Multimedia Đọc Báo in

Đồng đội tôi

15:37, 08/06/2011

Đầu tháng 4-1996, nhân chuyến công tác ở Buôn Ma Thuột, Phạm Tuấn Chiêm tìm gặp anh em đồng đội ở chiến trường xưa. Trong kháng chiến chống Mỹ, mặc dù khi Chiêm nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn 301 thì tôi đã chuyển sang đơn vị khác nhưng chúng tôi vẫn cùng chiến đấu trên chiến trường Dak Lak, biết rõ nhau và những chiến công của nhau. Chúng tôi gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Không ngăn được dòng cảm xúc, Chiêm kể tôi nghe về kỷ niệm những ngày chiến đấu, về những đồng đội ở Tiểu đoàn 301 anh hùng…

Năm 1970, Chiêm làm y tá đại đội 1 ở Tiểu đoàn 301. Tháng 3-1971, Tiểu đoàn 301 hoạt động ở H2 (Phú Nhơn, Phú Thiện…). Đơn vị tập kích địch ở buôn Plây Bay, trận chiến ác liệt, các cán bộ tiểu đoàn như anh Sểnh, anh Úc… hy sinh. Đại đội 1 chốt buôn Sai suốt từ sáng tới chiều đánh trả bộ binh địch bu bám, máy bay quần rít trút bom ầm ầm, pháo dập tơi bời, khói bụi mịt mùng, đất đá đào xới phủ lấp trên hầm của Chiêm, ở chỉ huy sở tưởng anh em bị hy sinh hết. Trời chạng vạng tối, cả tổ của Chiêm vác súng về đơn vị, đồng đội cảm động rớm nước mắt.

Cuối năm 1971, đơn vị hoạt động ở vùng H4, H5 (Cư M’gar, Krông Buk). Vào độ tháng 9, tháng 10, thời kỳ lúa rẫy chín vàng, sương đêm ướt đẫm, bộ đội luồn vào tập kích địch trong khu đồn 23. Đơn vị dùng hai mũi thọc sâu bí mật bất ngờ nổ súng tiêu diệt quân thù. Cũng mũi tấn công có Hai là nữ của đội công tác phối hợp. Hai còn trẻ, xinh đẹp, hiền lành, mang súng các-bin, lưng đeo bao đạn, mặc bà ba, tóc búi gọn cùng đồng đội thọc sâu. Bọn địch ra ngoài buôn phục kích, chúng ập vào đội hình quân ta, hai bên đánh giáp lá cà quần nhau quyết liệt. Hai lia các-bin xối xả vào quân thù, nhiều tên dính đạn ngã gục ngổn ngang, hết đạn vẫn dũng mãnh vật lộn với giặc. Hai đã hy sinh trước mũi đạn kẻ thù. Quân giặc dã man, sáng hôm sau chúng cột thi thể Hai sau xe lam kéo lết về Buôn Hồ nhằm bêu xác chiến sĩ quân giải phóng, hăm đe làm nhụt ý chí cách mạng của đồng bào ta! Người con gái ấy đã hóa thân vào mảnh đất Buôn Hồ – Dak Lak thân yêu. Hai tên thật là gì, ở làng xã nào…? Hình ảnh người con gái quả cảm còn mãi trong ký ức chúng tôi không bao giờ nguôi quên…

Đầu năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Theo Hiệp định, quân của bên nào có mặt chốt giữ nơi nào là nơi đó thuộc lãnh thổ của bên ấy. Tiểu đoàn 301 chiếm lĩnh chốt trụ buôn Trinh (cách thị trấn Buôn Hồ chừng 3 km về phía đông). Đêm 26-1-1973, đơn vị đột nhập vào buôn củng cố công sự, bám trụ dài ngày. Tổ 3 người có Chiêm, Tấn quê ở Thanh Hóa là Trung đội phó, Bông là nữ binh vận của tỉnh chốt ở công sự đầu buôn. Ngày 27-1-1973, địch ở buôn bên lố nhố trương cờ ngụy Sài Gòn. Đôi bên vẫn giữ hòa khí bình thường Tiểu đoàn phó Trương bảo Chiêm vào trong buôn kiếm hộp sơn viết vào miếng tôn làm tấm biển hiệu: “Khu vực quân giải phóng, cấm vi phạm”. Chiêm trèo lên cổng buôn treo tấm biển thì nghe một loại AR15 của địch nổ giòn, đạn veo véo sát rạt quanh mình. Bằng sự phản ứng mau lẹ, Chiêm tụt nhanh xuống lao vào công sự sẵn sàng chiến đấu. Địch từ bên sườn cánh phải cách khoảng 30-40m xả một loạt liên thanh. Tấn trúng đạn hy sinh. Chiêm và Bông đưa Tấn vào hầm, xoa dầu chống kiến bâu bám để đến tối đưa về phía sau. Thế là chiến sự bùng ra, hai bên nổ súng rộ một hồi. Mấy tên lộ diện bị dính đạn của ta. Địch kéo xác đồng bọn co về buôn bên phòng thủ. Có đồng đội yểm trợ, Chiêm bò ra lấy được một máy HT1 (bộ đàm), một khẩu A15, một bao đựng đầy băng đạn mà địch trút bỏ thoát thân. Những ngày tiếp theo, địch và ta chốt trụ hai buôn cách nhau rặng tre, nghe tiếng động đào hầm, tiếng nói lao xao, tình thế diễn ra căng thẳng, thỉnh thoảng hai bên đụng độ giao tranh, súng nổ loạn xạ.

