hợp hoạt động bí mật với hoạt động công khai. Trong Đảng và trong tổ chức của quần chúng trung kiên thì tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc bí mật về tổ chức và hoạt động; đồng thời tận dụng mọi khả năng xây dựng tổ chức công khai của Mặt trận Dân chủ và gây dựng phong trào quần chúng công khai. Các khả năng hợp pháp, bán hợp pháp như báo chí, hiệu sách, nhà in...được sử dụng vào việc tuyên truyền, mở rộng liên hệ với quần chúng, tạo nên nhiều đầu mối phát động đông đảo quần chúng. Một thành phố nhỏ như Huế chỉ trong hơn hai năm đã có mấy tờ báo công khai như Nhành Lúa, Sông Hương, Dân, Bạn Dân, ngoài ra, còn phát hành các tờ báo công khai từ Hà Nội, Sài Gòn.
Viện Dân biểu Trung Kỳ do thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều lập ra để lừa bịp dân cũng được lợi dụng để động viên dư luận, thúc đẩy phong trào quần chúng, tạo thêm thanh thế cho Mặt trận. Theo sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn và Thường vụ Xứ ủy, các đồng chí ở hầu hết các tỉnh, thành Trung Kỳ đã đưa ra một danh sách ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, trong đó có các đồng chí của ta như anh Phan Thanh và một số nhân sĩ yêu nước tiến bộ như các cụ Hoàng Văn Khải, Hà Đằng, Hoàng Đức Trạch, các anh Nguyễn Văn Cát, Nguyễn Đơn Quế...Kết quả là những ứng cử viên do Mặt trận Dân chủ giới thiệu và ủng hộ đều trúng cử và giữ những vị trí quan trọng trong Viện Dân biểu.
Sau thắng lợi của cuộc bầu cử vào nghị trường, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương phát động phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng ở ngoài nghị trường kết hợp với cuộc đấu tranh của nhóm dân biểu tiến bộ trong nghị viện, nhằm ngăn chặn và làm thất bại các chính sách áp bức, bóc lột hà khắc của thực dân Pháp và tay sai.
Trong thời gian Viện Dân biểu đang họp, mít tinh, biểu tình nổ ra ở nhiều nơi. Quần chúng các tỉnh, thành cử đại biểu về Huế cùng với quần chúng Thừa Thiên - Huế kéo đến Viện Dân biểu đưa yêu sách đòi hủy bỏ các dự án tăng thuế. Các báo hợp pháp như báo Dân đã kịp thời đăng các tin tức đấu tranh và kiến nghị của quần chúng, đồng thời phản ánh thái độ của các dân biểu tiến bộ chống dự án tăng thuế. Bất chấp sự khống chế của Tòa Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ và bọn tay sai, Viện Dân biểu đã thông qua một nghị quyết bác bỏ dự án thuế thân của chúng.
Cao trào cách mạng trong thời kỳ 1936 - 1939 trong cả nước và ở miền Trung là thắng lợi nổi bật của Mặt trận Dân chủ dưới sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt của Trung ương, sự lãnh đạo năng nổ của Xứ ủy Trung Kỳ, trong đó có sự chỉ đạo trực tiếp, kiên quyết, năng động và đầy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn. Thắng lợi đó đã tạo nên một lực lượng cách mạng hùng hậu đủ sức đánh lùi từng bước sự phản kích của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Đó cũng là một cuộc tập dượt có ý nghĩa thật quan trọng chuẩn bị cho quần chúng bước vào những trận chiến đấu mới quyết liệt hơn theo chủ trương chuyển biến chiến lược do Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng tháng 11-1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ.
Ý kiến bạn đọc