Luôn xứng danh là lính Sư 320
17:47, 13/07/2012
Gặp ông Đào Văn Rực (thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) khi ông đang chăm sóc lũ ếch nuôi trong vườn nhà. Nước da sạm màu sương gió, người con quê hương Quỳnh Phụ, Thái Bình trông khỏe mạnh hơn nhiều so với cái tuổi gần 70 của mình. Sau hớp chè xanh đậm đặc, ông kể về cuộc đời mình, cuộc đời của một con người luôn nêu cao ý chí cách mạng, ý chí của Anh bộ đội Cụ Hồ.
Gánh nặng thời gian cùng di chứng của những vết thương do bom đạn để lại đã khiến trí nhớ của ông nhòa nhạt ít nhiều. Thế nhưng, những năm tháng hào hùng của người lính thuộc Sư đoàn 320 thì vẫn hiển hiện trước mắt ông như vừa diễn ra. Toàn bộ cuộc đời binh nghiệp tuy ngắn ngủi của ông đều gắn liền với những trận đánh nổi tiếng ở Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, An Thái…của Sư đoàn 320. Ông kể: năm 1967, bước chân vào quân ngũ, ông được sung ngay vào Sư đoàn 320 Anh hùng đang chiến đấu tại Khe Sanh (Quảng Trị). Đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, được xem là “Điện Biên Phủ thứ hai” có thể thay đổi cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ông Đào Văn Rực không quản ngại bất kỳ khó khăn gì để vươn lên trong cuộc sống |
Vị trí đặc biệt quan trọng của Khe Sang giống như "cái mỏ neo" trong bản đồ quân sự của Mỹ, đặc biệt là uy hiếp đường Hồ Chí Minh và bảo vệ vùng I chiến thuật. Đây là trung tâm chỉ huy của Hàng rào điện tử Mac Namara mà Mỹ đang xây dựng nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh. Đầu năm 1968, Sư đoàn 320 của ông đã triển khai xây dựng hệ thống công sự trận địa ở Động Mã, hoàn thành được nhiệm vụ cắt đứt Đường 9, tạo điều kiện thuận lợi cho các Sư đoàn 304 và 325 siết chặt vòng vây ở Khe Sanh.
Đầu năm 1971, khi đang cùng đồng đội tham gia chiến dịch phòng ngự phản công tại mặt trận Đường 9 - Nam Lào thì ông bị thương, mất khả năng chiến đấu và được đưa về hậu phương. Chỉ hơn 3 năm trong quân ngũ, thế nhưng ông cũng như bao chiến sĩ khác đã anh dũng vượt qua hàng vạn tấn bom đạn của kẻ thù, được ví như những trận bão lửa dữ dội chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh, biến Khe Sanh trở thành nơi mà lần đầu tiên, quân đội đế quốc Mỹ phải rút bỏ một căn cứ quân sự trọng yếu bởi áp lực của đối phương.
Bản thân ông, tuy bị thương với tỷ lệ thương tật 27%, không thể tiếp tục tham gia chiến đấu trên chiến trường, nhưng những ngày tháng ngắn ngủi trong quân ngũ, chiến đấu ở một chiến trường ác liệt đã rèn luyện cho ông một ý chí kiên cường dù ở bất kỳ cương vị nào. Hòa bình lập lại, năm 1977 ông cùng gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp và thị trấn Buôn Trấp là địa điểm mà gia đình ông lựa chọn. Bỡ ngỡ trên vùng đất mới, con lại đông nên những ngày đầu đặt chân lên mảnh đất xa xôi này với ông thật muôn vàn khó khăn.
Ông tâm tình, vất vả lắm, thấy ai làm gì hiệu quả mà phù hợp với mình là ông lại xắn tay làm và động viên vợ con cùng làm. Từ làm ruộng rẫy đến trồng cà phê, từ chăn nuôi những con vật thông thường như heo, gà đến những loài “cao cấp” như ba ba…Thế nhưng vì kinh nghiệm không có, đất sản xuất lại ít, cộng với khó khăn của thị trường đã khiến gia đình ông bao phen lao đao. Ông bảo, ai đã trải qua đời lính thì có ngại gì gian nan vất vả, nhưng thấy vợ con cực nhọc thì không chịu được. Thế là ông lao vào với công việc bất kể thời gian.
Cũng may, gần nhà có khu vực người ta đào đất làm gạch, để lại những ao, vũng nước lớn nên cá, tôm nơi đây cũng đủ giúp gia đình ông “có đồng ra đồng vào”. Suốt bao năm qua, bất kể nắng mưa, không ngày nào ông không có mặt ở đây để đánh bắt cá. Đó là phương cách “lấy ngắn nuôi dài” giúp ông cùng gia đình vượt qua được khó khăn ban đầu. Rồi sau nhiều lần thử nghiệm các loại vật nuôi không thành công, năm 2006 ông chuyển sang nuôi ếch.
Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của mình cho những ai muốn học hỏi |
Đây được xem là quyết định đúng đắn bởi ếch là loài dễ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để được thị trường ưa chuộng hơn, ông đã khéo léo lai tạo giữa ếch đồng với ếch nuôi công nghiệp nên con ếch thành phẩm to nhưng chất lượng thịt chẳng thua kém ếch đồng là mấy nên giá bán cũng cao hơn so với thị trường, có nhiều thời điểm, nhà ông không có ếch để bán. Ngoài bán ếch thịt, ếch giống của gia đình ông Rực cũng được nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh tìm đến mua. Không chỉ bán con giống, ông còn tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho những người mới bắt đầu làm để hạn chế rủi ro. Với sự chân tình của một người lính, ông trở thành địa chỉ tin cậy đối với những người làm nghề nuôi ếch. Nhờ biết cách tính toán khéo léo, mỗi năm ông thu về hơn 50 triệu đồng tiền bán ếch chỉ với hơn 120 m
2 vườn của mình.
Ông phấn khởi cho biết, từ cách làm này, kinh tế gia đình ông đã khởi sắc hơn hẳn. Đáng mừng hơn, các con ông lần lượt ra ở riêng và đều thành công nhờ sự cần cù chịu khó cùng vốn liếng là những kinh nghiệm sản xuất kế thừa từ cha mình. Ông cười đùa: “Giờ chỉ có hai “thanh niên” trong nhà này thôi nên cũng không có gì vất vả cả”. Nói là thế, nhưng sau cuộc trò chuyện, ngay lập tức ông Rực lại vác chiếc thuyền nhỏ cùng dụng cụ đánh bắt cá ra đồng. Nhìn dáng ông thoăn thoắt bước đi dưới nắng chiều, ai cũng thầm cảm phục về ý chí của một cựu chiến binh Sư đoàn 320 Anh hùng.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc