Sáng mãi ngọn lửa Xô Viết Nghệ Tĩnh
Cách đây 81 năm, dưới ánh sáng soi đường của Đảng và Bác Hồ kính yêu, nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã anh dũng đứng lên làm cuộc cách mạng long trời chuyển đất với đỉnh cao Xô Viết anh hùng. Lịch sử đã sang nhiều trang mới nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn là một mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam, trở thành ngọn lửa thiêng thắp sáng con đường đấu tranh vì độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Xô Viết Nghệ Tĩnh - Xô Viết Việt Nam đầu tiên trong lịch sử Đảng ta - là sự phát triển tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931. Gần 100 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh từ ngày 1-5-1930 đến tháng 8-1930 là “đêm trước” của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau cuộc tổng bãi công của công nhân Bến Thủy - nơi “đứng đầu dậy trước”, là những cuộc biểu tình khổng lồ của quần chúng từ nông thôn kéo đến huyện lỵ, mà điển hình là cuộc biểu tình của 3.000 nông dân huyện Nam Đàn (30-8); 20.000 nông dân huyện Thanh Chương (1-9); 3.000 nông dân huyện Can Lộc (7-9)… đã làm cho chính quyền đế quốc và phong kiến, bọn tổng lý, cường hào ở đây khiếp sợ. Liền sau những cuộc thị uy ấy, những cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang tự vệ, sục sôi, dồn dập, liên tiếp của quần chúng ở thôn xã, liên xã và tổng từ ngày 2-9-1930 đến tháng 6-1931 đã làm tan rã và sụp đổ bộ máy chính quyền của đế quốc và phong kiến ở cơ sở.
Quá trình sụp đổ của chính quyền địch cũng đồng thời là quá trình hình thành các Xô Viết ở hàng trăm làng xã. Tại Nghệ An, Nông hội nắm chính quyền ở các làng xã thuộc huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần thuộc huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Diễn Châu. Ở Hà Tĩnh, chính quyền Xô Viết hình thành ở 172 xã, phần lớn thuộc các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ. Chính quyền Xô Viết ở những vùng đất này đã thực hiện quyền làm chủ của quần chúng, điều hành mọi mặt đời sống xã hội. Về chính trị thì ban bố quyền tự do dân chủ, tổ chức cho quần chúng tham gia các đoàn thể cách mạng, tự do bàn bạc, góp ý kiến giải quyết các vấn đề xã hội; phổ biến sách báo cách mạng; trừng trị bọn phản cách mạng, quản chế hào lý, giữ gìn trật tự an ninh. Về kinh tế, chia lại công điền, công thổ cho cả nam lẫn nữ, thực hiện giảm tô, xóa nợ; thủ tiêu các thứ thuế vô lý; tổ chức cứu đói, đào mương chống hạn, củng cố đê điều, giúp nhau sản xuất. Về văn hóa-xã hội, mở trường, mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ, bài trừ hủ tục, mê tín; thực hiện nếp sống lành mạnh trong cưới xin, ma chay; tổ chức cứu tế người nghèo, phát triển thơ ca, cổ vũ tinh thần yêu nước cách mạng…
Xô Viết Nghệ Tĩnh, cao trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo năm 1930-1931. (Ảnh: Tư liệu) |
Dưới chính quyền Xô Viết, cảnh tượng ở làng xã luôn tưng bừng như ngày hội. Cán bộ đảng viên thì ngày đêm quên mình lo tính mọi việc cho quần chúng. Vui nhất là các chị em phụ nữ, ngoài việc tham gia sinh hoạt đoàn thể của mình, họ còn tham gia hội họp bàn định việc công như nam giới, gia nhập đội tự vệ, chỉ huy đoàn biểu tình … Các em thiếu nhi vào các Đội đồng tử quân. Phong trào quần chúng lên cao, lan rộng lôi kéo cả những phú ông vào cuộc. Trật tự trị an được giữ vững, những tập quán hủ bại bị tẩy chay. Tinh thần đoàn kết, tình yêu thương tương trợ lẫn nhau cả trong sinh hoạt, sản xuất và đấu tranh lên rất cao. Lòng tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng biểu hiện rõ rệt.
Run sợ trước sức tiến công mãnh liệt của cách mạng, đế quốc Pháp và tay sai đã quyết dìm phong trào Xô Viết trong biển máu. Trận ném bom rất dã man xuống đoàn biểu tình của 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên ngày 12-9-1930, giết chết 217 người, làm bị thương 125 người đã nói lên toàn bộ chính sách khủng bố trắng của chúng. Ngay sau cuộc khủng bố, Tỉnh ủy Nghệ An đã phát động phong trào chống khủng bố trắng. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân Hưng Nguyên, nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra. Ngay tối ngày 12-9, Huyện ủy Nam Đàn đã lãnh đạo hàng nghìn nông dân nổi trống mõ, biểu tình đến huyện lỵ. Binh lính Pháp tại huyện lỵ xả súng bắn chết 2 người. Quần chúng đưa hai người hy sinh đó về làm lễ tang trọng thể để vạch tội ác của đế quốc và phong kiến. Tường thuật cuộc đấu tranh này, báo “Người lao khổ”, cơ quan của Xứ ủy Trung Bộ, số 13, ra ngày 18-9-1930 viết: “Tin cuộc thảm sát sáng ngày 12 ở gần phủ Hưng Nguyên truyền đến thì tức khắc ngay đêm bữa đó, 5.000 anh em nông dân Nam Đàn tụ họp biểu tình sống chết với đế quốc Pháp để bênh vực những anh chị em bị hại. Anh chị em phá cầu, triệt đường, rồi đánh trống phất cờ tiến đến huyện Nam Đàn. Ai nấy đều một lòng căm tức đế quốc... Thái độ can đảm hy sinh lạ thường của anh chị em làm cho thằng huyện phải kinh sợ !”. Cũng ngay trong đêm 12-9, hơn 4.000 nông dân huyện Thanh Chương cũng biểu tình phản đối cuộc khủng bố và làm lễ truy điệu những người hy sinh. Sáng 13-9, công nhân các nhà máy ở Bến Thủy bãi công để phản đối vụ thảm sát Hưng Nguyên. Từ đây, thời kỳ quyết liệt và đẫm máu nhất bắt đầu: đế quốc Pháp ra sức khủng bố bằng lực lượng quân sự và cảnh sát vào các làng đỏ để vực dậy các thây ma chính quyền của chúng. Tên toàn quyền Đông Dương Pasquier và khâm sứ Trung Kỳ Lefol đã phái đến Nghệ Tĩnh những tên thực dân và tay sai sừng sỏ, khát máu nhất. Ngoài số 250 tên lính lê dương ở Vinh, chúng còn điều thêm loại lính này từ Huế ra, từ Pháp, Angiêri, Ma-rốc sang. Nhưng chính sách khủng bố trắng cực kỳ dã man của chúng chẳng những không dập tắt được ngọn lửa của cách mạng mà trái lại nó đã trở nên một thứ “lửa thử vàng”. Nhân dân Nghệ Tĩnh kiên quyết đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang tự vệ để chống khủng bố trắng nhằm bảo vệ chính quyền Xô Viết và những thành quả của cách mạng đã giành được. Các tầng lớp công nhân, nông dân trong cả nước đã đứng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức, với khẩu hiệu “Ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ”. Tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, phong trào đấu tranh của quần chúng dần dần lắng xuống; các Xô Viết lần lượt bị dập tắt trong tháng 6-193.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tuy không đi đến thành công, nhưng ảnh hưởng của nó đã vang dội trong cả nước và trên thế giới. Năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này” (Hồ Chí Minh tuyển tập-NXB Sự thật, HN-1960).
Ý kiến bạn đọc