Từ ngày 3-2-1973, chiến sự diễn ra quyết liệt, pháo địch từ quận Buôn Hồ nã tới liên tục. Ngớt pháo dập lại đến máy bay dội bom, hết phi pháo tới xe tăng dẫn bộ binh chúng mở các đợt tấn công hòng đánh bật quân ta.

Thực lực của Tiểu đoàn có 2 đại đội bộ binh (C1, C3) luân phiên đến tối vào thay, chuyển thương binh tử sĩ ra, vác tre gỗ vào củng cố công sự.

Ngày 13-2-1973, địch tấn công từ phía sau đội hình quân ta. Tổ 4 người do Đại đội trưởng Trần Phú trực tiếp chỉ huy từ 9 giờ liên tục đánh trả tiêu diệt quân địch tơi bời. Phú dùng B40 bắn thẳng vào đội hình chúng, quả đạn chỉ phụt khói phóng được nửa chừng bị rớt, anh bồi những quả đạn tiếp theo, lũ giặc chết. Phát hiện hỏa lực quân ta, địch điên cuồng bắn pháo, máy bay trút bom tơi bời, nhà dân trong buôn bốc cháy khói mù mịt. Đến 4 giờ chiều thì cả tổ bị bom vùi: Phú, Đào, Ngọc, Hòe hy sinh. Hỏa lực ta chi viện cho bộ đội chốt có một khẩu ĐKZ 75, súng cối 82 ly, cơ số đạn có hạn nên không đáp ứng bắn liên tục chi viện trận đánh. Địch tập trung sức mạnh binh hỏa lực tối đa: máy bay, pháo tầm gần tầm xa, xe tăng, bộ binh phản kích tràn vào trận địa đều bị các tay súng chiến sĩ ta bắn trả tơi bời đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Quân thù dùng phương tiện loa phóng thanh trên máy bay C130 quần lượn kêu gọi chiêu hồi oang oang: “Hỡi cán binh Việt Cộng! Các người có hơn chục tay súng, lại đói khát không chịu nổi sức mạnh quân lực Việt Nam cộng hòa đâu. Các người hãy đầu hàng, về với chính phủ Quốc gia để được bảo toàn sinh mạng…”.

Giọng điệu tâm lý chiến cứ lải nhải ra rả hù dọa ý chí quật cường các chiến sĩ ta. Trận địa không ngớt bom cày đạn xới tanh bành, mặt đất bị cày xới bước đi lút bàn chân, hố bom đạn chồng lên nhau hết lớp này đến lớp khác. Mùa khô nóng nắng hầm hập, đói khát, trận chiến cực kỳ ác liệt mà các chiến sĩ ta kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” trận địa.

Ngày 17-2-1973, tổ chốt có Chiêm, Chú trong hầm phối hợp cùng đồng đội đánh địch. Mọi người sử dụng các vũ khí hiện có. Là y tá nhưng lúc tình huống căng thẳng quyết liệt, Chiêm thực sự là một tay súng thiện chiến. Dùng cối 60 ly, Chiêm kẹp chân tựa súng ngả vào bờ công sự, hai tay thao tác thả đạn rồi bụm sát miệng nòng, hướng về phía địch cho quả đạn phóng đi rơi vào mục tiêu, đến nỗi hai bàn tay bỏng xém, một mảnh đạn pháo găm vào bên cánh mũi, máu đỏ trên mặt, vẫn chắc tay súng nhằm quân thù mà bắn!

Những trận chiến đấu ở chốt buôn Trinh kéo dài từ ngày 26-1 đến 24-2-1973, kết thúc trong tình thế chiến trường thay đổi, trung đoàn 25 chủ lực của Tây Nguyên rút khỏi Hà Lan. Cuộc chiến giữa hai bên không cân sức, nhưng đã nêu cao tấm gương oanh liệt của các chiến sĩ 301 anh hùng. Nguyễn Văn Đỗi chính trị viên đại đội 1 điện về chỉ huy sở với lời nói kiên trung bất khuất đầy khí phách quật cường: “Chúng tôi đã làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc giao cho, xin gửi lời chào quyết thắng!...”.

Tiểu đoàn 301 Dak Lak anh hùng chiếm lĩnh chốt trụ buôn Trinh tháng 2-1973, có hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Hầu hết các chiến sĩ, cán bộ đều được truy tặng và tặng thưởng huân chương chiến công. Y tá Chiêm được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, là thương binh hạng 4…

Thế mà hai mươi năm đã trôi qua… Chúng tôi gặp nhau chuyện trò sôi nổi về mình, về quá khứ một thời gian khổ khốc liệt, về nghĩa tình đồng đội và thực tại nhân tình thế thái. Chiêm chân thật bộc lộ: “Em luôn nghĩ mình là người lính trong chiến đấu cũng như thời bình trước sau như vậy, không để mất phẩm giá con người…”.

Đoàn Viết Doãn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.