Gặp những người lính Điện Biên Phủ năm xưa
Đã 58 năm trôi qua kể từ ngày chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, song với những người từng tham gia chiến đấu bảo vệ và xây dựng Điện Biên, ký ức của tháng ngày lịch sử ấy vẫn vẹn nguyên, đầy tự hào.
Xứng danh người lính Điện Biên
Đầu tháng 5, chúng tôi về xã Krông Buk (huyện Krông Pak) tìm gặp một nhân chứng lịch sử: cụ Võ Xuân Vinh, người đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và là tiểu đội trưởng trong mũi tiến công vào hầm tướng Đờ Cát (De Castries).
Cụ Vinh và bức ảnh chụp chung cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Đã 58 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một thời máu lửa vẫn vẹn nguyên trong tâm trí cụ Võ Xuân Vinh: “Trong cuộc đời kháng chiến của một người lính, tôi may mắn có mặt trong phút giây lịch sử vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát và các sĩ quan cao cấp của Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ”. Cụ kể: “Sau nhiều ngày chiến đấu anh dũng và chiếm được vòng ngoài, từ l-5, các đại đoàn của ta mở cuộc tiến công cuối cùng vào Điện Biên. 4 giờ 30 phút ngày 7-5, tiểu đội do tôi làm tiểu đội trưởng thuộc E 209, F 312 (Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) cùng đồng đội ở các mũi tiến công khác dưới sự hỗ trợ của pháo binh đã chiếm được Đồi A1, C2 - là những cứ điểm kiên cố cuối cùng của địch. Đúng 8 giờ, hỏa lực của pháo binh DKZ 57 của ta kịp thời yểm trợ đoàn quân, vượt qua cầu Mường Thanh làm chủ chiến trường. Lúc này, tiểu đội 11 người đã có 2 người bị thương, 9 người còn lại vẫn bò sát giao thông hào, bám trận địa tiến thẳng đến khu vực trung tâm. Chiều 7-5, ta tổng công kích trên toàn bộ mặt trận và đến khoảng 16 giờ, tiểu đội vào được hầm tướng Đờ Cát. Hầm có 3 gian, gian ngoài cùng là bảo vệ và thông tin liên lạc, gian giữa là nơi ở của Đờ Cát, gian trong cùng là nơi chứa lương thực thực phẩm. Chứng kiến cảnh Đờ Cát giơ tay đầu hàng mà tôi cảm giác vui mừng đến nghẹt thở”.
Cụ Võ Xuân Vinh sinh năm 1922 tại xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, năm 17 tuổi, tham gia đội du kích cứu quốc quân Can Lộc, năm 1946, nhập ngũ biên chế vào Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, đóng quân ở Quảng Bình. Năm 1953, theo lệnh điều động của cấp trên, anh cùng đồng đội hành quân 1 tháng trời ra đến vùng Điện Biên để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, phá tan cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp. Kết thúc chiến dịch, anh trở lại đơn vị cũ ở Quảng Bình và tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, sau đó anh chuyển ngành sang làm cầu đường đảm nhiệm công việc “nối những bờ vui” phụ trách 7 bến phà ở Hà Tĩnh thời bấy giờ là Phà Nghèn, Phà Già, Phà Họ, Phà Phủ, Phà Rác, Phà Cày, Phà Cầu Sông…
Năm 1984, khi nghỉ hưu, anh vào sum họp cùng các con tại xã Krông Buk (huyện Krông Pak) và vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, 12 năm là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, rồi tham gia Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi…
Nhớ mãi chiều ngày 7-5 lịch sử...
Là người lính đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đinh Quang Đá (hiện ở thôn Tân Hà, xã Ea Toh, huyện Krông Năng) luôn nhớ mãi những tháng ngày lịch sử ấy.
