“Hang tám cô” - Biểu tượng khí phách Thanh niên xung phong
Năm 2009, tám Thanh niên xung phong (TNXP) thuộc Tiểu đội 163, Đại đội C217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn) bị vùi lấp trong hang đá khi đang làm nhiệm vụ trên Đường 20 - Quyết Thắng (tỉnh Quảng Bình) ngày 14-11-1972 đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân. Đây là sự tri ân và vinh danh những người con đã hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Huyền thoại “Hang tám cô”
“Hang tám cô” là chứng tích cho sự kiên gan, bền chí của các TNXP không quản ngại hy sinh lập nên những chiến công huyền thoại một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tháng 6-1971, 8 TNXP quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) cùng hàng ngàn TNXP khắp mọi miền Tổ quốc xung phong vào đất lửa Quảng Bình chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Họ được biên chế vào Tiểu đội 163, Đại đội C217 thuộc Ban Xây dựng 67, phụ trách cung Đường 20 - Quyết Thắng. Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam nên máy bay Mỹ liên tục dội bom đánh phá. Các chiến sĩ TNXP kiên trì bám trụ ở những trọng điểm ác liệt với quyết tâm “bom nổ xỏ giày, cuốc xẻng cầm tay, ra ngay trận địa” để cứu thương, cứu xe và cứu hàng. Dù biết trước cái chết sẽ đến bất kỳ lúc nào nhưng họ không hề do dự. Nhiều người đã anh dũng hy sinh mà trong giấy báo tử gửi người thân chỉ vỏn vẹn một dòng ngắn gọn: “Hy sinh ở mặt trận trong khi làm nhiệm vụ”. Ngày 14-11-1972, máy bay Mỹ lại điên cuồng trút hàng loạt bom B52 xuống cung đường này tại km16+500 nhằm cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Tiểu đội TNXP 163 gồm 8 người (4 nam, 4 nữ): Nguyễn Văn Huệ (SN 1952), Nguyễn Văn Phương (SN 1954), Nguyễn Mậu Kỷ (SN 1935), Hoàng Văn Vụ (SN 1953), Trần Thị Tơ (SN 1954), Lê Thị Lương (SN 1953), Đỗ Thị Loan (SN 1952), Lê Thị Mai (SN 1952) được giao nhiệm vụ san lấp hố bom, bảo đảm lưu thông liên tục trên tuyến đường. Trong 1 lần bom Mỹ dội xuống, bất ngờ một phiến đá khổng lồ nặng khoảng 100 tấn sập đổ vùi lấp 8 TNXP trong hang. Đồng đội lao đến tìm mọi cách ứng cứu, rất nhiều phương án được đưa ra, từ việc dùng nhiều xe xích để kéo đá, thậm chí đã nghĩ tới phương án dùng bộc phá cho nổ khối đá, song tất cả đều không thể. Tiếng kêu cứu của các anh, các chị vọng lên sau khối đá một cách thảm thiết “Bầm ơi! Cứu con với! Các anh, các chị ơi! Cứu chúng em với!” như những mũi kim đâm xuyên trái tim đồng đội bên ngoài. Nhưng lực bất tòng tâm, họ chỉ còn cách tiếp tế lương thực, nước uống bằng những ống lồ ô, tre, nứa đã đục rỗng ruột nhằm kéo dài sự sống cho 8 anh chị em trong hang này. Song tiếng kêu cứ yếu dần, đến ngày thứ 9 thì chìm vào im lặng và mọi người bên ngoài hiểu rằng tất Cả họ đã hy sinh nên nén đau thương làm Lễ truy điệu cho đồng đội. Tháng 3-1976, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tháo gỡ tảng đá lấp cửa hang, tìm và đưa hài cốt các liệt sĩ về với quê hương, gia đình. Chính nơi đây, Đền tưởng niệm “Hang tám cô” cùng những anh hùng, liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng được xây dựng khang trang để tri ân và vinh danh những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Cũng chính nơi này đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia (năm 1986), giờ trở thành địa chỉ thu hút bao thế hệ người Việt Nam tìm về lịch sử của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Du khách thắp hương tri ân tại Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, TNXP Đường 20 - Quyết Thắng. |
Cầu chúc cho hương hồn các anh, các chị siêu thoát!
Chiến tranh đã lùi xa hơn 50 năm, kể từ ngày máu các anh, các chị hòa lẫn trong lòng đất mẹ nhưng ký ức về con đường Trường Sơn năm xưa vẫn không hề phai nhạt. Giờ đây, du khách đến đất lửa Quảng Bình không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên hùng vỹ của thắng cảnh Phong Nha-Kẻ Bàng mà còn là dịp để thăm lại chiến trường xưa, để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với sự hy sinh anh dũng của biết bao thế hệ cha anh đi trước. Khi đến với khu di tích, không riêng gì tôi, hầu hết mọi người đều lặng lẽ thắp một nén hương, đặt những cành hoa trắng để tri ân những người đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Lúc nào ở đền thờ 8 TNXP cũng nghi ngút khói hương, du khách trong nước, nước ngoài, người thân các liệt sĩ và đồng đội vẫn kính cẩn nghiêng mình trước vong linh “bất diệt” của họ. Mọi người khi đi qua đây đều dừng chân, thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính, cầu chúc cho hương hồn các anh, các chị siêu thoát. “Hang tám cô” - chứng tích về sự hy sinh cao cả của các anh, các chị với bao câu chuyện tâm linh luôn nhắn nhủ chúng ta: thế hệ hôm nay và mai sau phải biết giữ gìn những giá trị vô giá về độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Hình ảnh 8 TNXP ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ với bao hoài bão, dự định còn dang dở, trong đó có người trước lúc hy sinh vẫn nắm chặt chiếc khăn mùi soa trong tay đã để lại trong lòng du khách niềm day dứt khôn nguôi. Các anh, các chị đại diện cho thế hệ trẻ của đất nước tích cực tham gia chiến trận với tinh thần lạc quan bởi họ luôn nung nấu một lý tưởng cao đẹp, một niềm tin son sắt là sự hy sinh của mình sẽ được nối tiếp và sẽ thành công. Chính sự hy sinh cao cả ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội Trường Sơn làm nên những chiến thắng vang dội trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc