Nguyễn Khuyến dạy con
Nguyễn Khuyến sinh năm 1935 ở làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông học giỏi, thơ văn rất hay và cả 3 lần thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đậu. Vì vậy lúc ban cờ biển cho ông, vua Tự Đức tự tay đề tặng hai chữ “Tam nguyên”. Từ đó thiên hạ thường gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ.
Ông là một người cha mẫu mực, một vị quan liêm khiết. Tuy đậu cao, làm quan to nhưng từ khi đương chức đến lúc về hưu, Nguyễn Khuyến vẫn luôn luôn sống thanh đạm, gần gũi, chan hòa với nhân dân và ghét thói tham nhũng, hách dịch. Lúc con trai ông là Nguyễn Hoan làm quan tư phủ, ông làm thơ dặn dò:
“… Thuyền chèo bể hoạn lòng nên nhẹ
Lợi bén hơi đồng mắt chớ tham…”
Có một lần Nguyễn Hoan về thăm bố vợ ở làng Vĩnh Trụ, huyện Thanh Liêm. Không thấy hương lý, dân làng ra nghênh tiếp, Nguyễn Hoan liền sai lính gọi lý trưởng đến cảnh cáo và đánh cho một trận nên thân. Sự việc này đến tai Nguyễn Khuyến, ông lấy làm tức giận vì con mình cậy quyền ỷ thế hống hách, tàn bạo. Cách một tháng sau, Nguyễn Hoan về thăm gia đình. Được tin, hương lý và dân làng tề tựu để nghênh tiếp quan. Cụ Nguyễn Khuyến cũng khăn áo chỉnh tề ra chào. Cụ bước tới gần cáng, Nguyễn Hoan trông thấy vội vàng xuống: “Thưa cha, sao cha lại làm thế, con rất có tội với cha”. Cụ nói “Bẩm quan lớn, tôi tuy già yếu nhưng vẫn là một người dân trong làng. Nếu không ra chào quan, sợ bị đòn đau như lý trưởng làng Vĩnh Trụ thì chịu sao nổi”. Nguyễn Hoan sụp lạy: “Con đã không làm theo lời cha là: Làm quan phải biết thương dân, đừng hách dịch, đánh đập dân. Con xin tạ tội trước cha và hứa từ nay xin chừa”.
Cụ Tam Nguyên Yên Đổ không những “dạy con từ thuở còn thơ” mà còn dạy con khi đã khôn lớn, uốn nắn kịp thời những thói hư tật xấu của con.
Đỗ Phương Nhâm (st)
Ý kiến bạn đọc