Về lần kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5 đầu tiên trên đất nước ta
Vào những thập niên cuối của thế kỷ XIX, giai cấp tư sản đã không từ bỏ thủ đoạn nào: tăng giờ làm, giảm phúc lợi xã hội, giảm tiền lương … nhằm mục đích thu lợi nhuận tối đa, trong khi đó, đời sống, phúc lợi của người lao động thì bị dửng dưng, không quan tâm. Những bất công đó đã làm nảy sinh các cuộc đấu tranh. Từ thực tế các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước được coi là “đế quốc già” (Anh, Pháp) và “đế quốc trẻ” (Đức, Mỹ)- nhất là ở Mỹ hồi đó mà tại Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14-7-1889, đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới.
Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1-5 được tổ chức trên quy mô thế giới. Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của V.I.Lê nin, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào ngày Quốc tế Lao động 1-5. Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới tán thành.
Riêng tại Việt Nam, ngày 1-5-1930, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ta, nhân dân trong cả nước đã dấy lên một làn sóng đấu tranh dân tộc và dân chủ mạnh mẽ. Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, tùy điều kiện mỗi nơi, quần chúng lao động đã tổ chức treo cờ Đảng ở những nơi đông người qua lại; hoặc rải truyền đơn ở những đường phố, chợ búa, công sở của địch; hoặc tổ chức mít tinh, biểu tình, bãi công, tuần hành thị uy…
Ở Vinh-Bến Thủy, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hơn 1000 nông dân các làng xã gần thành phố như Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, An Hậu, Đức Hậu đã hàng ngũ chỉnh tề kéo vào Trường Thi-Bến Thủy để cùng với công nhân tổ chức một cuộc biểu tình chung. Khẩu hiệu đấu tranh của công nhân và nông dân là “Ngày làm 8 giờ”, “Tăng tiền lương”; “bỏ sưu”, “giảm thuế”. Theo kế hoạch, đoàn biểu tình sẽ tuần hành thị uy từ Bến Thủy qua phố chính, rồi kéo đến tòa công sứ Vinh để đưa bản yêu sách. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hát Quốc tế ca và hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Sợi Nam Định”; “Đánh đổ đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến”; “Bảo vệ Liên Xô”… Bọn cầm quyền Pháp đã đưa hàng trăm lính đến ngã ba Bến Thủy để chặn đoàn biểu tình lại, nhưng anh em binh lính không tuân theo mệnh lệnh đàn áp của bọn chỉ huy Pháp, không bắn vào đoàn biểu tình. Báo Người lao khổ, cơ quan của Xứ ủy Trung Kỳ viết: “Thật là lần đầu tiên ở Việt Nam, công nông binh gặp nhau giữa trận tiền”. Bọn giám binh, chánh mật thám tỉnh, bọn chủ người Pháp đã chĩa súng bắn xả vào quần chúng tay không, làm chết 7 người, bị thương 18 người. Trong khi làn sóng đấu tranh đang dâng lên trong thành phố Vinh, hơn 3.000 nông dân tập trung tại đình làng Hạnh Lâm (Thanh Chương-Nghệ An) tổ chức mít tinh, rồi biểu tình vào đồn điền của tên ký Viễn, đòi trả lại ruộng đất và con đường giao thông độc đạo mà nó lấn chiếm của dân. Tên này bỏ trốn. Đang lúc ngọn lửa căm thù bốc cao, quần chúng tự động đốt phá dinh cơ của nó và tự thực hiện lấy các yêu sách của mình. Đến ngày 4-5-1930, thực dân Pháp mới dám tập trung binh lính đến đàn áp. 17 nông dân đã hy sinh và một số khác bị thương. Điều mà nhân dân Hạnh Lâm và các vùng lân cận khác tự hào mãi mãi là tên tư sản mại bản kiêm địa chủ ký Viễn đã phải từ bỏ Hạnh Lâm và cả Thanh Chương không dám ngoái cổ trờ lại.
Tại tỉnh Thái Bình, gần 1000 nông dân từ 18 làng xã ở Duyên Hà và Tiên Hưng biểu tình về tỉnh lỵ đưa yêu sách. Bọn thống trị điều động binh lính đàn áp. Được tuyên truyền và thuyết phục, anh em binh lính tỏ cảm tình với quần chúng cách mạng, cho nên chỉ bắn lên trời.
Các cuộc biểu tình của 1.500 nông dân quận Cao Lãnh (tỉnh Sa Đéc) và nông dân quận Chợ Mới (Long Xuyên) đều thắng lợi. Hai tên chủ quận nói trên đều phải giải quyết yêu sách của quần chúng: Hoãn thuế hai tháng, thả những người nông dân bị bắt vì thiếu thuế. Còn gần 1.000 nông dân ở quận Đức Hòa (Chợ Lớn) đã biểu tình đến quận lỵ đòi giảm thuế, bỏ sưu. Bọn Pháp đã đàn áp dã man: 9 người chết và 50 người khác bị thương. Nhưng đoàn biểu tình vẫn không lùi bước, buộc địch phải nhượng bộ nhận bản yêu sách giảm thuế, giảm sưu. Đặc biệt, cuộc biểu tình của công nhân và nông dân Gia Định đã lôi cuốn hàng nghìn người tham gia với một khí thế rất hùng dũng. Bọn thực dân đã đàn áp cuộc biểu tình một cách dã man: Hơn 10 người chết và bị thương, hàng chục người bị bắt …
Máu của công nhân và nông dân Việt Nam đã đổ trong dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930. Nhưng sự đàn áp dã man của địch không dập tắt được phong trào. Khắp nơi, quần chúng họp mít-tinh, truy điệu những người đã hy sinh để nung nấu thêm chí căm thù đế quốc, phong kiến và chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới. Những cuộc mít tinh, biểu tình, bãi công vẫn tiếp tục dâng cao. Trong tháng 5-1930 đã có 54 cuộc đấu tranh nổ ra (Bắc Kỳ 21, Trung Kỳ 21, Nam Kỳ 12); trong đó có 18 cuộc đấu tranh của công nhân, 34 cuộc đấu tranh của nông dân. Sự kết hợp chặt chẽ giữa phong trào bãi công của công nhân ở các nhà máy và phong trào biểu tình của nông dân ở nông thôn đã hình thành khối liên minh đấu tranh của hai giai cấp công nhân và nông dân, làm cho đế quốc Pháp và bọn tay sai vô cùng lúng túng và bị động…
…Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 2-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh quy định công nhân, lao động được hưởng lương trong ngày nghỉ Quốc tế Lao động 1-5 hằng năm. Cũng từ đó, ngày 1-5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hàng năm của Nhà nước ta. Ngày nay, ngày Quốc tế lao động là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Nguyễn Thị Thọ
Ý kiến bạn đọc