Sáng ngời khí phách người cộng sản
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên (nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 4 tuổi mồ côi cha, đến 6 tuổi lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng Trần Phú là người có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên trong học tập.
![]() |
Đồng chí Trần Phú (1904 – 1931) |
Sau ba năm miệt mài học tập tại Liên Xô, mùa xuân năm 1930, ông bí mật trở về nước hoạt động. Tháng 7-1930, sau khi được bổ sung vào Ban Chấp hành lâm thời Trung ương Đảng, ông được giao nhiệm vụ soạn dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Bản Luận cương được khởi thảo trong tầng hầm ngôi nhà của một quan chức thực dân Pháp ở phố Giăng Xôle (nay là số nhà 90 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội). Tháng 10-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo. Luận cương khẳng định: “Cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo, có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và tiến lên xã hội chủ nghĩa”. Luận cương chính trị là sản phẩm của trí tuệ tập thể, song trong đó có phần đóng góp xuất sắc của đồng chí Trần Phú - người trực tiếp khởi thảo và hoàn chỉnh. Đó là kết quả vận dụng đúng đắn những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; là sự phát triển, cụ thể hóa “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề ra trong buổi đầu mới thành lập Đảng. Tại Hội nghị, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Trên cương vị này, ông đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức như đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận, tuyên truyền của Đảng, ra báo “Cờ vô sản” và Tạp chí “Cộng sản”; trực tiếp chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 12-1930, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 1-1931 và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn tháng 3-1931. Dưới sự chủ trì của đồng chí, các quyết nghị của Trung ương giai đoạn này đã góp phần đưa phong trào cách mạng Đông Dương phát triển lên một tầm cao mới.
Trong lúc đang hăng hái hoạt động, xây dựng và lãnh đạo phong trào thì do có kẻ phản bội khai báo, ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú đã bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, TP. Hồ Chí Minh). Biết Trần Phú là lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp và bọn tay sai đã đưa ông về giam giữ ở Khám lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, sức khỏe của ông giảm sút nhanh chóng, bệnh tình ngày một trầm trọng. Ngày 6-9-1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn khi tuổi đời còn rất trẻ (27 tuổi). Trước lúc đi xa, ông đã có lời nhắn lại với anh em đồng chí : “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã trở thành câu khẩu hiệu nằm lòng của biết bao thế hệ chiến sĩ cộng sản trên con đường đấu tranh giành lại độc lập-tự do cho dân tộc. Tổng Bí thư Trần Phú không còn nhưng con đường tiến lên phía trước của cách mạng Việt Nam - con đường mà Bác Hồ đã lựa chọn từ những năm 20 của thế kỷ XX, và đồng chí Trần Phú đã góp phần dự thảo trong “Luận cương chính trị” của Đảng từ những năm 1930 đã trở thành hiện thực trên đất nước ta với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945, Chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1954) và Đại thắng mùa xuân năm 1975… Con đường đó ngày nay vẫn còn là hành trình của những người Việt Nam yêu nước đang quyết tâm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Ý kiến bạn đọc