Bác Hồ và Cụ Huỳnh Thúc Kháng
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một nhà cách mạng xuất sắc, một nhà thơ yêu nước, một nhà báo tài năng, một nhà nho cương trực, một nhà dân chủ lớn. Lúc sinh thời, giữa cụ Huỳnh và Chủ tịch Hồ Chí Minh có mối quan hệ rất đặc biệt. Tình cảm giữa Bác Hồ và cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng vì vậy mà rất sâu nặng và đầy cảm động.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) |
Có thể khẳng định rằng, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ Huỳnh có cái nhìn chưa đúng về những người cộng sản và chủ nghĩa cộng sản. Đó cũng là thời kỳ cụ chỉ biết một Việt Nam có hai nhà “đại ái quốc”, “tương phản nhi tương thành” là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ Huỳnh được biết rõ thêm một lãnh tụ kiệt xuất, đó là Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng chủ trương cùng một lúc đánh đổ cả ngai vàng phong kiến và ách xâm lược của thực dân hoàn toàn dựa vào lực lượng của nhân dân. Lại càng đặc biệt hơn khi cụ được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, người mà trước đó Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã đặt vào tất cả niềm hy vọng. Hình ảnh Bác Hồ và thành công của Cách mạng Tháng Tám đã truyền sang cho cụ Huỳnh một luồng sinh lực mới. Chính vì thế mà vào dịp Tết độc lập đầu tiên (Tết Bính Tuất 1946), cụ Huỳnh đã có bài thơ “Mừng Tết Độc lập” đầy hân hoan: “… Cái Tết năm nay mới lạ lùng/ Mới ngày, mới tháng, mới non sông/ Dân hăm lăm triệu quyền ông chủ/ Nước bốn ngàn năm của tổ chung/ “Cứu quốc” lòng đà rèn một khối/ “Tự do” mầm ướm trổ trăm bông/ Cho hay người muốn trời chìu đấy/ Trận thắng năm nay trận cuối cùng”. Có Bác Hồ, cụ Huỳnh vui mừng nhận thấy lịch sử dân tộc đã bước sang một trang mới với “Con Hồng cháu Lạc, trường ngoại giao vừa ra mắt với hoàn cầu, Tết Độc lập mới tươi, một nén tâm hương, chúc nước tuổi già ra nước trẻ”; “Phác Á hồn Âu, nền nội trị đã vạch đường tự chủ, mầm “dân quyền” nẩy nở, muôn viên đá móng, xây tầng lớp dưới đón tầng trên”.
Chính trong tâm trạng đó, cụ Huỳnh nhận được hai bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ ra Hà Nội tham gia Chính phủ mới. Cuối tháng 2-1946, cụ Huỳnh ra Hà Nội. Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa cụ Huỳnh và Bác Hồ thật là cảm động. Câu nói đầu tiên của Bác Hồ là: “Tôi tưởng đã bỏ thây ở nước ngoài vì mấy chục năm tôi gặp không biết bao nhiêu gian nan và nguy hiểm”. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng vừa khóc vừa nói: “Khi còn ở Côn Lôn, tôi cũng tưởng không có ngày phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân vì án chung thân. Nay gặp cụ tôi hả lắm”. Vậy là, hai nhà lão thành ái quốc có chung tấm lòng yêu nước nhiệt thành, cùng chung hoài bão là phục vụ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, để “nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” đã đến được với nhau. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuốn “Những năm tháng không thể nào quên”, đã kể lại rằng: “Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác và cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều bước vội tới ôm lấy nhau. Bác và cụ Huỳnh bỗng dưng đều ứa nước mắt, đã nhắc đến cụ Phó Bảng ngày xưa bao phen lận đận ra Bắc vào Nam giữa những năm dài tăm tối. Và ngay từ những phút đầu cụ Huỳnh đã thấy ở nhà cách mạng lừng danh mà từ lâu mình khao khát được gặp là người rất thân thiết. Sau buổi gặp Bác, cụ Huỳnh đã nói với một người bạn “Dân ta có được cụ Hồ quả là hồng phúc”. Cụ đã đặt vào Người sự tin cậy hoàn toàn. Mặc dù cụ hơn tuổi Bác nhiều nhưng mỗi khi nhắc đến Hồ Chủ tịch, cụ thường nói: “Đó là vị cha già của dân tộc”.
