Chuyện về người lãnh án tử hình thay Bác Tôn
Năm 1929, cơ quan Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội họp tại Sài Gòn, biểu quyết phải giết tên Phát, một tay sai đắc lực của Pháp. Ông Trần Văn Trương không tán thành nhưng vì đa số đã quyết nghị nên ông phải chấp hành. Vụ ám sát bị lộ, các đồng chí Tôn Đức Thắng, Trần Văn Trương, ông Thinh, ông Thêm và một số đồng chí khác tại cơ quan Kỳ bộ đều bị bắt.
Vào bót Pôlô ở Chợ Lớn, địch cố tra tấn và gán cho đồng chí Tôn Đức Thắng tội chủ mưu giết người để có cớ giết vị lãnh đạo Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội Nam Kỳ. Ông Trần Văn Trương lúc ấy mới ngoài 20. Ông nghĩ rằng mình chưa có vợ con nếu chịu chết thay đồng chí Tôn Đức Thắng thì không có gì vướng víu. Vả lại đồng chí Tôn Đức Thắng sống sẽ phục vụ cho cách mạng được nhiều hơn mình. Do đó, ông Trương khai nhận mình là chủ mưu.
Ở bên ngoài, bà Trần Thị Cừu - cô ông Trần Văn Trương cũng là cô ruột Giáo sư-nhạc sĩ Trần Văn Khê, cùng Đốc học Nguyễn Văn Bá, luật sư Trịnh Đình Thảo… vận động và biện hộ nên đồng chí Tôn Đức Thắng không bị án tử hình mà chỉ án chung thân khổ sai đày đi Côn Đảo.
Khi chị dâu ông Trương là bà Nguyễn Thị Ất vào thăm, thấy ông Trương bị xích hai chân bằng sợi dây lòi tói, chừa khoảng cách đôi ba tấc đủ để lê chân đi, hai cổ tay bị còng phía trước bụng, hai cùi chỏ bị trói thúc ra sau, lính mã tà kèm phía sau dẫn ra. Trên ngực ông Trương đeo ba đính bài: một tội vào hội kín, một tội chứa súng lậu, một tội giết người.
Khi được hỏi, ông Trương cười: “Tôi đi vô chứ không có đi ra. Sau này đồng bào sẽ trả thù cho tôi. Các anh, các chị cố gắng phấn đấu, còn người thì còn non nước, mà non nước sẽ không đen tối như ngày nay. Tôi chết thay cho một vị lãnh tụ rất là vinh quang, không có gì ân hận cả, chỉ tiếc rằng vụ án mạng này xảy ra làm cho cách mạng bị tổn thất nhiều”.
Trần Văn Trương là một thành viên của đại gia đình họ Trần ở Vĩnh Kim, Mỹ Tho - một gia đình gốc đại thần triều Nguyễn nhưng đến hồi đất nước bị giặc ngoại xâm, đều trở thành những chiến sĩ trung kiên của cách mạng. Ngay đến những “nữ nhi khuê các” cũng tập hợp lại trong gánh hát Đồng Nữ. Đây là một tổ chức chính trị ngụy trang do Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng trực tiếp chỉ đạo. Các đảng viên trụ cột của Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội cũng là người họ Trần. Như bà Trần Ngọc Viện (cô ba Viện - giám thị Trường Nữ công học đường Sài Gòn) phụ trách chung, danh nghĩa là chủ gánh hát; ông Trần Ngọc Giải - chính trị viên, bị địch bắt và tra tấn đến chết tại khám lớn Sài Gòn năm 1931; ông Trần Văn Hòe, anh thứ ba của ông Trương, một đảng viên kỳ cựu làm quản lý. Sau Cách mạng tháng Tám, ông Hòe được phân công làm trưởng ban tiếp tế cho mặt trận Tân Hưng chống thực dân Pháp tái chiếm Cà Mau.
Ông Trần Văn Trương trẻ trung, khỏe mạnh nên được phân công phụ trách bảo vệ trật tự an ninh gánh hát, nhất là những khi lưu diễn, bọn mật thám chó săn Pháp theo dõi bám sát từng sinh hoạt của thành viên gánh hát. Gánh cải lương Đồng Nữ chỉ hoạt động trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm, do sau vụ ám sát tên Phát, những lãnh đạo Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội đã bị thực dân Pháp bắt, người bị tử hình như ông Trần Văn Trương, người bị đày Côn Đảo như Tôn Đức Thắng nên gánh hát không còn chỗ dựa và thực dân Pháp cũng nhân vụ này bắt phải giải thể. Mặc dù vậy, gánh cải lương Đồng Nữ cũng đã gây được tiếng vang và ảnh hưởng không nhỏ trong nhân dân miền Nam một thời gian dài sau đó.
(Theo Ngô Phù Sa - PLTP. HCM)
Ý kiến bạn đọc