Ông Đinh Quang Đá ôn lại kỷ niệm tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. |
Ông Đá làm liên lạc viên, rồi biên chế vào đại đội 19, tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 khi mới 16 tuổi. Tháng 3-1953, khi đang chiến đấu tại Trung Lào (tỉnh Khammuonam), trung đoàn 57 nhận được lệnh của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên Điện Biên Phủ. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đơn vị ngày đêm trèo đèo, lội suối, mặc gió mưa rét mướt, máy bay địch oanh tạc, bom chờ nổ sau hơn 1 tháng ròng rã đã có mặt tại Bộ Chỉ huy Đại đoàn ở Cò Nòi (thuộc tỉnh Lai Châu bây giờ) để nhận nhiệm vụ. Trung đoàn 57 được giao nhiệm vụ đánh vào phân khu Hồng Cúm - một cụm cứ điểm mạnh ở phía nam tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, có sân bay và trận địa pháo binh mạnh để chi viện cho trung tâm. Tại đây, địch bố trí 2 tiểu đoàn Âu Phi, 1 tiểu đoàn ngụy Thái, 1 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly, 1 đại đội cối 120 ly, 1 trung đội xe tăng cùng một số đơn vị bảo đảm chiến đấu. Hồng Cúm còn là “cửa sau” mở đường chạy sang Lào hoặc là đón quân từ Lào sang ứng cứu. Để bao vây Hồng Cúm, Trung đoàn 57 đã trải qua bao gian nguy. “Đúng 16 giờ ngày 13-3-1954, tiếng súng mở màn chiến dịch bắt đầu nổ. Pháo của trung đoàn nhằm vào trận địa pháo và Sở Chỉ huy của địch mà nhả đạn. 9 giờ ngày 14-3 địch đưa một đại đội Âu Phi có xe tăng yểm trợ từ Hồng Cúm thọc ra bản Long Nhai để thăm dò lực lượng ta. Đại đội 54 (Tiểu đoàn 418) đã kịp thời nổ súng, đẩy lùi các đợt tiến công của địch. Sau trận đánh này, anh em càng ra sức củng cố, tu bổ hệ thống công sự cho kiên cố, liên hoàn và cơ động”, ông Đá xúc động nhớ lại.
Sau 5 ngày chiến đấu đợt I của Chiến dịch, ta tiêu diệt gọn Him Lam, Độc Lập, mở thông cánh cửa vào khu Mường Thanh. Ở hướng Hồng Cúm, Trung đoàn 57 cũng đã kiềm chế được pháo binh địch, khống chế sân bay, chặn đứng các mũi tiến công, thăm dò, tiêu hao nhiều sinh lực địch. Từ ngày 19-3 trở đi, trung đoàn thít chặt vòng vây cứ điểm Hồng Cúm bằng cách đào hào lấn dần về phía địch. Nhiều đại đội mỗi đêm đào được hàng trăm mét hào, đào tới đâu anh em lại lấy dây rừng đan lưới căng lên chiến hào, dùng cành lá ngụy trang kín. Đêm 26-3, hai mũi giao thông hào ở hướng đông và hướng tây Hồng Cúm gặp nhau ở đường 41, cắt rời cụm cứ điểm Hồng Cúm khỏi trung tâm và cũng đêm hôm đó hai mũi chiến hào của đại đội 17 và 19 đã gặp nhau ở sân bay Hồng Cúm. Điều này cũng có nghĩa cái “dạ dày” của Điện Biên Phủ đã bị ta chọc thủng, máy bay của địch không dám hạ cánh nữa, chỉ bay trên cao để thả lương thực, vũ khí tiếp tế.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ dùng bộc phá đánh mở cửa khẩu cho bộ đội chủ lực đánh vào các đồn bốt của địch tại cứ điểm Hồng Cúm, ông Đá được tiểu đoàn rút về đội tải thương. Nhận nhiệm vụ mới, ông Đá và đồng đội luôn bám sát trận địa kịp thời đưa thương binh về tuyến sau. Trong những lần tải thương ấy, ông Đá nhớ nhất chiều ngày 7-5-1954. “Lúc ấy khoảng 15 giờ, tôi được tiểu đội trưởng giao nhiệm vụ đến đại đội 18 chuyển một chiến sĩ bị thương ở chân về tuyến sau. Như mọi lần, tôi đỡ thương binh nằm trên tấm bạt, kê cao đầu lên bắp chân mình, quàng sợi dây kéo tấm bạt lên vai, tải thương trong giao thông hào được khoảng 10 mét thì nghe mấy phát súng ngoài trận địa, sau đó là tiếng reo hò: “Mường Thanh giải phóng rồi!”. Anh thương binh đang nằm trên tấm bạt bỗng nhiên đứng dậy, chạy thật nhanh. Theo phản xạ, tôi buột miệng kêu lên: “Ơ… anh thương binh!” rồi lồm cồm ngồi dậy, nhìn xung quanh nhưng chẳng thấy đâu. Hoảng quá, tôi bật khóc. Anh Viên, tiểu đội trưởng đội cứu thương nói: “Dậy đi, mau lên ra kia mà bắt Pháp”. Tôi bật dậy thật nhanh, cùng đồng đội ở tiểu đội tải thương bắt quân Pháp đang hoang mang, hoảng loạn chạy khắp nơi trên trận địa. Buổi chiều hôm ấy, tiểu đội tải thương của tôi đã bắt được 12 tên ”.
