Áng hùng văn thuở ấy và sức lan tỏa diệu kỳ...
Cách đây 65 năm, vào những ngày cuối năm 1946, thực dân Pháp đã không đáp lại thiện chí hòa bình của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng ta mà có những hành động khiêu khích vô cùng trắng trợn. Trước tình hình đó, ngày 18 và 19-12-1946, Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc. Ngày 19-12, Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến đã hiệu triệu nhân dân Việt Nam nhất tề đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Có thể nói, tiếp theo Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến là văn kiện thứ hai, như một áng hùng văn, đề cập đến mục tiêu chính trị của cuộc cách mạng và cuộc kháng chiến, đó là Độc lập-Tự do-Hạnh phúc, là khát vọng của một dân tộc bị mất nước, bị nô lệ gần 100 năm. Bởi thế, khi Lời kêu gọi vừa mới được phát đi, ngay lập tức, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đồng lòng hưởng ứng.
Quân và dân Hà Nội chiến đấu, giành giật với địch từng góc nhà, đường phố (tháng 12-1946). Ảnh: T.L |
65 năm trôi qua, nhưng làm sao chúng ta quên được lời kêu gọi hào hùng thuở ấy: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên ! Bất kỳ đàn ông , đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước …”. Lời kêu gọi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng của Hồ Chủ tịch về chiến tranh nhân dân, về vai trò quần chúng trong lịch sử. Người luôn cho rằng: “Phải dựa vào dân, có dân là có tất cả”. Những gì đã diễn ra trong quá khứ đấu tranh giữ nước của dân tộc là những minh chứng về sức mạnh của nhân dân, về quan điểm “có dân là có tất cả”. Nhân dân đối với Hồ Chí Minh là toàn dân Việt Nam không phân biệt già trẻ, trai gái, giai cấp, đảng phái, dân tộc. Người giải thích toàn dân kháng chiến nghĩa là ai cũng phải đánh giặc. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ ai cũng tham gia kháng chiến. Tổ quốc là Tổ quốc chung. Tổ quốc độc lập thì ai cũng được tự do, nếu mất nước thì ai cũng phải làm nô lệ. Điểm mới trong tư tưởng của Người về toàn dân kháng chiến là ở chỗ Người đã tìm thấy điểm tương đồng, chất keo kết dính các tầng lớp, giai cấp, dân tộc chính là lợi ích tối cao của dân tộc. Đây là nguyên tắc sống còn được Người khái quát ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc: dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết.
Cùng với kêu gọi toàn dân kháng chiến, Người kêu gọi anh em binh sĩ, tự vệ dân quân phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn non sông đất nước: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước…”. Đây chính là sự cụ thể hóa quan điểm về thực hiện toàn dân kháng chiến lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Quan điểm đó của Người đã được Đảng ta vận dụng phát triển sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Trên cơ sở động viên toàn dân kháng chiến, Đảng đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ. Đây chính là phương thức tổ chức lực lượng thích hợp nhất để động viên và tổ chức toàn dân đánh giặc, kết hợp được lực lượng nòng cốt với lực lượng rộng khắp của toàn dân, lực lượng cơ động và lực lượng tại chỗ trên cả nước và từng khu vực để tạo nên sức mạnh lớn nhất tiêu diệt quân thù. Kết thúc Lời kêu gọi, Hồ Chủ tịch khẳng định niềm tin tất thắng: “Dù gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm ! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.
Lời kêu gọi như một áng hùng văn có sức lan tỏa diệu kỳ tiếp sức cho cả dân tộc, thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kiên quyết đứng lên chống kẻ thù chung với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tại Hà Nội, cuộc chiến diễn ra với phương châm “trong ngoài cùng đánh”. Trong 60 ngày đêm, quân dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2000 tên địch, phá hủy hơn 100 xe, bắn chìm một ca nô, bắn rơi và phá hủy 5 máy bay. Tại Hải Dương, Trung đoàn 44 (Chiến khu 3) cùng tự vệ, du kích làm tê liệt một số đơn vị quân Pháp ở Trường Nữ học, cầu Phú Lương, đánh địch trên đường số 5, ngăn chặn quân tiếp tế của Pháp từ Hải Phòng lên Hà Nội. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Trung đoàn Bắc-Bắc (Chiến khu 12) tiến công tiểu đoàn địch chiếm đóng thị xã Phủ Lạng Thương, sân bay Hạ Vĩ, trại bảo an binh (thành Bắc Ninh). Tại Nam Định, Trung đoàn 34 (Chiến khu 2) và gần 1000 tự vệ thành, được nhân dân nội-ngoại thành và tỉnh Thái Bình chi viện tiến công địch… Trung đoàn được Bác Hồ tặng danh hiệu “Trung đoàn Tất Thắng”. Tại Vinh, một đại đội của Trung đoàn 57 (Chiến khu 4) cùng một đại đội tự vệ thành bao vây tiến công một trung đội Pháp ở Sở Canh nông, ở đề-pô-ga và sân bay Nghi Lộc. Tại Huế, Trung đoàn Trần Cao Vân (Trung đoàn 101) và một số đơn vị tiếp phòng quân, tự vệ cùng nhân dân địa phương diệt gần 200 tên địch, duy trì cuộc chiến đấu ở nội thành trong 50 ngày đêm. Còn tại Đà Nẵng, cuộc chiến đấu diễn ra trong 90 ngày đêm. Trung đoàn 93, trung đoàn 96, các đơn vị tự vệ, công an, biệt động diệt hàng trăm tên địch. Đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tặng quân và dân Đà Nẵng lá cờ “Giữ vững”… Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp vẫn còn tiếp diễn. Sau 9 năm kháng chiến, với ý chí, sức mạnh và bản lĩnh Việt Nam, với kết quả về sức lan tỏa của áng hùng văn, quân dân ta đã làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. 21 năm sau, đội quân bách chiến bách thắng của Người lại cắm tiếp lá cờ chiến thắng lên nóc dinh Độc Lập. Mỹ cút-ngụy nhào, đất nước vui niềm vui trọn vẹn trong hòa bình, thống nhất…
65 năm đã trôi qua, nhưng áng hùng văn sáng chói những nét đặc sắc về tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những quan điểm của Người về chiến tranh nhân dân thì vẫn còn đó và tiếp tục là ngọn lửa sáng truyền kỳ soi đường chỉ lối cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới hội nhập và phát triển…
Nguyễn Thị Thọ
--------------
TLTK: Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV; Sự kiện và nhân chứng, số 129 (9-2004); Việt Nam - những sự kiện lịch sử 1945-1975.
Ý kiến bạn đọc