Các Mác – “hạnh phúc là đấu tranh”
Gần hai trăm năm qua, Các Mác thường được nhắc tới với tư cách là một lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới, là người chỉ ra con đường đánh đổ chế độ tư bản, thiết lập nên một xã hội mới của chế độ công hữu, xóa bỏ tình trạng người bóc lột người. Đó là một sự nghiệp lớn lao, vĩ đại. Tuy vậy, tính hấp dẫn và lôi cuốn đặc biệt của Các Mác còn được thể hiện từ các tình tiết, các mẩu chuyện nhỏ trong đời sống riêng của ông. Người đọc cảm thấy rất thú vị khi đọc “Bản thẩm vấn một con người” gồm các câu hỏi do hai cô con gái Lôra và Gienny đặt ra và yêu cầu ông trả lời (1). Qua các câu trả lời ngắn gọn của Các Mác, chúng ta được biết: Món ăn thích nhất của ông là món cá. Ông cho rằng bị lệ thuộc là một điều bất hạnh. Ông coi sức mạnh là đặc điểm đáng quý nhất của người đàn ông. Công việc ông ưa thích nhất là “nghiền sách”. Đặc tính nổi bật nhất của ông là trước sau chỉ có một mục đích. Theo quan niệm của ông, tính xấu đáng ghê tởm nhất là tính xu nịnh. Đến câu hỏi: “Quan niệm thế nào là hạnh phúc?”, ông viết trả lời ngay: “Hạnh phúc là đấu tranh”.
“Hạnh phúc là đấu tranh”. Vẻn vẹn chỉ có năm từ thôi mà ta cảm thấy sức nặng của nó không gì có thể đong đo được. Và nội hàm của nó chắc chắn không chỉ giới hạn ở toàn bộ các hoạt động sôi nổi và hết sức phong phú của đời ông, mà hơn thế nữa, nó bao quát cuộc sống rộng lớn của cả loài người. Trong tiến trình tồn tại, loài người luôn đối diện với hai cuộc đấu tranh: đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh xã hội. Ở đây chúng tôi xin được lạm bàn, tìm hiểu phần đấu tranh xã hội của Các Mác, bởi đây cũng là nội dung Các Mác muốn trả lời với hai con.
Các Mác vốn có tư chất thông minh từ bé, ông lại rất ham học, ham nghiên cứu, nên tầm tư duy của ông trở nên siêu việt, kiến thức uyên bác hơn người. Năm 1841 (lúc Các Mác 23 tuổi), nhà báo Môdét Hétxơ đã viết: “… bạn hãy hình dung cả Rutxô, Vonte, Hônbắc, Lét Xinh, Hai nơ và Hêghen kết hợp lại trong một con người… và nó sẽ là hình ảnh tiến sĩ Mác” (2). Ngay từ thời còn là một học sinh trung học, khi làm bài văn theo đầu đề “Ý nghĩ của thanh niên trong việc chọn nghề”, Mác đã xác định lý tưởng sống cao đẹp là ra sức cống hiến nhiều nhất cho nhân loại. Đến khi có lượng kiến thức uyên bác, cộng với nghị lực phi thường, Mác đã tiến hành sự nghiệp đấu tranh không biết mệt mỏi trên lĩnh vực lý luận và hoạt động thực tiễn.
Các Mác (1818 - 1883) Ảnh: T.L |
Với các học giả bậc thầy, Mác vừa tiếp thu và kế thừa các luận điểm tiến bộ, hợp lý, đồng thời vừa đấu tranh không khoan nhượng đối với các mặt còn hạn chế, tiêu cực trong học thuyết của họ. Mác tiếp thu, kế thừa phép biện chứng của Hêghen vĩ đại, coi mọi vật trên thế giới luôn biến đổi, phát triển. Mặt khác, Mác không thừa nhận và phê phán tới cùng chủ nghĩa duy tâm chủ quan của Hêghen cho rằng có một “ý niệm tuyệt đối” vô hình nào đó chi phối thế giới hiện thực. Cả Mác lẫn Ăngghen đều tiếp thu quan niệm duy vật tiến bộ của nhà duy vật nổi tiếng của triết học cổ điển Đức Phơbách (1804-1872) rằng con người cũng như xã hội loài người là sản phẩm của tự nhiên, Phơbách đề cao tính cá thể của mỗi người, đấu tranh giải phóng nhân cách cá nhân con người khỏi mọi hệ thống giáo lý và trật tự xã hội hà khắc của nước Đức phong kiến quí tộc. Tuy nhiên, từ mệnh đề “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, Mác đã dũng cảm đấu tranh phê phán Phơbách bởi Phơbách không nhận thấy bản chất xã hội của con người cũng như vai trò của hoạt động thực tiễn con người trong nhận thức và cải tạo thế giới, và hơn nữa, con người trong quan niệm của Phơbách là con người phi lịch sử, phi giai cấp, phi dân tộc, rất trừu tượng.
Giữa thế kỷ XIX ở châu Âu, đồng thời với sự lớn mạnh của phong trào công nhân và các lực lượng tiến bộ, người ta chứng kiến sự xuất hiện rất nhiều trào lưu tư tưởng, học thuyết triết học: trào lưu triết học duy tâm của phái Hêghen trẻ, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cải lương, phái vô chính phủ… Mác đã đấu tranh với các học thuyết và đường lối của họ. Qua thực tiễn đấu tranh ấy, Mác đã nâng tầm tư duy, nhận thức của mình lên, từ đó lần lượt đưa ra nhiều ý kiến quan trọng để cuối cùng hình thành nên một học thuyết cách mạng cho giai cấp vô sản.
Các năm 1842, 1843, Mác trở thành lãnh đạo báo Rheinise Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh) và tờ báo trở thành vũ khí phê phán mạnh mẽ chế độ chuyên chế Phổ. Từ thời điểm này trở đi vấn đề căn bản mà Mác quan tâm là vấn đề cách mạng, bản chất, nguyên nhân và động lực của nó. Công tác thực tiễn ở báo Rheinise Zeitung đã làm thay đổi cơ bản thế giới quan của Mác, chuyển từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật và từ chủ nghĩa dân chủ – cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản. Trong tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp luật của Hêghen”, Mác đưa ra quan niệm đúng đắn về một chế độ xã hội dân chủ, ở đó nền dân chủ là sự tự quyết của nhân dân, lợi ích của nhân dân, và ông khẳng định giai cấp có thể thực hiện được việc giải phóng toàn thể nhân loại phải là giai cấp vô sản.
Cuộc đời của Mác gồm những chuỗi ngày tháng đấu tranh kế tiếp nhau, đấu tranh ở lý luận và đấu tranh ở hoạt động thực tiễn, phong phú vô cùng. Tinh hoa trí tuệ của Mác và Ăngghen được thể hiện rực rỡ trong tác phẩm bất hủ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848).
Tuyên ngôn chỉ rõ lịch sử tiến hóa của xã hội loài người được diễn ra theo quy luật vận động khách quan, mà trong đó, xã hội tư bản sẽ lui vào quá khứ và thay vào đó là xã hội cộng sản, một hình thái kinh tế xã hội mới. Giai cấp vô sản là người có sứ mệnh tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và cùng với nhân dân lao động xây dựng xã hội mới với đặc trưng là sự thống lĩnh của chế độ công hữu, xóa bỏ cái cảnh đáng hổ thẹn nhất là người bóc lột người. Đến năm 1867, Mác công bố tác phẩm quan trọng nhất của đời ông là bộ "Tư bản". Đây là bộ kinh điển về lý luận cách mạng vô sản trong thời đại mới, nó được coi là "quả đại bác dữ dội nhất" công phá thành lũy của chủ nghĩa tư bản. Trên phương diện đấu tranh thực tiễn, Mác và cả Ăngghen đã dốc hết nhiệt huyết và không tiếc sức mình. Hai ông hiểu rất sâu hoàn cảnh sống và nguyện vọng của công nhân và nhân dân lao động, tổ chức giáo dục họ, đưa họ vào đoàn hội để cùng nhau đấu tranh, mà đỉnh cao là hình thành tổ chức đảng cộng sản ở các nước.
Với Mác, hạnh phúc là đấu tranh. Và ta cũng hiểu, có đấu tranh mới được hạnh phúc. Hoàn toàn không khiên cưỡng chút nào khi ta nói rằng hạnh phúc của cả loài người cũng là đấu tranh. Thì xin bạn cứ ngẫm mà xem, khoảng năm 4000 trước Công nguyên, trên lưu vực sông Nin (Ai Cập) bắt đầu diễn ra quá trình hình thành xã hội có giai cấp và lịch sử tiến hóa xã hội loài người từ đó cho tới nay đã lần lượt trải qua các hình thái: xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa. Tuy mỗi hình thái xã hội đều thể hiện bước tiến của lịch sử và có đóng góp tích cực cho nền văn minh nhân loại, nhưng về mặt bản chất sâu xa thì cả ba hình thái xã hội này lại rất giống nhau, đều là con đẻ của chế độ tư hữu. Trong lòng chế độ tư hữu, cuộc đấu tranh giai cấp khốc liệt diễn ra suốt 6.000 năm nay, đem đến cho nhân loại bao thảm họa, đồng thời đó cũng chính là động lực thúc đẩy xã hội phát triển đi lên. Trong máu của chế độ tư hữu có căn bệnh nan y là áp bức, bóc lột người và chiến tranh. Chỉ có giai cấp vô sản và đảng tiền phong của nó mới gánh vác được sứ mệnh cao cả là đấu tranh tiêu diệt xã hội tư bản, xóa bỏ áp bức và chiến tranh, xây dựng xã hội mới của chế độ công hữu, mang lại hạnh phúc cho con người.
Dân tộc Việt Nam ta rất tự hào, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, suốt 81 năm qua, đã vững vàng đứng trong đội ngũ lực lượng tiền phong, kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, thống nhất giang sơn, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa qua, một lần nữa, Đảng ta chứng tỏ sự trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, và tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở nền tảng của Chế độ công hữu.
Để kết thúc bài viết này, xin được dẫn lời của Ăngghen đã viết trong thư cho các đồng chí của mình: “Khi nào tôi không còn đủ sức để đấu tranh thì thà cứ để cho tôi chết đi” (3).
Nguyễn Trúc
------------------
(1)Xem “Tình bạn vĩ đại và cảm động” của N.Vít Gốp – N.NI Khu Tin.
(2)Sđd, trang 30 NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1983, trang 209.
(3)Sđd, trang 245.
Ý kiến bạn đọc