Chuyện về nữ tiếp viên hàng không đầu tiên của Việt Nam và vị “hành khách” đặc biệt
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, song những kỷ niệm về chuyến bay ngày 2-11-1960 đối với nữ tiếp viên hàng không đầu tiên của Việt Nam, cô Nguyễn Phi Phượng vẫn mới như ngày hôm qua. Bởi đó là chuyến bay hết sức đặc biệt với cô khi “hành khách” của phi hành đoàn chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chuyên cơ IL 14 mang số hiệu VN-C482.
Vị “hành khách” đặc biệt
Trong những ngày này, Bảo tàng quân sự Việt Nam phối hợp với Quân chủng phòng không không quân đang gấp rút thành lập đoàn công tác, khảo sát và xác minh lý lịch khoa học cho chiếc máy bay IL 14 mang số hiệu VN-C516 mà Bác đã từng sử dụng nhằm khôi phục và đưa vào trưng bày dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác sắp tới.
Tại thành phố mang tên Bác, tôi đã may mắn được gặp người nữ tiếp viên hàng không đầu tiên của Việt Nam năm xưa phục vụ Bác trong chuyến công tác ở nước bạn Trung Hoa. Chính tại buổi gặp này, tôi đã được nghe cô Phi Phượng kể về những “khoảnh khắc vàng” của cuộc đời mình khi được phục vụ Người.
Trước mặt tôi, cô tiếp viên hàng không xinh đẹp ngày nào giờ đã là một bà lão vào tuổi xưa nay hiếm, song gương mặt vẫn toát lên vẻ thanh tú của một thời xuân sắc. Với giọng đều đều cô kể cho tôi nghe: Đó là vào một sáng mùa đông năm 1960, lúc này cô mới chuyển từ Cục Tình báo – Bộ Công an về công tác ở Cục Hàng không được 4 tháng thì được lệnh cấp trên thông báo: “Ngày mai 2-11-1960, đồng chí Phi Phượng cùng với các đồng chí trong tổ bay IL 14 VN-C482 đi phục vụ Bác trong chuyến công tác tại nước bạn Trung Quốc”.
Nhận lệnh từ cấp trên xong, một cảm giác khó tả vừa hồi hộp, sung sướng và tự hào nhưng cũng xen lẫn lo âu vì không biết mình có hoàn thành tốt nhiệm vụ cao quý được Đảng và Nhà nước giao phó này không. Bởi thực tế ngành Hàng không nước ta lúc bấy giờ vẫn còn sơ khai, chủ yếu phục vụ cho Chính phủ với những lần chở các phái đoàn của Chính phủ đi công tác trong và ngoài nước. Còn hàng không dân dụng hầu như chưa có. Vậy nên tiếp viên cũng không được đào tạo nhiều về nghiệp vụ, chuyên môn mà chỉ học sơ qua về nguyên lý bay, ngoại ngữ…
Nữ tiếp viên Phi Phượng được chụp ảnh cùng với Bác Hồ trên chuyên cơ IL 14 VN-C482 trong chuyến công tác Trung Quốc 2-11-1960 (người thứ ba là đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký của Bác) |
Những ngày bên Bác
Theo cô Phi Phượng, thời đó để đáp máy bay từ Hà Nội sang Bắc Kinh - Trung Quốc phải mất khá nhiều thời gian. Bởi lẽ chuyên cơ IL 14 là máy bay hai động cơ tua bin cánh quạt, tầm bay xa chỉ khoảng 1.700 km, tốc độ 450 km/h, trần bay 6.500m… nên không thể bay thẳng một mạch như ngày nay được. Hơn nữa máy bay nhỏ nên tất cả mọi thứ phục vụ ăn, uống cho Bác và phi hành đoàn trên chuyến bay đều được chuẩn bị sẵn từ mặt đất.
Sáng sớm ngày 2-11-1960, máy bay cất cánh từ sân bay Gia Lâm – Hà Nội bay đến Nam Ninh hạ cánh tiếp nhiên liệu rồi mới tiếp tục đến Vũ Hán lại phải hạ cánh nạp nhiên liệu, cho đoàn nghỉ ngơi dùng cơm trưa, sau đó mới bay thẳng đến Bắc Kinh. Vậy nên từ Hà Nội sang Bắc Kinh phải mất gần 10 tiếng đồng hồ.
Trên chuyến bay hôm đó, cô Phi Phượng vẫn còn nhớ như in khoang hành khách của máy bay có hai hàng ghế thường dành cho đoàn công tác, tiếp đến là chiếc giường của Bác với tấm rèm cửa, bên cạnh chiếc giường là chiếc bàn nhỏ để cho Bác dùng làm việc hoặc tiếp khách. Chiếc giường còn lại ở phía đuôi máy bay dành cho tiếp viên và anh em trong tổ lái nghỉ ngơi.
Trong suốt hành trình bay và những ngày sau đó, nữ tiếp viên Phi Phượng của chúng ta luôn được ngồi cạnh Bác, được Bác quan tâm hỏi han về gia đình, công việc… Chính phong cách giản dị, thân mật của Người đã xua tan hết mọi lo âu lúc đầu, khiến cho nữ tiếp viên Phi Phượng không còn nghĩ đến vị trí của người phục vụ bên cạnh vị lãnh tụ tối cao của đất nước. Mà ở đó chỉ còn lại tình cảm thiêng liêng giữa người cha đối với con, người ông đối với cháu…
Kỷ niệm sâu đậm của cô Phi Phượng là cô thường được đọc báo cho Bác nghe, rồi một lần cô được hát cho Bác nghe bài “Câu hò bên bến Hiền Lương”, sau khi hát xong, Bác vỗ tay khen hay làm cho cô vô cùng sung sướng và cảm động. Hay như lần khi máy bay hạ cánh ở Vũ Hán (Trung Quốc), đoàn thiếu nhi nước bạn mang hoa ra tặng Bác, một em bé đã quàng lên cổ Bác chiếc khăn quàng đỏ. Sau đó, khi lên máy bay Bác tặng lại cho cô chiếc khăn đó làm kỷ niệm, cô nói đó là kỷ vật vô giá của cô và gia đình…
Khi ở Bắc Kinh, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác sắp xếp cho cô được ở cùng nhà khách với các anh bí thư, bác sĩ và bảo vệ của Bác. Vậy nên sáng nào cô cũng có vinh dự pha cà phê cho Bác uống. Mặc dù khi ở thăm nước bạn được phục vụ rất chu đáo và thịnh soạn, song Bác vẫn thích ăn món canh chua cá, thế là cô lại được “trổ tài nữ công gia chánh” phục vụ Bác… Bữa ăn nào cô cũng được ngồi cạnh Bác, còn được Bác gắp thức ăn cho…
Mặc dù thời gian đã rất lâu, song đối với cô mọi hình ảnh của vị “hành khách” đặc biệt trong chuyến bay đầu tiên của đời tiếp viên hàng không đối với cô sẽ không bao giờ phai. Bởi theo cô thì từ ánh mắt, nụ cười, giọng nói, phong cách sống giản dị của Bác không thể phai mờ trong tâm trí của cô và cô tin những ai đã từng làm việc và phục vụ Người cũng sẽ như vậy.
(Theo VHO)
Ý kiến bạn đọc