Multimedia Đọc Báo in

Cuộc hội ngộ sau 36 năm

15:36, 08/06/2011

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh vừa phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức gặp mặt những nữ cựu quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Lần đầu tiên sau 36 năm, hơn 250 nữ cựu quân nhân mới có cơ hội gặp lại nhau. Những vòng tay siết chặt, đôi mắt ngấn lệ, dòng cảm xúc tuôn trào, họ cùng ôn lại những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của dân tộc…

Có lẽ chưa bao giờ trong đời, nữ cựu quân nhân Nguyễn Thị Ba (thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) lại sống trong tâm trạng háo hức, mong đợi đến ngày được gặp lại những đồng đội, những người đã từng chung chiến tuyến, chiến hào, đã cận kề bên nhau giữa sự sống và cái chết như thế. Đêm trước ngày đi dự buổi gặp mặt, bà trằn trọc thao thức mãi không ngủ được. Cô gái giao liên gan dạ, dũng cảm ngày nào giờ đây mái tóc đã điểm bạc, song những ký ức của ngày xưa bỗng tràn về khi bà gặp lại đồng đội. Trong tâm trạng mừng mừng tủi tủi của ngày hội ngộ, bên cạnh những lời thăm hỏi sức khỏe gia đình, bà cùng các đồng đội không quên gợi lại những hồi ức về quãng thời gian mà họ đã cùng nhau gắn bó, chung lưng đấu cật vượt qua khó khăn trong những ngày tháng bà bị bắt giam tại lao xá Hội An. Trong lao xá Hội An ngày ấy, bà cũng như đồng đội đã nếm trải đủ mọi thủ đoạn tra tấn nhục hình, đê hèn nhất của kẻ địch như chôn sống nửa người, hòa nước vôi và ớt đổ vào miệng, bắt rắn… nhưng họ vẫn kiên cường, vẫn một lòng, một dạ trung thành với Đảng, với cách mạng và đặt trọn niềm tin son sắt vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, tin tưởng hòa bình, độc lập, tự do, ấm no sẽ đến với quê hương, đất nước. Còn những đồng chí của bà đang ở bên ngoài, dù mỗi người một nhiệm vụ, người là chị nuôi quân, là chiến sĩ tải đạn, chiến sĩ công binh hay trực tiếp cầm súng chiến đấu như các chị Phạm Thị Dinh, Lương Thị Xoan, Nguyễn Thị Hoa… vẫn mặc cho bom đạn ngày đêm cày xới, không quản ngại suối sâu, đèo cao, vách đứng, dù đói cơm, khát nước, lạt muối vẫn giữ vững bản chất tốt đẹp của người bộ đội Cụ Hồ, kề vai sát cánh cùng những chiến sĩ nam hiên ngang xông pha trận mạc, chiến đấu đến cùng để chiến thắng giặc Mỹ, giải phóng quê hương. Hình ảnh những cô gái tuổi đời lúc bấy giờ chỉ mười tám, đôi mươi, tay cầm súng, lưng mang ba lô, băng rừng vượt suối làm nhiệm vụ đã trở thành biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trong không khí hân hoan của ngày gặp lại, họ cũng không quên nhắc những hy sinh to lớn, bày tỏ lòng tri ân đối với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì độc lập - tự do của đất nước như Liệt sĩ Nguyễn Thị Hỷ, Huỳnh Thị Hường… Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của các nữ cựu quân nhân khi gặp lại nhau trong cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa này, như tâm sự của bà Lê Thị Nghĩa: “Chúng tôi thật sự xúc động khi được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để gặp lại nhau trong không khí ấm áp, thắm tình đồng chí, đồng đội cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của quá khứ ngỡ đã lãng quên bởi dòng chảy của thời gian”. 

 Niềm vui ngày hội ngộ.
Niềm vui ngày hội ngộ.
Đã thỏa lòng khát khao, mong đợi sau bao năm gặp mặt, nhưng trong câu chuyện của các nữ cựu chiến binh vẫn còn trĩu nặng ưu tư khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của không ít đồng đội mình hiện đang phải đối mặt. Dấu ấn của thời gian đã in đậm trên gương mặt của nhiều người. Những cô gái trẻ trung, đầy sức sống của một thời mang trong mình dòng nhiệt huyết cách mạng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” nay tuổi đã cao, sức đã yếu, đang phải đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều người trong số họ vẫn chưa có nhà cửa ổn định, một số do ảnh hưởng của chiến tranh, bị giảm sức lao động, mang nhiều bệnh tật song không có điều kiện chữa chạy. Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có trên 1.000 nữ cựu quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trong đó còn hàng trăm gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Dù những năm qua, Đảng và Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã có những chính sách quan tâm đến đời sống vật chất của những người có công với cách mạng nhưng cũng chưa thể giúp các chị vượt qua khó khăn, vất vả, như chia sẻ của đồng chí Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi gặp mặt: “Kẻ thù đã cướp mất tuổi thanh xuân của các chị. Nhiều chị trở về sau chiến tranh là thương binh, bệnh binh, là nạn nhân của chất độc da cam. Đời sống của nhiều chị hiện nay còn hết sức khó khăn, một số chị chưa có nhà ở đàng hoàng, một số khác lại mang bệnh tật trong người nhưng không có tiền chữa chạy…”. Vì vậy để tỏ lòng tri ân các nữ cựu quân nhân và giúp đỡ, động viên các chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tại buổi gặp mặt, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị đã thể hiện tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bằng hành động thiết thực, quyên góp được trên 2,3 tỷ đồng thành lập Quỹ “Tri ân nữ cựu quân nhân”. “Với số tiền này, trước mắt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ xây dựng 14 căn nhà tình nghĩa; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho một số trường hợp. Các cựu quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như các chị Nguyễn Thị Lượng, Nguyễn Thị Hoài, Trần Thị Tuyết… hẳn sẽ rất vui và cảm nhận khi nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ cộng đồng”, Thiếu tá Mai Ngọc Khuê, Trưởng Ban Tuyên huấn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ. 

 

Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.