Multimedia Đọc Báo in

Sống lại không khí của chiến dịch trồng 1008 héc-ta cà phê năm 1978

15:32, 08/06/2011

“Cà phê trồng năm 1978”, đó không đơn thuần là thông tin về thời điểm mà đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong ngành cà phê, dấu mốc gắn với sự kiện trồng 1.008 ha cà phê của Nông trường Phước An – hậu duệ thứ nhất của Đồn điền Cà phê Cada.

Trong ký ức vị giám đốc đầu tiên của Nông trường Phước An

Ông Đoàn Dũng
Ông Đoàn Dũng

Vị giám đốc đầu tiên sau khi UBND tỉnh tiếp quản toàn bộ diện tích của Đồn điền Cà phê Cada và thành lập Nông trường Phước An năm 1977 có cái tên Đoàn Dũng, năm nay đã bước sang tuổi 78, hiện trú tại phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Đã lâu lắm rồi mới có người khơi lại một vùng ký ức đẹp trong ông – chiến dịch trồng 1.008 ha cà phê. Không khí của những tháng ngày lao động hăng say cách đây hơn 30 năm dội về và rõ nét hơn trong một thời điểm vô cùng đặc biệt - kỷ niệm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Ngày ông đảm nhiệm vai trò Giám đốc Nông trường Phước An cũng đồng nghĩa gánh trên vai một trọng trách quan trọng mà Đảng giao phó: trồng cà phê để phủ xanh một vùng đất hoang vu kéo dài từ Km 19 QL21 (nay là QL26) đến sát UBND huyện Krông Pak bây giờ, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề những ngày sau giải phóng từ tàn dư của chiến tranh đến vấn đề cơ sở vật chất thô sơ, nhân công thiếu… Bằng sự xông xáo, nhạy bén, những “nút thắt” được ông và tập thể ban lãnh đạo Nông trường đồng tâm tháo gỡ. Đầu tiên là chuyện lao động. Ông cho tuyển công nhân ở Nghệ An vào và vận động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cùng tham gia. Nói thì đơn giản nhưng để họ an cư lạc nghiệp, dù đã có chế độ bao cấp của Nhà nước, ông vẫn linh hoạt, giữ chân công nhân gắn bó với Nông trường bằng nhiều chính sách như: xin khai thác gỗ làm nhà ở cho công nhân, xây dựng một trại chăn nuôi bò, heo để có thêm nguồn  thực phẩm, cải thiện bữa ăn. Có được tiền đề quan trọng – sức người sỏi đá cũng thành cơm, ông cùng  tập thể cán bộ công nhân viên chính thức bắt tay vào chiến dịch. Nông trường thành lập 6 đội sản xuất và 1 đội cơ khí. Vừa khai hoang vừa ươm cây, vừa làm vừa đào tạo, Nông trường đóng tại vườn ươm hoặc trong khu vực khai hoang, công nhân coi vườn ươm, nương rẫy là nhà, làm bất kể giờ giấc, ngày đêm… Đó là khí thế thi đua lao động hừng hực, gấp gáp mà ông Đoàn Dũng không bao giờ quên.

Vật chất khó khăn, thiếu thốn thì ông động viên, khích lệ anh em công nhân bằng tinh thần. Ông cho thành lập một tổ phát thanh, ngày ngày phát động,  rồi đọc oang oang trên loa để khắp Nông trường cùng nghe biểu dương những người làm việc chăm chỉ, hiệu quả, khích lệ những lao động khác noi gương học tập. Đến tận bây giờ, nhiều công nhân sau này có dịp gặp lại họ tâm sự với ông rằng, ấn tượng nhất những ngày tham gia chiến dịch trồng 1.008 héc-ta cà phê có lẽ là chiếc loa phóng thanh của Nông trường.  
Kết thúc Chiến dịch với đợt phát động cao điểm trồng cà phê trong 3 tháng mùa mưa năm 1978, 1.008 ha cà phê đã hoàn thành.  Nhìn lại những gì đã làm, ông bảo bí quyết thành công của chiến dịch là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố mà chung quy ông gọi bằng từ “dân vận khéo”.

Những kiện tướng trong Chiến dịch trồng 1.088 héc-ta cà phê năm 1978.
Những kiện tướng trong Chiến dịch trồng 1.088 héc-ta cà phê năm 1978.
Câu chuyện của một kiện tướng trồng cà phê
Ông Lê Văn Ba
Ông Lê Văn Ba
Nói như ông Dũng, chiến dịch 1.008 ha cà phê thành công có nhiều yếu tố và cuộc thi kiện tướng cà phê cũng là một trong những động lực, tạo nên phong trào thi đua lao động sản xuất, hoàn thành thắng lợi chiến dịch. Đội sản xuất Phước Hòa, xã Ea Yông năm ấy được xếp loại A với 3/6 người đạt danh hiệu kiện tướng. Câu chuyện của ông Lê Văn Ba, một trong số kiện tướng trồng cà phê năm 1978 minh chứng thêm cho tinh thần lao động hết mình. Ông tâm sự: Ngày đó mọi thứ đều được bao cấp, nhưng ai cũng hăng hái, vinh dự khi được tham dự giải kiện tướng dù hằng tháng chẳng được bao cấp thêm gì. Các đội sản xuất phải tiến hành họp, bình bầu dựa trên tiêu chí làm khỏe, nhanh và hiệu quả. Việc bình bầu cũng căng thẳng, gay cấn lắm vì đơn vị nào cũng muốn khẳng định “thương hiệu”, ông nhấn mạnh. 

Sau khi lựa chọn kỹ càng, đội sản xuất Phước Hòa chọn được 6 lao động tiêu biểu nhất trong tổng số 40 lao động của đội để tham gia. Không có tình trạng cha chung không ai khóc, khí thế lao động rất sôi nổi, làm ra làm chơi ra chơi. Gia đình nào có con nhỏ thì đi gửi nhà trẻ của Nông trường từ sớm. Mọi người đem theo cả chăn chiếu lên nương rẫy, một ngày làm việc bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến khi không nhìn thấy mặt người mới  nghỉ. Thế nên ngày đó cả Nông trường mới kháo vui với nhau rằng từ trẻ đến già ăn với chiến dịch, ngủ với chiến dịch. Nông trường chia thành các tổ và phân vùng để trồng cà phê. Tiêu chuẩn để đạt kiện tướng là mỗi người trồng được 50-60 cây/ngày. Một ê-kíp trồng gồm 3 người: người đào hố, người gánh cây và người trồng. Ê-kíp của ông làm vượt chỉ tiêu với thành tích trồng hàng trăm cây mỗi ngày. Ông còn nhớ ngoài việc được đọc tên biểu dương trên loa, cuối chiến dịch, Nông trường tổ chức tổng kết, trao danh hiệu kiện tướng trồng cà phê và phần thưởng cho mỗi kiện tướng là một bộ quần áo. Phần thưởng tuy không lớn nhưng ai cũng phấn khởi bởi có lẽ hơn tất thảy những giá trị vật chất khác là mọi người được lao động trong một dân tộc tự do, độc lập, ai cũng hừng hực khí thế góp sức dựng xây đất nước sau những năm dài chiến tranh bom đạn. Và theo ông đó cũng là mấu chốt của tinh thần lao động hăng say, không vụ lợi, toan tính khi thực hiện chiến dịch trồng 1008 ha cà phê ngày ấy.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc