Dấu ấn Mặt trận Tây Nguyên ngày ấy...
Tây Nguyên, một vùng đất gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh và vĩ đại của dân tộc. Kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên ác liệt, tình đồng chí, đồng đội, tình cảm quân dân thắm thiết qua ký ức của “ người trong cuộc” là những dòng lịch sử hào hùng đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị …
Lập nhiều chiến công đền ơn Bác
Ông Nguyễn Quang Bút nguyên là Đại đội phó Đại đội Công binh 312 Tỉnh đội Dak Lak trong những năm chống Mỹ. Khác với hình dung về một con người từng là “nỗi khiếp đảm” của lính Mỹ và chư hầu trên đường 21 (nay là QL 26) những năm 1965 - 1969 bởi tài bắn B40, ông thật giản dị, hiền hòa, thân thiện và hiếu khách. Với chất giọng mộc mạc đặc trưng Quảng Nam, ông kể về truyền thống hào hùng của đơn vị, trong đó đáng nhớ nhất là trận đánh trên đường 21 vào tháng 9 - 1969. Ông Nguyễn Quang Bút bồi hồi nhớ lại: “Nhận được lệnh của Ban Chỉ huy Mặt trận: Đại đội Công binh 312 cắt đường giao thông chiến lược 21, bám địch đánh nhiều ngày, ngăn cản sự chi viện của địch từ Nha Trang (Khánh Hòa) lên, hỗ trợ đắc lực cho cuộc tiến công nổi dậy tại Buôn Ma Thuột, đơn vị đã cử một trung đội tăng cường cho Buôn Ma Thuột, lực lượng còn lại tập trung trên đoạn đường từ km 65-75 bám đánh địch liên tục. Theo lệ thường sau mỗi trận đánh, đơn vị phải chuẩn bị lực lượng, lương thực cho trận đánh kế tiếp, nhưng sáng hôm ấy, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo Bác Hồ mất, anh em trong đơn vị ôm nhau khóc rồi lặng lẽ vào rừng chặt cây lập bàn thờ, tìm trầm (thay hương) thắp tưởng nhớ và cùng thề lập nhiều chiến công đền ơn Bác. Dù mệt mỏi vì mới tham gia đánh trận tối hôm trước và nhiều anh em đang bị sốt rét rừng hành hạ, mọi người vẫn xung phong ra trận, với lòng căm thù giặc cao độ, quyết tâm chiến đấu đến cùng, đơn vị liên tục phát động các phong trào thi đua như: “Tìm cơ giới địch mà diệt”, “Tìm quân Mỹ ngụy mà đánh”, giành nhiều danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”, “ Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ quyết thắng” và đặt ra chỉ tiêu thi đua, diệt 1 xe cơ giới được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; diệt 1 xe bọc thép hoặc M 113 được thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì…”.
Ông Nguyễn Quang Bút lần giở kỷ niệm những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. |
“Vài ngày sau khi Bác mất, đơn vị nhận được tin Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu sẽ đến đồn Chư Cúc, một cao điểm tại km 52 QL 21 để thị sát. Để chuẩn bị cho chuyến thị sát này, địch đưa quân thám báo lùng sục dọc đường từ km 52. Nhận được tin báo, đơn vị bố trí lực lượng do tôi chỉ huy bí mật theo sát đội thám báo, đến km 58 thì chúng dừng lại, bố trí thành điểm chốt. Qua nắm bắt địa hình, tôi quyết định đặt một quả mìn từ hướng Chư Cúc xuống, 1 quả từ km 59 lên, triển khai đội hình áp sát. Đúng 4 giờ 45 phút, bọn thám báo tập hợp lực lượng cũng là lúc đơn vị nổ súng tấn công, tiêu diệt gọn đơn vị thám báo, thu 1 đài PRC 25, 18 súng và nhiều quân trang quân dụng. Tiếp đó, vào lúc 6 giờ, 1 xe cơ giới của địch đi từ hướng Chư Cúc xuống đã bị trung đội công binh diệt gọn. 7 giờ 30 phút chuyên cơ chở Nguyễn Văn Thiệu bay đến vùng trời Chư Cúc, nhận điện báo dưới mặt đất điện không an toàn, liền quần lượn 2 vòng rồi bay đi luôn”.
