Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2012):
Những hồi ức bi tráng
Có lẽ chẳng nơi đâu như dải đất hình chữ S này, lịch sử đấu tranh anh dũng lại được dệt thêu bi tráng đến thế. Máu và nước mắt, hai hệ quả không thể không có trong chiến tranh, nhưng với Đất Mẹ Việt Nam, máu và nước mắt đã làm nên huyền thoại. Và câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng mãi là một phần linh thiêng của lịch sử.
Trong danh sách do Phòng Chính sách, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cung cấp cho chúng tôi, chỉ còn 23 Mẹ Việt Nam Anh hùng hiện đang hưởng trợ cấp và sinh sống trên địa bàn Dak Lak. Mẹ có tuổi đời cao nhất sinh năm 1906, trẻ nhất cũng đã sinh năm 1943 và một điều đặc biệt nữa là các Mẹ không ai nhớ ngày tháng sinh của mình, tất cả đều được lấy chung một mốc là ngày 1 tháng 1. Sự tàn khốc của chiến tranh là thế, dấu tích thời gian đã làm phôi phai nhiều thứ nhưng vùng ký ức một thời máu lửa thì không thể phai nhòa.
Một năm 4 lần chít khăn tang
Chẳng nỗi đau nào hơn nỗi đau mất người thân. Nỗi đau đã lên đến tận cùng khi trong một năm Mẹ bốn lần chít vành khăn tang trên đầu vì vĩnh viễn mất chồng và 3 con. Những người nghe câu chuyện của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Bốc ở thôn 1, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đều kính cẩn cảm phục. Cảm phục vì sự bất khuất, kiên cường tuyệt vời của người phụ nữ sinh ra nơi đất lửa anh hùng Quảng Ngãi.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm và tặng quà Mẹ Bốc (Ảnh: T.L) |
Năm 1968 là một mốc son trong lịch sử dân tộc với đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Dù đau thương lắm nhưng mẹ Bốc cũng tự hào được cùng chồng và các con tô thắm thêm mốc son ấy. Không đau sao được khi đó là năm cả chồng và ba người con của mẹ hy sinh. Nhưng cũng không tự hào sao được khi sự mất mát ấy có ý nghĩa - cái chết anh hùng. Hai hàng nước mắt chẳng thể lăn dài trên gò má nhăn nheo, nhuốm màu năm tháng, mẹ sụt sùi. Có lẽ sự hy sinh quá lớn, mất mát quá lớn nên trong câu chuyện của Mẹ là những dòng cảm xúc không thể kìm nén... Chồng và con trai thứ 3 của mẹ hy sinh do bị địch bắn khi đang làm công trình thủy lợi của xã; con trai thứ 5 là bộ đội đặc công, hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ; còn con gái thứ 4 hy sinh khi đang là dân công giúp bộ đội mở đường thông xe. Mẹ còn nhớ mãi thời khắc đồng đội đưa cô con gái 22 tuổi về gặp mẹ, lần cuối cùng ôm con, tay nó vẫn nắm chặt tóc mẹ, níu giữ chẳng muốn rời xa mà mẹ chẳng thể làm gì để cứu được con. Cảm giác lần đầu tiên ôm ấp con khi con mới chào đời mẹ hạnh phúc bao nhiêu thì lần cuối cùng được ôm con càng đau như đứt từng khúc ruột.
Giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời mẹ chỉ mong mỏi tìm được di hài hai con trai của mẹ.
Vết thương chưa lành
Ngôi nhà nhỏ nhưng mang nặng nghĩa tình do Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện xây tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Bốn nằm khiêm tốn, râm mát tại một con hẻm nhỏ của khối 2, thị trấn Phước An (Krông Pak).