Người xây dựng nông trường Điện Biên ngày ấy
Mỗi khi nghe ai đó nhắc đến cứ địa “Điện Biên Phủ”, đôi mắt cựu binh Lê Văn Thái (tổ dân phố 7A, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) lại ánh lên niềm vui. Ông vui vì mình và đồng đội đã đem sức lực biến những đồng hoang cỏ dại thành nông trường màu mỡ xanh tốt, góp một phần nho nhỏ trong sự phát triển của Điện Biên hôm nay.
Ông Lê Văn Thái (người mặc áo trắng) cùng đồng đội trong ngày gặp mặt truyền thống của đơn vị. |
Bồi hồi nhớ lại quá khứ, ông Thái kể, sau chiến thắng ngày 7-5-1954, đơn vị tôi ở lại Điện Biên thực hiện nhiệm vụ của cấp trên giao là xây dựng nông trường Điện Biên. Là người lính đã nhiều năm cầm súng chiến đấu, nay về với công việc “nhà nông” bước đầu cũng có nhiều bỡ ngỡ. Những ngày đầu, việc khai phá, cải tạo đất để lập nông trường vô cùng vất vả. Khắp nơi, chỗ nào động dao, cuốc vào cũng thấy giao thông hào, hầm, bom, đạn, pháo, mìn... còn rơi rớt lại.
Thế là anh em cứ chia nhau dò nhặt, đến cuối giờ chiều lại gom bom, đạn, pháo tìm thấy trong ngày, đào hố sâu, đổ xuống rồi giật bộc phá để hủy. Đời sống vật chất của đơn vị lúc này đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi bệnh sốt rét hoành hành, mọi nguồn thực phẩm đều phải đưa từ dưới xuôi lên, ngày ba bữa ăn, quanh đi quẩn lại chỉ có cơm nếp, cá khô. Khó khăn là thế, nhưng chúng tôi vẫn luôn động viên nhau xây dựng Điện Biên cũng là mặt trận, mình vẫn là người lính Cụ Hồ, không thể lùi bước. Và rồi, với lý tưởng quyết tâm xây dựng Xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc cộng với sự cần cù của người lính trên mặt trận sản xuất, vừa làm vừa học cách chọn giống, phương pháp chăm bón cây trồng, chỉ vài năm sau ngày chiến thắng, nông trường Điện Biên đã định hình và được phủ kín bằng màu xanh bạt ngàn của lúa, ngô, lạc. Lúa được mùa, chuồng trại chăn nuôi mở rộng, đàn gia súc tăng dần, đời sống của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện và còn có phần dư dật để bồi dưỡng cho những lúc làm đêm, thêm giờ...
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Thái tiếp tục là một trong số những người tiên phong được điều động vào Dak Lak. Với cương vị là cán bộ Ban Định canh định cư huyện Krông Pak, bằng những kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng lao động trên nông trường Điện Biên, ông đã vận động nhân dân trên địa bàn khai hoang phục hóa, chăm lo sản xuất để ổn định đời sống, biến những vùng đất hoang vu, đầm lầy lau sậy trở thành cánh đồng xanh tươi, trù phú.
Trong cuộc sống thường ngày, ông vẫn luôn giáo dục con cháu về truyền thống của gia đình không ngừng học tập, lao động và cống hiến để xây dựng quê hương.
Huyền Nhung - Nguyên Hoa - Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc