09:36, 06/07/2012
“Ôi ! Sống như anh, sống trọn đời; Sáng trong như ngọc một con người” (Tố Hữu). Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mãi luôn xứng đáng với lời ngợi ca ấy. Lúc sinh thời, Đại tướng không chỉ là một người có tài cao, chí lớn mà còn là một mẫu mực về đức độ của người cán bộ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng có nhận xét, đánh giá về Đại tướng rằng, đó là “Một con đại bàng bay cao, nhìn xa”.
|
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967) |
Cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn bó sâu sắc với đất nước, với dân tộc, với Đảng, với nhân dân. Vốn sinh ra trong một gia đình và làng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng (thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), chàng thanh niên Nguyễn Vịnh (tên khai sinh của Đại tướng) sớm có lòng yêu nước nồng nàn và nhiệt huyết cách mạng. Từ nhỏ, ông đã rất căm ghét bọn bán nước và lũ cướp nước. Ý thức đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc hình thành trong ông từ rất sớm. Khi mới 23 tuổi, Nguyễn Vịnh đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được cử làm Bí thư Chi bộ Đảng tại huyện Quảng Điền, sau đó ông được chỉ định vào Tỉnh ủy lâm thời. Năm 24 tuổi, đã là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế. Trong khí thế chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế, ông được Đảng phân công hoạt động ở Nam Trung kỳ. Năm 31 tuổi, ông được cử đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (tháng 8-1945). Tại Hội nghị, ông được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại đây, ông được gặp Bác Hồ, Bác trìu mến đặt cái tên Nguyễn Chí Thanh cho ông. Tên gọi thân thương đó đã cùng ông đi suốt cuộc hành trình cách mạng. Bước vào tuổi 37, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2-1951), ông được bầu vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Điều đáng quý nhất ở ông là dù ở cương vị nào, ông cũng đều dốc hết nhiệt tình và tài năng của mình để kiên trì thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đảng đã đề ra. Ông là một con người của Đảng, luôn tin ở Đảng và vì thế đã luôn làm tất cả những gì có thể làm được để tăng cường sức mạnh của Đảng. Với ông, sức mạnh của Đảng trước hết bắt nguồn từ đường lối của Đảng. Tại Hội nghị tuyên huấn toàn quân năm 1951, ông từng phát biểu rằng:
“Vì sao mà gian khổ, khó khăn biết chừng nào mà dân ta vẫn quyết tâm kháng chiến? Vì sao mà từ gậy tầm vông, chúng ta đã có lực lượng to lớn như bây giờ? Có phải tự nhiên may rủi mà được như vậy không? Có phải trời sinh ra là dân ta khắc đoàn kết không? Có phải chúng ta sẵn tiền rừng, bạc biển không? Hoàn toàn không ! Mà chính là vì Đảng ta có đường lối đúng đắn”. Cũng trong một bài viết cho báo Nhân Dân, nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông cũng đã từng nêu rõ quan điểm ấy của mình rằng:
“Nếu ngày xưa ông cha ta ước mơ tìm thấy một sức mạnh thần kỳ ở nơi con ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương để đánh đuổi quân ngoại xâm, thì ngày nay chúng ta tìm thấy sức mạnh đó không phải ở đâu xa mà ở nơi đường lối chính trị đúng đắn của Đảng ta. Đường lối chính trị ấy đã biến thành sức mạnh của quần chúng”. Và chính ông cũng thường xuyên nêu rõ rằng, sự gắn bó sâu sắc với nhân dân, chính là sức sống, sức mạnh của Đảng. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã từng có câu nói nổi tiếng:
“Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta cần phải tranh thủ từng thôn, từng người dân. Chúng ta không để mất dân; chết không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”. Đúng vậy, có dân, biết gắn bó mật thiết với nhân dân là chúng ta có tất cả. Vì thế, trong một lần
“Đi kiểm soát một đơn vị” (tên bài báo của ông đăng trên Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, số 6, tháng 1-1948), ông đã phê phán một chi bộ trong một năm không phát triển được đảng viên mới nào, và cho rằng:
“Chi bộ đã không liên lạc mật thiết với quần chúng”. Rồi ông kết luận:
“Đoàn thể rời quần chúng thì đoàn thể chết”. Ông luôn luôn tâm niệm rằng:
“Dân tộc ta đã từng nếm bao nỗi đắng cay của kiếp người làm nộ lệ. “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Đó là tư tưởng vĩ đại, tình cảm sâu sắc, tâm hồn trong sáng và nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc từ ngàn xưa cho đến ngày nay”. Đó cũng là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Đảng. Và ngày nay, Đảng ta đang tiếp tục phát huy tư tưởng đó để phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Một biểu hiện sáng trong như ngọc khác của ông là sự kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Những tư tưởng, những tác phẩm của ông về vấn đề này đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi và giá trị thực tiễn quý giá. Cách đây 55 năm, trong Hội nghị Chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp trong quân đội (5-1957), ông đã có bài nói chuyện mà sau này trở thành tác phẩm nổi tiếng: “Chống chủ nghĩa cá nhân”. Theo ông thì “Chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm của phương thức sản xuất lấy tư hữu tư liệu sản xuất làm cơ sở”. Và ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống xen kẽ với giai cấp tư sản... Một mặt có điều kiện để học tập rèn luyện thêm, một mặt thì tương đối rảnh rang để tính toán cho cá nhân mình”. Đây luôn là hoàn cảnh “thử thách trực tiếp về tư tưởng”, qua thử thách đó, một mặt làm cho chúng ta tôi luyện được cứng vững thêm, mặt khác sức tấn công của tư tưởng tư sản có tác động khêu gợi, quyến rũ, nhen nhóm lại những cái “đóm tàn” của chủ nghĩa cá nhân đang còn trong người chúng ta, để làm cho nó xuất hiện và phát huy tác dụng đó chính là nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, “Chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là cấm tuyệt đối người đảng viên, cán bộ... không được mảy may lo lắng cho công việc riêng tư của mình”, mà chống chủ nghĩa cá nhân là chống những biểu hiện “Thấy tác dụng cá nhân mình tăng lên một tí, thấy tác dụng của nhân dân quần chúng giảm đi một tí”; “thấy công lao của mình tăng lên một tí, thấy công lao của Đảng giảm đi một tí”, “đối với mình thì cộng thêm một ít thành tích, đối với người khác thì cộng thêm cho họ một ít sai lầm, khuyết điểm”; đôi lúc “thấy hoài bão to lớn về chủ nghĩa cộng sản bớt đi một tí, mà lo lắng tiền đồ cá nhân mình ngày càng tăng lên một tí”. Những người bị chủ nghĩa cá nhân chi phối thường hay xuyên tạc sự thật, điều chỉnh sự vật một cách giả tạo theo hướng có lợi cho cá nhân mình, và lẽ cố nhiên là có hại và gây khó khăn cho cách mạng, dù chỉ là “mỗi cái một tí”. Ngày nay, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đã và đang gây những khó khăn, trở ngại lớn cho Đảng, cho cách mạng; đồng thời để cho kẻ thù lợi dụng để lung lạc lòng tin của quần chúng về Đảng. Cuộc chiến nhằm loại bỏ chủ nghĩa cá nhân thật không đơn giản, nhưng chúng ta đã có sẵn một “phương thuốc để trừ khử nó, đó là phê bình và tự phê bình, nâng cao trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên. Tất nhiên, phê bình và tự phê bình phải “đi từ đoàn kết để củng cố và tăng cường đoàn kết”; “đi từ học tập giáo dục lẫn nhau để làm cho nhau tiến bộ”; “đi từ lợi ích cách mạng để phục vụ cho lợi ích cách mạng”; “đạo đức cao quý nhất của người cộng sản là hy sinh phấn đấu, hy sinh là hy sinh cá nhân, phấn đấu là phấn đấu vì cách mạng” ...
45 năm đã trôi qua kể từ ngày Đại tướng đi xa, nhưng trong chúng ta vẫn còn đọng mãi một hình ảnh sáng trong như ngọc, để cho mọi người học tập, noi gương ...
Nguyễn Viết Chính
Ý kiến bạn đọc