Ký ức như màn sương mờ khuất, nhập nhòa bởi dấu vết thời gian để lại trên tháng năm tuổi tác Mẹ: Những mốc ngày tháng sự kiện chẳng thể nào nhớ rõ, nhưng cảm xúc khi trải qua những khoảnh khắc ấy thì như vẫn vẹn nguyên, không phai. Sinh năm 1929, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam – vùng đất đỏ lửa, anh hùng với truyền thống đấu tranh cách mạng, ngay từ khi 13 tuổi, cùng với mọi người trong gia đình, Mẹ đã tham gia đi tiếp tế, chuyển thư, đưa gạo cho cán bộ nằm vùng. Cũng trong những ngày tháng đấu tranh ấy, Mẹ đã quen và kết hôn với anh du kích Phạm Phiên, rồi từ đó căn nhà nhỏ của gia đình Mẹ cũng trở thành một trong những cơ sở ngầm của cách mạng.
Năm 1955, cùng với hàng trăm người dân Quảng Nam trong một đợt bị địch “xúc” lên Tây Nguyên với mục đích để khai hoang vùng đất và cũng nhằm cách ly những người dân yêu nước với cách mạng, gia đình Mẹ đã đến với mảnh đất Krông Bông xa xôi của Dak Lak. Tại đây, cả gia đình Mẹ lại cùng nhau tham gia đấu tranh, liên lạc, móc nối cơ sở.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Bốn đang kể lại những năm tháng hào hùng, bi tráng |
“Hồi đó tuy khó khăn, gian khổ, nhưng chúng tôi hoạt động phấn khởi lắm. Cũng có nhiều người bị địch bắt, hy sinh nhưng không sợ, bởi sống với địch còn khổ hơn gấp trăm nghìn lần… Thiếu thốn đủ thứ, từ lương thực, thuốc men, cho đến súng đạn… Cả nhà, cả thôn đều thoát ly, kéo nhau vào sâu tít trong rừng để ở, tránh bị địch bắt bớ, càn quét. Những lần làm nhiệm vụ về qua làng lại tranh thủ mót củ khoai, củ sắn rồi đem về chia nhau… Lòng nhiệt huyết, niềm tin vào con đường của cách mạng đã giúp mọi người vượt qua hết thảy những gian nan ấy. Còn sống, còn người là còn tất cả…”, lời kể của Mẹ cứ bình dị, chân chất, hiền hòa và quá khứ về một thời tưởng như chưa xa cũng hiện lên sống động qua từng mẩu chuyện…
Mang trong mình vết thương từ khi còn hoạt động bí mật ở Quảng Nam lên Dak Lak, chồng Mẹ ngày càng ốm nặng thêm bởi không có thuốc men chữa trị, rồi một thời gian không lâu qua đời… Niềm an ủi của Mẹ lúc bấy giờ là người con trai duy nhất (sinh năm 1952) giống cha như lột. Vừa một mình nuôi con, vừa tham gia tiếp tế, tải đạn, tải gạo… công việc cứ cuốn Mẹ đi, phần nào giúp nguôi ngoai nỗi đau…
Tháng 7 – 1968, trong một đợt càn của địch, Mẹ đang ẩn dưới hầm thì bị chỉ điểm rồi bị chúng bắn vào hai cánh tay và bắt lên tra khảo. Mẹ không hề khai báo, chỉ khăng khăng nhận mình là người dân thấy đạn bom nên sợ mà trốn dưới hầm. Cuối cùng không tìm được chứng cứ, chúng đành phải thả Mẹ về…
Vết thương nơi cánh tay phải cưa cụt trong lần bị bắn ấy mới chớm mọc da non, thì đến tháng 12 cùng năm đó, Mẹ còn chịu nỗi đau xé lòng hơn khi nghe tin người con trai duy nhất của mình hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Anh Phạm Hoang khi ấy mới chỉ 16 tuổi, làm liên lạc cơ quan binh vận tỉnh Dak Lak, trên đường đi đưa thư, công văn cho cơ quan, bị địch phục kích ở Buôn Ngô (H9 cũ). Anh bị thương trong lúc vượt suối sâu và do vết thương quá nặng đã hy sinh tại sông Buôn Ngô. Nghe tin dữ ập đến, Mẹ khóc không ra nước mắt.
Những vết thương trên hai cánh tay Mẹ bị địch bắn năm nào nay đã liền sẹo, nhưng vẫn để lại một cánh tay không lành lặn, vẹn nguyên và có lẽ, tận sâu trong tâm khảm của Mẹ vẫn còn những vết thương chưa lành…
Nỗi lòng của mẹ
Những ngày tháng Bảy tri ân, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Thỏa đang sống cùng người con gái út tại thôn 3, xã Cư Ni (Ea Kar).
Mẹ Việt Nam Anh hùng Hà Thị Thỏa và người con gái duy nhất |
Trong căn nhà tình nghĩa vừa được huyện Ea Kar xây tặng, Mẹ Thỏa đang ngồi nghỉ trước hiên nhà nở nụ cười móm mém khi nhà có khách. Hết sức chân tình, mẹ nói ngay: “Nhiệm vụ” chính của tui là coi nhà và trông lũ nhỏ cho con cháu rảnh rang mần ăn”. Khi nghe "khách" đặt vấn đề được viết về những hy sinh mất mát cũng như cuộc sống hiện tại của mình, Mẹ Thỏa dùng dằng tỏ ý không muốn. Mẹ bảo: “Có chi mô mà viết, thời nớ ở quê tui ai cũng rứa cả”. Đúng, vào những năm 1960, cái thời mà bom đạn giặc Mỹ cày xới vùng đất anh hùng xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam thì hiếm có gia đình nào tránh khỏi đau thương, mất mát. Mắt nhìn xa xăm mẹ kể, năm 1952, chồng mẹ đi kháng chiến bị địch bắt rồi mất trong Nhà tù Hội An sau đó vài năm. Không lâu sau, năm 1965 Mẹ lại nhận được tin người con trai đầu hy sinh mà không tìm thấy xác. Đến năm 1966, Mẹ lại mất thêm người con trai thứ hai khi anh đang chiến đấu bảo vệ mảnh đất quê hương Quế Châu. Từ đó, mẹ cùng người con gái út rày đây mai đó khắp trong huyện để tránh bom đạn và sự truy lùng của kẻ thù đối với một người vợ, người mẹ của "những kẻ cứng đầu”. Đến năm 1968, người con gái út còn lại duy nhất của Mẹ khi ấy đang là du kích xã cũng bị địch bắt. Nén nỗi đau, mẹ lại tiếp tục cùng bà con vừa sơ tán tài sản tránh bom đạn, vừa chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. “Cũng may, sau 2 năm bị tù đày tại Nhà tù Hội An, con Thoại (bà Trương Thị Thoại, con gái bà), được phóng thích và lên Chiến khu 5 chiến đấu đến ngày đất nước được hòa bình độc lập”, Mẹ cười móm mém nói. Mẹ Thỏa trải lòng, cũng như bao người vợ, người mẹ khác, mất chồng, mất con ai mà chẳng đau. Nhưng đó là sự hy sinh cho quê hương đất nước mình, hy sinh cho chính nghĩa của dân tộc nên Mẹ cũng thấy nhẹ lòng. Vấn đề là khi được sống trong hòa bình, độc lập, những người còn sống phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh đó. Ngay như bản thân Mẹ Thỏa, ngay sau chiến tranh đã cùng con gái mình bươn chải khắp nơi để làm ăn mà không hề đòi hỏi bất kỳ sự ưu ái nào. Đến năm 1994, Mẹ cùng con gái vào Dak Lak lập nghiệp cho đến tận hôm nay. Và thật vui khi Mẹ nói rằng, gia đình Mẹ còn sung túc hơn nhiều gia đình khác trong vùng này.
Ngày còn học phổ thông, chúng tôi mơ hồ lắm khi nghe các tính từ tôn vinh đức tính đẹp của người phụ nữ Việt Nam: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Nhưng được trò chuyện với các Mẹ, chúng tôi đã hiểu và thấm thía hơn sự hy sinh của các Mẹ. Các Mẹ đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, dẫu biết chẳng ai có thể chống lại quy luật sinh tử nhưng nghĩ mà ngậm ngùi...
Đàm Nam Lan
Ý kiến bạn đọc