Multimedia Đọc Báo in

Tô Hiến Thành – vị đại thần tài đức vẹn toàn

09:34, 06/07/2012

Công lao của Tô Hiến Thành không chỉ ở việc dẹp loạn và đánh giặc, đem lại bình yên cho đất nước, mà còn ở chỗ giỏi chính sự, trọng hiền tài. Ông là một danh thần lỗi lạc thời nhà Lý mà đời sau sánh ông với Võ Hầu Gia Cát Lượng.

Cổng dẫn vào đền thờ Tô Hiến Thành (Thanh Hóa).              Ảnh: T.L
Cổng dẫn vào đền thờ Tô Hiến Thành (Thanh Hóa). Ảnh: T.L

Truyền thuyết tại làng Hạ Mỗ (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Tây, nay là Hà Nội) kể rằng đời vua Lý Thần Tông, vùng Hạ Mỗ là một làng đông dân, chia ra nhiều xóm. Ở nơi đây có vợ chồng Phủ doãn Tràng An là Tô Trung - Nguyễn Thị Đoan đến sống ở xóm lẻ. Ông bà là người hiền lành, được bà con yêu mến, năm Nhâm Ngọ sinh được một bé trai đĩnh độ khác thường, đặt tên là Hiến Thành, hiệu là Phi Diên.

Từ thuở nhỏ, Tô Hiến Thành được dạy dỗ, học văn học võ. Khi trưởng thành, ông là một chàng trai hội đủ tài thao lược, nức tiếng gần xa. Tài đức của ông được vua Lý Anh Tông nghe biết, mời vào cung. Năm Mậu Ngọ 1138, nhân có khoa thi, ông xin ứng thi và đỗ cao, được nhà vua trọng dụng và giao cho những việc quan trọng như chấn chỉnh tổ chức quân đội, dẹp loạn, đem quân đi đánh Chiêm Thành…

Do văn võ song toàn, nên ông sớm được phong Thái phó. Khi vua Lý Anh Tông sắp mất đã giao thái tử Long Cán cho ông phù trợ, ông được phong là Nhập nội Kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự, tước Thái úy. Ông được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính sự.

Tháng 7 năm 1175, vua Lý Anh Tông mất. Vua có hai người con trai là Long Xưởng (đã lớn) và Long Cán (còn nhỏ tuổi). Trước đó một năm, con trưởng là Long Xưởng do ăn ở vô đạo nên đã bị truất ngôi thái tử. Con thứ Long Cán được vua cha cho thay giữ ngôi vị này. Mẹ của Long Xưởng là Chiêu Linh buộc phải vâng lệnh, nhưng trong lòng vẫn còn ấm ức. Đến khi Lý Anh Tông trở bệnh nguy kịch, bà lại tìm cách thuyết phục Anh Tông một lần nữa. Sự việc này đã có một cuộc đối đáp rất đáng ghi nhớ giữa vua Anh Tông, quan quyền nhiếp chính Tô Hiến Thành và bà Chiêu Linh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng:

“Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu Chiêu Linh lại xin lập Long Xưởng. Vua nói:

- Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được?

Nhà vua bèn để di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp đỡ thái tử, công việc quốc gia đều phải theo phép cũ mà làm. Bấy giờ, thái hậu muốn làm chuyện phế lập nhưng lại sợ Tô Hiến Thành không nghe, bèn đem vàng bạc đút cho vợ của Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành biết được, nói rằng:

- Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ để lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng.

Khi Lý Cao Tông nối nghiệp vua cha, phong Tô Hiến Thành làm phụ chính Thái sư. Ông cố sức giữ cho nghiệp đế nhà Lý được vững, nhưng trời không chiều người, khi Lý Cao Tông còn non trẻ, Tô Hiến Thành già yếu và lâm bệnh nặng. Những ngày Tô Hiến Thành ở trên giường bệnh, chỉ có quan tham tri chính sự là Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ phục dịch. Quan gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì nhiều công việc bận, không có thời giờ rảnh rỗi tới thăm Tô Hiến Thành được. Khi bệnh tình đã thành nguy kịch, bà thái hậu (tức Đỗ thái hậu) tới thăm và hỏi ông:

- Nếu có mệnh hệ nào thì ai thay thế ông được?

Tô Hiến Thành trả lời:

- Người mà thần biết chỉ có Trần Trung Tá mà thôi.

Thái hậu nói:

- Tán Đường ngày ngày hầu hạ thuốc thang cho ông, sao ông không nói tới là làm sao? Còn Trần Trung Tá là kẻ luôn thờ ơ với ông, mà sao ông vẫn ưa chuộng vậy?

Tô Hiến Thành đáp:

- Thái hậu hỏi người thay thế thần để lo việc lớn của quốc gia, cho nên thần tiến cử Trần Trung Tá bởi xét trong triều chỉ có ông ấy làm nổi, còn nếu hỏi việc phục dịch cơm nước thuốc thang thì ngoài Võ Tán Đường chẳng còn ai hơn được.

Thái hậu cả khen Tô Hiến Thành, thầm phục tấm lòng cương trực của ông, không vì chút vị tình mà quên việc nghĩa lớn.

Tô Hiến Thành mất ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi 1179, triều vua Lý Cao Tông. Khi nghe tin ông mất, vua bãi chầu bảy ngày, ăn chay ba ngày để tang ông và tỏ rõ niềm kính trọng đặc biệt đối với ông.

Công lao của Tô Hiến Thành không chỉ ở việc đánh dẹp phản giặc, đem lại bình yên cho đất nước, mà còn ở chỗ giỏi chính sự, trọng hiền tài. Sự cải cách về thi cử của ông đã tạo đà cho nhiều người lập thân, khi làm quan xử đúng tinh thần Nho giáo. San khi ông mất, nhiều nơi lập đền thờ ông. Điều đặc biệt là cả hai vợ chồng ông đều được nhân dân tôn thờ, bởi lẽ thành công của ông có sự đóng góp của bà lúc sinh thời.

Cả nước có khoảng 200 đình, đền thờ Tô Hiến Thành. Ở làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội có ngôi đền Văn Hiến Đường thờ vị đại thần Tô Hiến Thành. Hàng năm, con cháu họ Tô và khách thập phương về Hạ Mỗ, nơi quê tổ dự lễ hội tưởng nhớ một danh thần lỗi lạc đời Lý - Tô Hiến Thành - mà đời sau sánh ông với Võ Hầu Gia Cát Lượng.

Nguồn QuehuongOnline


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.