Có thể nói, bằng tấm gương của chính mình và tấm lòng cầu thị, Bác Hồ đã thuyết phục được cụ Huỳnh làm việc trong Chính phủ mới với chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong cuộc họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam mới, Bác Hồ đã trân trọng giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua. Ánh mắt Bác như vui hẳn lên khi giới thiệu về người đứng đầu Bộ Nội vụ là “một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng”. Sau đó cụ Huỳnh lại được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Gọi tắt là Hội Liên Việt). Đến ngày 7-3-1946 lần đầu tiên cụ ra mắt quốc dân trước tiếng hoan hô vang dậy của hàng vạn đồng bào ở quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Lần đầu tiên quần chúng được tận mắt thấy tai nghe nhà chí sĩ lão thành vẫn hằng ngưỡng mộ. Từ đây cụ Huỳnh càng say sưa đem hết khả năng tâm huyết ra phục vụ Tổ quốc, phục vụ dân tộc. Mối quan hệ giữa cụ và Bác Hồ ngày càng khăng khít. Khâm phục tài năng và đức độ của Hồ Chủ tịch trong câu đối mừng sinh nhật Người vào ngày 19-5-1946, cụ viết: “Mưa Âu gió Mỹ, càng xông pha, khí phách càng kiên cường, năm sáu hoa giáp chẳng già đâu, hai tay rinh nổi quyền dân, xốc vác non sông dồn một gánh”; “Cờ đỏ sao vàng, cùng tin ngưỡng tinh thần cùng phấn khởi hăm lăm triệu quốc dân đồng bào đương ngóng đấy, ba chén nâng cao rượu thọ, vang lừng trời biển tiếng muôn năm”.
Sáng ngày 31-5-1946, Bác Hồ rời Hà Nội đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp. Sắp đến giờ lên máy bay, Bác tới nắm tay cụ Huỳnh nói: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi). Cụ Huỳnh rất cảm động, cầm tay Bác hồi lâu, Bác đã ủy nhiệm cụ Huỳnh làm Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Bác đi vắng. Trong thời gian Bác đi thăm nước Pháp, trong một số ít nhân dân có phần lo lắng, bọn Việt gian lại lợi dụng cơ hội đó để âm mưu làm giảm uy tín của Người. Cụ Huỳnh đã viết bài thơ ca ngợi Hồ Chủ tịch: “Tung hoành bể Sở với non Ngô/ Đảm lược ai hơn Chủ tịch Hồ/ Mưa gió dãi dầu bao tuế nguyệt/ Nước non gây dựng nội cơ đồ/ Sen kia chẳng ngại hôi bùn lấm/ Tùng nọ bao phen ngọn gió xô/ Khắp cả ba kỳ đều tín nhiệm/ Rộn ràng muôn miệng tiếng hoan hô”. Khi các cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, Chính phủ cử nhiều đại diện đi về các tỉnh để xem xét tình hình và vận động nhân dân đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cụ Huỳnh được cử đi kinh lý các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ với danh nghĩa đại diện của Chính phủ Trung ương.
Trong chuyến đi này, cụ Huỳnh đã giải thích cho nhân dân đường lối kháng chiến của Chính phủ, hiểu về Hồ Chủ tịch. Đầu tháng 4-1947, cụ Huỳnh vào Quảng Ngãi. Cụ đã tâm sự với các tầng lớp nhân dân rằng: “Cụ Hồ không phải như nhiều người khác, mượn hai tiếng Cách mạng để rồi làm giàu hoặc làm quan to như các ông tưởng đâu. Cụ Hồ không đồng xu dính túi. Nói về bằng cấp thì ông Hồ không là Tiến sĩ, Phó bảng gì cả. Nhưng nói về trí thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp”. Tình cảm và sự khâm phục của cụ Huỳnh dành cho Bác Hồ là như thế, ngược lại tình cảm của Bác Hồ đối với cụ Huỳnh cũng thật là thắm thiết. Trung tuần tháng 4-1947, cụ Huỳnh lâm bệnh nặng. 9 giờ sáng ngày 21-4-1947, cụ Huỳnh đi vào cõi vĩnh hằng tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thương tiếc và biết ơn người chí sĩ suốt đời vì nước, vì dân, cả nước treo cờ rủ và cử hành tang lễ truy điệu khắp nơi. Trong thư gửi đồng bào cả nước ngày 29-4-1947, Bác Hồ viết những lời ca tụng: “…Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao (…). Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập. (…). Cụ Huỳnh tuy tạ thế nhưng cái chí vì nước, vì nòi của cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng 20 triệu đồng bào chúng ta…”. Gần 1 tháng sau đó, trong một lần nói chuyện với các phóng viên, nhắc đến cụ Huỳnh, Bác lại trầm ngâm buồn và nói: “… Cụ Huỳnh là một nhà cách mạng rất kiên quyết, trung thành. Cụ mất là một điều thiệt thòi lớn cho dân tộc, cho Tổ quốc ta. Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có hàng vạn hàng ức đồng bào theo gương dũng cảm vì nước vì dân của cụ Huỳnh”.
Nguyễn Thị Thọ
Ý kiến bạn đọc