Trận đánh ấy, Đại đội công binh 312 có 4 người đươc tặng thưởng Huân chương, trong đó đại đội phó Nguyễn Văn Bút được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Quà mừng sinh nhật Bác
Vùng Quảng Nhiêu (huyện Cư M’gar) nằm án ngữ phía bắc Buôn Ma Thuột - cửa ngõ tiếp giáp vùng giải phóng - là khu vực tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Địch chiếm giữ cao điểm 529 (Cư M’gar), xây dựng thành căn cứ “pháo đài” vững chắc, với một lực lượng hùng hậu: 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo tổng hợp, 1 đoàn “bình định nông thôn”, 1 đại đội tâm lý chiến, 1 trung đội thông tin và trang bị 2 pháo 105mm, 11 cối các loại, 1 DKZ 75, và 8 đại liên… khống chế một vùng rộng lớn, từ đây chúng bắn phá, cho quân càn quét vùng giải phóng của ta. Đảng ủy và Tư lệnh tiền phương giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Đặc công 401 khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị để đêm 11 rạng ngày 12-5-1970 tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45 ngụy đóng trên cao điểm 529; đồng thời phối hợp với đợt 2 của chiến dịch hè năm 1970 lập chiến công kỷ niệm 80 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu. Mặc dù Tiểu đoàn 401 đã có nhiều kinh nghiệm đánh trong lòng địch, nhưng đây là trận đầu tiên đánh trên một cao điểm có cấu trúc rất phức tạp, quân số đông, vật cản kiên cố, bố trí binh hỏa lực dày đặc, nên Ban Chỉ huy Tiểu đoàn xác định sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị chiến trường có vị trí đặc biệt quan trọng. Đại đội trưởng Đại đội 308 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 401 Tỉnh đội Dak Lak Phan Thành Yên - mũi trưởng mũi tấn công hướng chủ yếu cao điểm 529 nhớ lại: “Trong trận đánh này, 2 lần đơn vị bố trí lực lượng đi chuẩn bị, kiểm tra chiến trường. Lần đầu là ngày 13-4, đơn vị phân công 12 đồng chí (gồm tiểu đoàn trưởng, 1 phái viên đặc công tỉnh, 4 cán bộ đại đội, 4 cán bộ trung đội và 2 trinh sát liên lạc) lên đường tiếp cận mục tiêu. Đến đêm 15-4 đã trinh sát được cả 3 hướng đông, bắc, nam. Qua khai thác 1 tên đào binh ở cao điểm ta đã nắm chắc thêm địa hình, cách bố trí bên trong và hạ quyết tâm sơ bộ. Lần thứ hai là ngày 27-4, tiếp tục trinh sát, nghiên cứu tỉ mỉ, chính xác quân số, vũ khí, tinh thần, cấu trúc, trận địa của địch. Sau 3 đêm trinh sát liên tục, đơn vị hạ quyết tâm tiêu diệt cao điểm 529”.
Ông Phan Thành Yên ôn lại ký ức lịch sử. |
Những ngày tháng trong quân đội, người lính Phan Thành Yên đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, nhưng ấn tượng nhất vẫn là trận đánh cao điểm 529, khi nhớ lại ông vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. “Mũi chủ yếu cắt xong hàng rào lớp thứ nhất và thứ 2, tôi phát hiện đã vào sát lô cốt, nếu tiếp tục cắt sẽ bị lộ nên đặt bộc phá sẵn chuẩn bị phá rào. Sau đó không lâu, các tổ đột nhập mục tiêu, đến Sở Chỉ huy nhanh chóng tiếp cận và phân công 2 chiến sĩ dùng RPG (B41) đánh xuống miệng hầm và cũng là hiệu lệnh mở màn trận đánh. Các tổ đã nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ, liên lạc và chi viện cho nhau hợp lý, hiệu quả. Nhiều cán bộ đã thể hiện ý chí tiến công bằng những hành động anh hùng như đồng chí Lê Văn Thế bị thương nặng nhưng đã leo lên giật quả RPG phá hỏng khẩu pháo 105mm, nhiều đồng chí khác hết vũ khí đã quay trở ra lấy vũ khí của tổ dự bị và của các đồng đội bị thương lao lên đánh tiếp. Trong trận đánh này, đơn vị có 6 đồng chí hy sinh, 10 đồng chí bị thương, nhưng đã khiến địch thiệt hại nặng nề từ Ban Chỉ huy tiểu đoàn đến binh lĩnh các đại đội, trung đội … Trận đánh đã làm địch hoang mang, sa sút tinh thần, ý chí, còn nhân dân vùng Quảng Nhiêu vô cùng phấn khởi, càng tin tưởng vững chắc vào cách mạng và quân giải phóng. Phong trào đấu tranh của quần chúng được đẩy mạnh, đây là món quà ý nghĩa nhất đơn vị lập công mừng sinh nhật lần thứ 80 của Bác”.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc