Multimedia Đọc Báo in

Theo bước hành trình đi tìm đồng đội

16:47, 11/08/2011

Những giọt nước mắt của thân nhân liệt sĩ khi đón hài cốt các anh, chị - những chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên địa bàn tỉnh Munđunkiri (Campuchia) trở về với đất Mẹ yêu thương – cuộc đoàn tụ dẫu có muộn màng và đau thương nhưng luôn lắng đọng trong chiều sâu tâm khảm. Và để là nhịp cầu nối của bao lần đoàn tụ ấy, các chiến sĩ của Đội K51 vẫn luôn âm thầm băng rừng, lội suối, không quản vất vả ngày đêm, ròng rã 10 năm để làm tốt nhiệm vụ, làm tròn trách nhiệm, tình cảm, lương tâm để trọn nghĩa, vẹn tình với những người đã ngã xuống…

Hành trình đi tìm đồng đội của Đội K51.
Hành trình đi tìm đồng đội của Đội K51.
Những phiến đá khắc ghi phiên hiệu
Một buổi chiều của ngày cuối tháng 7 chúng tôi tìm đến Đội K51 mong được hiểu thêm về công việc khó nhọc của những người mang trọng trách tìm kiếm, quy tập, cất bốc hồi hương hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia trong các thời kỳ chiến tranh. Trong căn phòng nhỏ còn vương lại chút mùi ngai ngái, hoai hoải của những chuyến đi, bên cạnh chiếc tủ để một số di vật của liệt sĩ như chiếc ăng-gô, dây thắt lưng, kẹp tóc ba lá… còn có hàng trăm phiến đá được xếp chồng lên nhau. Có những phiến to bản trên khắc đầy đủ họ tên, quê quán, năm sinh, năm mất của liệt sĩ và có cả những phiến đá không còn nguyên vẹn, nhỏ bằng bề ngang của một bàn tay khép lại, bên trên chỉ ghi một vài con số đã bị thời gian bào mòn làm mờ nhạt, không rõ ràng… Những phiến đá ấy cũng được các thành viên Đội K51 trân trọng, mang về qua từng chuyến đi - đó là những bia mộ, là “máy dò tìm”, là tín hiệu để Đội K51 căn cứ, xác định, từ đó đào sâu xuống từng mét đất tìm kiếm di hài.

Mỗi phiến đá như mang theo mình từng câu chuyện kể, ẩn trong đó là những thông tin mong chờ được giải đáp: Trịnh Đ. Tơn, hy sinh 1983; Nguyễn Thị Thanh Tâm, hy sinh 1968; Nguyễn Văn Thắng; 16; 4;… từng dòng chữ, con số được đồng đội của những người đã khuất khắc vội trong thời gian cấp bách, thiếu thốn phương tiện của thời chiến là những thông tin quý báu để xác định danh tính, quê quán, đơn vị, năm sinh, năm mất của liệt sĩ. Bởi bị bào mòn qua thời gian, bởi không còn vẹn nguyên và mờ nhạt, bởi nhiều nguyên do trong điều kiện chiến tranh nên từ hàng trăm phiến đá ấy chỉ xác định được 22 liệt sĩ với đầy đủ danh tính, quê quán, năm sinh và một phần chỉ biết được tên, tuổi mà không rõ quê quán; số còn lại vẫn là những dấu hỏi lớn về những liệt sĩ chưa xác định được tính danh…

Và từ những phiến đá ấy, hình ảnh về những cánh rừng thuộc các địa danh: Ôrang, Pakchămđa, Cônhét, Keosơma và nhiều phum, sóc khác của nước bạn Campuchia cũng như được hiện ra, nhắc nhở: Giữa âm thanh của thác, suối đại ngàn, núi rừng mênh mông vẫn còn đâu đó trên đất bạn những di hài chưa được trở về quê hương đất mẹ…

Các thành viên Đội K51 tiến hành cất bốc mộ liệt sĩ trên đất Campuchia.
Các thành viên Đội K51 tiến hành cất bốc mộ liệt sĩ trên đất Campuchia.
Và hành trình 10 năm tìm kiếm
Trong ký ức của người Đội trưởng đầu tiên của Đội K51, Đại tá Lê Văn Tám, tháng ngày gian nan đi tìm di hài liệt sĩ của thuở ban đầu mới thành lập Đội là những kỷ niệm không bao giờ quên. Trong cánh rừng khộp nắng cháy của mùa khô trên đất bạn, có những khi đi hàng tiếng đồng hồ không tìm được một giọt nước nào, vừa khát, vừa mệt; đến khi tìm được nguồn nước thì chỉ là một vũng nước đọng, cả người và thú rừng đều cùng dùng. Có những đoạn không có đường đi, cả Đội lại cùng nhau vừa đi vừa dọn đường, có nhiều chỗ xe không qua được phải hành quân bộ cả trăm cây số, trên lưng mang theo lương thực, thực phẩm, dụng cụ hậu cần để ăn ở dã ngoại trong vài ngày… Nhưng những gian nan đó lại chẳng thấm vào đâu so với nỗi day dứt khi không tìm được hài cốt đồng đội. Có những chuyến đi xác định được địa điểm, bắt gặp được những dấu tích chiến  tranh nhưng lại không có sơ đồ, mộ chí nên cứ phải sục sạo, kiếm tìm. Có lúc 5-7 ngày ròng rã tìm kiếm rồi đành phải về không, nhưng cũng có những đợt tìm thấy được 15-20 di hài. Những lần tìm được như vậy, mọi nỗi mệt nhọc như được xua tan; đêm nằm ngủ giữa quây quần hài cốt đồng đội lại thấy lòng yên tĩnh, thanh thản lạ thường…

Với Thiếu tá Bùi Quang Thành, người đã 10 năm gắn bó với Đội và hiện là Đội trưởng Đội K51, 10 năm làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ là quãng thời gian trưởng thành cả về tuổi đời và tuổi nghiệp. Anh cho biết: Do thời gian mai táng các liệt sĩ đã lâu, địa hình ở các khu vực nghi có mộ liệt sĩ thay đổi biến dạng nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khảo sát, tìm kiếm; bên cạnh đó số người dân biết về thông tin mộ liệt sĩ ngày càng ít, do vậy công việc thu thập tin tức, tìm kiếm các dấu vết về mộ liệt sĩ ngày càng khó khăn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ và trọng trách của mình, trong thời gian qua bên cạnh công tác tìm kiếm, quy tập, Đội K51 đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền đến nhân dân tỉnh Munđunkiri như: phát hành tờ rơi bằng 2 thứ tiếng (Việt Nam và Campuchia); làm việc với cán bộ các huyện, xã của bạn để đề nghị họ thông báo cho người dân về công việc mà Đội K51 đang thực hiện trên địa bàn; trực tiếp đến các phum, sóc khám chữa bệnh, tặng quà người dân, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân cung cấp thông tin cho Đội… Có thể nói, với tình cảm chân thành Đội K51 đã góp phần xây dựng mối đoàn kết, để lại dấu ấn về tình cảm tốt đẹp của bộ đội Việt Nam trong lòng nhân dân nước bạn, từ đó Đội đã được chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân Campuchia tận tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đội thực hiện nhiệm vụ.

Trải qua 10 mùa khô đầy nắng gió, Đội K51 đã xây dựng kế hoạch khảo sát, thu thập thông tin bằng nhiều hình thức và tiến hành đào bới hàng nghìn vị trí với hàng chục nghìn mét khối đất, đá; đã tìm kiếm, quy tập, hồi hương được 561 hài cốt, đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Và với mỗi thành viên Đội K51, công tác tìm kiếm, quy tập vẫn, sẽ và mãi mãi không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm, lương tâm, là mệnh lệnh của trái tim trong mỗi hành trình làm cầu nối đưa những di hài liệt sĩ nơi bên kia biên giới Tổ quốc trở về với đất Mẹ yêu thương.

Lan Anh – Hoàng Gia

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.