Multimedia Đọc Báo in

Người cựu binh luôn sống với “nhiệm vụ”

17:28, 24/07/2012

Là bệnh binh hạng 2, sức khỏe yếu, con lại đông nên cuộc sống gia đình không hẳn đã thoải mái. Thế nhưng với tấm lòng của mình, ông luôn gắn bó, chia sẻ, không quản ngại vất vả để đến với những người đã cùng mình vào sinh ra tử và trở thành điểm tựa, niềm tin vững chắc cho từng đồng đội. 

Ông Nguyễn Trọng Cử (buôn E Căm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến Binh thị trấn Buôn Trấp tham gia công tác cựu chiến binh được hơn 10 năm nay. Hội CCB thị trấn có 15 chi hội và 598 hội viên, thế nhưng bất kể nắng mưa, khi nào hội viên có việc là ông lại có mặt.
Ông Nguyễn Trọng Cử (phải) thăm mô kinh tế của một hội viên
Ông Nguyễn Trọng Cử (phải) thăm mô kinh tế của một hội viên
Ông tâm sự, từng là lính Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 và là Đại đội trưởng Pháo binh chiến đấu tại chiến trường K, khi xuất ngũ với biết bao khó khăn, nhưng so với các đồng chí đồng đội của mình, gia đình ông cũng không đến nỗi quá vất vả. Mặc dù cả 6 người con của ông đều đang ở tuổi đến trường, nhưng với 2 ha rẫy cà phê, 1 ha hồ ao và 1ha vườn cũng đủ giúp kinh tế gia đình ông tạm ổn định. Thế nên, ngoài thời gian cùng phụ giúp vợ con làm vườn tược và chăn nuôi heo, ông đã dành hết tâm sức của mình cho công tác hội. Ông chia sẻ, từng là người lính nên khi tham gia công tác hội, ông cũng coi đó như là nhiệm vụ. Và để hoàn thành nhiệm vụ đó, đòi hỏi phải thật sự tâm huyết, hết lòng với công việc. Ông xuề xòa bảo: “May mà có người vợ đảm đang chứ không thì biết lấy gì mà tham gia công tác hội”. Thực tế, với số tiền trợ cấp ít ỏi như hiện nay thì “không đủ tiền đổ xăng chứ nói gì đến chuyện mang tiền về phụ giúp vợ con”. Nói là thế, nhưng ông lại thẳng thắn cho biết, công tác hội nhìn thì đơn giản, nhưng rất nhiều “việc không tên”. “Nếu không muốn làm đến nơi đến chốn thì người cán bộ rất nhàn, nhưng làm như vậy tôi không chịu được”, ông nói đặc chất lính. 
 
Nhờ quan hệ mật thiết với hội viên, ông kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của mọi người. Ông cho rằng, cái khó khăn nhất của các hội viên cựu chiến binh là vốn để phát triển sản xuất. Sức chịu đựng, khả năng chịu khó thì những người lính như ông “có thừa”, nhưng mọi tính toán đều phụ thuộc vào đồng vốn. Biết khó thì phải chia sẻ. Dù chưa phải là “giàu có”, nhưng khi hội viên nào cần, ông sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng của mình có thể. Và khi Hội Cựu chiến binh huyện Krông Ana có chủ trương góp vốn cùng nhau phát triển sản xuất, ông là người tiên phong tham gia và kêu gọi các hội viên trong Hội CCB thị trấn Buôn Trấp cùng tham gia. Ông đến từng chi hội, gặp từng hội viên để thuyết phục về tính hiệu quả mà quỹ này mang lại. Ngay như chi hội buôn E Căm có đến hơn 50% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn nhưng đến nay cũng đã vận động được các hội viên góp quỹ với số tiền 1,5 triệu đồng/hội viên/năm. Chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay, quỹ đã hoạt động hiệu quả, số vốn tuy không nhiều nhưng nhờ xoay vòng hợp lý đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho trên 30% hội viên trong Hội. Hơn thế, nhờ hoạt động sôi nổi của quỹ này mà công tác vận động quần chúng tại địa phương được tốt hơn. 
 
Trở về sau chiến tranh với những vết thương giờ vẫn còn đau âm ỉ trong cơ thể, thế nhưng chẳng ngại vất vả, sức yếu, CCB Nguyễn Trọng Cử vẫn miệt mài, thầm lặng hoàn thành công việc của mình, góp một phần công sức cùng đồng đội vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 
 
Quốc Anh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.