Những mẩu chuyện về Bác Hồ với báo chí
SỬA BÀI THÀNH BẢN TIN
Tết Mậu Tuất 1958, sau khi được phân công đi theo Bác về thăm bà con nông dân xã Việt Hưng ở ngoại thành Hà Nội và một số nhà máy, trường học, nhà báo Việt Thảo đã kịp thời viết được bài tường thuật khá dài. Anh nhờ đồng chí Phan Mỹ, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ đem trình Bác. Một lát sau, Việt Thảo được Bác gọi vào. Bác cười to:
- Chú viết vậy là nhanh và cũng rất “ văn hoa”.
Việt Thảo đứng lặng người nghe Bác nói tiếp:
- Chú viết về Bác thì đậm đà. Câu chuyện của đồng chí Bí thư chi bộ xã Việt Hưng về công việc của bà con nông dân vất vả vượt khó khăn năm nắng mười sương thì chẳng thấy chú viết nhiều. Lần sau lên chú ý điều này nhé!
Bác cầm bút cắt gần một nửa bài viết và sửa thành một tin ngắn gọn. Bác cười và nhìn nhà báo với đôi mắt độ lượng:
- Chắc là tác giả không vui lắm đâu. Chú bằng lòng nhé.
(Ảnh: T.L) |
Ngày 18-11-1965, đoàn đại biểu anh hùng và chiến sĩ thi đua đầu tiên của các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc đến chào Bác Hồ. Nhân dịp này, nhà báo Hồng Lân được đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị tạo điều kiện để anh được “lọt” vào vườn hoa Phủ Chủ tịch trong vai “phụ quay phim” vì Bác chỉ đồng ý hai đồng chí quay phim Quân đội vào quay một số hình ảnh để làm kỷ niệm. Nhờ vậy, đồng chí Hồng Lân đã được viết bài tường thuật để khi có dịp sẽ xin phép Bác cho tuyên truyền trên Đài phát thanh và báo chí.
Khi duyệt bài viết của Hồng Lân, từ đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng Cục chính trị đến đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương để nguyên và dặn tác giả mang đến nhờ đồng chí Vũ Kỳ xin ý kiến của Bác. Sau một ngày chờ đợi, Hồng Lân mừng quýnh khi được tin vui: Bác đồng ý cho đăng báo và đọc trên đài. Bác chỉ tỉa bớt một đôi chỗ, trong đó có tình tiết về những giọt nước mắt lăn trên má Bác. Qua đồng chí Vũ Kỳ, tác giả bài tường thuật được biết Bác nói đại ý: Đồng chí nhà báo viết đúng tình cảm của Bác, nhưng lúc này, đồng bào chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu đương đầu với giặc mà lại nói, lại tả việc Bác khóc là không có lợi.
CẢI CHÍNH KHI VIẾT SAI
Bản thân Bác cũng nêu tấm gương về tự phê bình, tự nhận lỗi khi báo chí có sai sót, ví dụ như trường hợp sau đây:
Ở phần cuối của bài “Cần phải ra sức trồng nhiều hoa màu” với bút danh T.L (bút danh của Bác trên báo Nhân Dân ngày 17- 4-1962), Bác viết:
“Xin lỗi” đăng trên Báo Nhân Dân (14-3-1962) dưới đầu đề:
“Làm thế nào cho lạc thêm vui”, đúng ra là một tấn lạc đổi được 1,5 tấn (1tấn rưỡi) gang. Vì sai sót một dấu phẩy (,) mà viết thành 15 (mười lăm) tấn gang. Đó là một thái độ không nghiêm túc, cẩn thận. T.L. xin thật thà tự phê bình và xin lỗi các bạn đọc”.
*BÁO CHÍ LÀ DIỄN ĐÀN CÔNG KHAI ĐỂ THĂM DÒ Ý KIẾN QUẦN CHÚNG
Đầu năm 1968, Thành Đoàn Hà Nội mở Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ đầu tiên. Ban Chấp hành Thành Đoàn gửi tờ trình và một danh sách 15 cháu có thành tích học tập, lao động và làm nhiều việc tốt, đề nghị Bác thưởng huy hiệu.
Bác yêu cầu các đồng chí giúp việc kiểm tra lại những cháu nào đã được báo đăng về thành tích học tập, lao động. Kết quả có 8 cháu trong số 15 cháu trong sách danh đã được đăng báo.
Bác cho rằng những cháu đã được nêu gương trên báo, không có dư luận phản đối, tức là đã được nhiều người thừa nhận.
Bác quyết định thưởng huy hiệu cho 8 cháu đó và nêu ý kiến với Thành Đoàn Hà Nội tiếp tục đăng thành tích của 7 cháu còn lại để kiểm nghiệm qua dư luận rồi Bác sẽ thưởng huy hiệu vào đợt sau.
Ý kiến bạn đọc