Multimedia Đọc Báo in

Chuyện vượt ngục của người con buôn làng Tây Nguyên yêu nước

09:49, 31/08/2011

Sinh năm 1942, là người con của buôn ADrơng, xã Cư Né, huyện Krông Buk, khi đang còn học sinh, chàng trai Y Rang đã hăng hái cùng bạn bè gác bút nghiên, sách vở để đi thoát ly, tham gia cách mạng. Khi ấy là năm 1960 – anh vừa tròn 18 tuổi. Được làm việc cho cách mạng, anh đã phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và chỉ 3 năm sau đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ngày 20 – 5 – 1967 khi đang là Trung đội trưởng, làm bảo vệ trại giam (trại cải tạo), theo sự phân công công tác về tại H5 mở phiên tòa xử lính Mỹ - ngụy, trên đường về thăm gia đình thì ông bị địch bắt. Tên chỉ điểm cho lính bắt ông là Y Tap Niê, vốn người cùng quê, theo Mỹ - ngụy, biết ông về thăm nhà nên đã dẫn lính ngụy phục kích, vây bắt.

Ông bị giải lên Nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây chúng đánh đập, dùng mọi ngón đòn dã man, tàn bạo, kể cả dùng cực hình tra tấn bằng điện nhưng ông vẫn kiên quyết, một mực không khai báo. Suốt một năm trời chúng giam giữ, tra khảo nhưng không khai thác được thêm điều gì đành đưa ông về trại giam Pleiku (Gia Lai) rồi chuyển đến nhà lao Phú Quốc. Ở nhà lao Phú Quốc ông tham gia sinh hoạt chi bộ của những người tù yêu nước, cùng anh em tiến hành các phong trào đấu tranh sôi nổi như chống chào cờ địch, tuyệt thực phản kháng… “Có lần bên ta phản kháng mạnh mẽ. Chúng tôi xếp hàng ngay sân hô khẩu hiệu đả đảo, chống đối. Lúc đó anh em chúng tôi không một ai sợ chết vì xác định tư tưởng trước sau gì cũng chết. Bọn chúng xả súng bắn, hàng loạt người ngã xuống… Đợt ấy nhiều đồng chí đã hy sinh. Có những đồng chí bị bọn chúng quăng mất xác nên đến bây giờ người thân vẫn chưa tìm kiếm được…”, ông kể lại điều ấy mà giọng nói như nghẹn lời, xúc động. Có lẽ những hình ảnh ngày ấy cùng những kỷ niệm, những đớn đau của cực hình mà ông đã chịu đựng tại các nhà lao sẽ mãi in hằn cùng ông theo năm tháng, trong đó có câu chuyện kể về lần vượt ngục bất thành tại nhà lao Phú Quốc.

Y Rang và vợ.
Y Rang và vợ.
“Lần ấy đồng chí Bốn, Bí thư Chi bộ tù nhân nhà lao Phú Quốc tổ chức vượt ngục. Chúng tôi bàn kế hoạch đào hầm từ phòng giam (cửa hầm ngay dưới gầm giường tôi nằm) kéo dài cho đến tận pháo đài với mục tiêu bất ngờ đánh lấy pháo đài để địch trở tay không kịp, nếu có cơ hội thì chiếm lấy đảo hoặc nếu không thì vượt ngục trốn thoát. Lương thực phải chuẩn bị sẵn sàng bằng cách mỗi bữa ăn chỉ dùng một nửa, còn một nửa thì đem phơi khô để dành làm lương thực cho cuộc vượt ngục sau này. Bàn bạc, thống nhất kế hoạch xong, chúng tôi tiến hành đào hầm. Gần hai tháng liền, liên tục không ngừng nghỉ, thay phiên nhau dùng nắp ca-men để đào, vậy mà một đường hầm dài mười mấy mét cũng hoàn thành. Khi ấy chúng tôi sợ địch phát hiện nên chỉ dám đào hầm lén, vừa canh chừng bọn chúng vừa đào. Trước đó chúng tôi xin giám thị vớt lại cái giếng cạn nên trong thời gian vớt giếng cũng tiến hành đào hầm luôn. Do vậy đất đào hầm được chúng tôi lén giấu trong ca-men, đợi lúc đi làm mang đổ vào phần đất đào của giếng cạn. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, chỉ đợi đến giờ G là hành động. Thế nhưng cũng chỉ một chuyện nhỏ mà làm kế hoạch không thành. Đó là khi chúng tôi bắt đầu đi theo lối đường hầm để vượt ngục, có một anh đi trước túi ni-lông đựng lương thực bị rách, làm cơm rơi vãi ngay trước cửa hầm. Địch phát hiện, chỉ có 7 đồng chí đi trước thoát được, những người đi sau như chúng tôi đều bị bắt lại…”.

Sau đợt trốn thoát không thành ấy, trên người ông lại hằn thêm những vết thương của đòn roi tra tấn. Bao đồng đội vượt ngục bị bắt lại cùng ông đợt ấy đều chúng bị tra tấn dã man, điên cuồng nhằm tìm hiểu kế hoạch và người đứng đầu tổ chức. Nhưng tất cả đều lựa chọn cách im lặng, không khai báo. Riêng ông được chúng “ưu ái” cho tên Nhu - trung sĩ nhất, tra khảo. Tên này nổi tiếng tàn ác, dùng đủ mọi thủ đoạn, cực hình mà nó nghĩ ra để áp dụng tra khảo, thậm chí dùng cả kìm để bẻ 4 chiếc răng hàm của ông vỡ vụn. Nỗi đau về thể xác không làm lung lay ý chí của những người cộng sản mà càng làm sáng lên bản lĩnh, sự kiên cường, anh dũng.

Ông bị giam giữ cho đến năm 1973 thì được ra tù theo chương trình trao trả tù binh. Trở về địa phương ông được đơn vị phân công công tác nằm vùng trên địa bàn huyện Krông Buk, làm Trưởng ban Công an xã Pơng Drang, rồi xã Cư Né. Trong khoảng thời gian đó ông đã cùng đồng đội truy quét tàn quân Fulrô, lập được chiến công là bắt sống một tên đại úy Fulrô, thu được một khẩu súng.

Đến nay tuy đã nghỉ hưu, nhưng ngoài công việc chăm sóc vườn tược, ông vẫn hăng say công tác xã hội, giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình. Sống vui, sống khỏe, giúp ích cho đời là tâm niệm mà ông đang thực hiện khi bước sang cái tuổi 69 của buổi chiều bóng xế.

Lan Anh – Hoàng Gia

Ý kiến bạn đọc